Nhu cầu nhân lực có kỹ năng tiếp tục tăng cao trong nhiều ngành nghề

Thứ Sáu, 01 /11/2024 09:36

Adecco Việt Nam ghi nhận sự ổn định trong nhu cầu tuyển dụng với tổng số vị trí tuyển dụng giữ vững so với cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu nhân lực có kỹ năng tiếp tục tăng cao… Đây là những ghi nhận trong Báo cáo “Cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý III và triển vọng quý IV/2024”, vừa được Adecco Việt Nam công bố.

Theo đó, trong quý III/2024, ngành sản xuất và chế tạo đã chứng kiến nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và 52% so với quý trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào nhu cầu xuất khẩu cao và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào, đặc biệt là các ngành điện tử, dệt may và năng lượng tái tạo. Khu vực phía Bắc đã trở thành tâm điểm thu hút FDI với các công ty Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc mở rộng sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn và điện tử. Nhờ nhu cầu toàn cầu về bán dẫn và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam như một trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương- Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng khu vực Hà Nội (Adecco Việt Nam) nhấn mạnh, Adecco ghi nhận nhu cầu ngày càng tăng cho các vị trí chuyên môn như Trưởng bộ phận sản xuất, Quản lý chất lượng và Quản lý chuỗi cung ứng, đặc biệt là những ứng viên có kỹ năng tiếng Trung. Khối kinh doanh công nghiệp cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ, nhất là ở các vị trí trong lĩnh vực cơ khí và điện (M&E), khi các DN mở rộng hoạt động để thích ứng với biến động kinh tế. Cùng với đó, tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ tiếp tục tăng trưởng ổn định, chủ yếu nhờ vào xu hướng chuyển đổi số với nhu cầu cao đối với các kỹ năng như Java, DevSecOps và an ninh mạng.

Cũng theo nhận định của Adecco Việt Nam, dù các công ty công nghệ lớn vẫn đối mặt với một số thách thức, nhưng nhu cầu nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm kỹ thuật số và các dự án chuyển đổi vẫn giữ mức ổn định. Đến nay, tuyển dụng trong ngành công nghệ đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoài và tăng nhẹ 5% so với quý II/2024. Đáng chú ý, ngành tài chính-ngân hàng ghi nhận sự gia tăng trong nhu cầu tuyển dụng trong quý III, một phần nhờ vào những thay đổi trong điều kiện tài chính. Sau loạt đợt cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng được hưởng lợi từ thanh khoản tăng, giúp giảm bớt áp lực về vốn và thúc đẩy tuyển dụng trong các mảng đầu tư và quản lý quan hệ khách hàng. Số lượng vị trí tuyển dụng trong ngành này đã tăng 35% so với giai đoạn trầm lắng cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, nhu cầu cao đối với các chuyên gia biết tiếng Trung đã phản ánh mối quan hệ kinh doanh ngày càng chặt chẽ giữa thị trường Việt Nam và Trung Quốc. Những vị trí tuyển dụng nhiều bao gồm: Quản lý đầu tư, quản lý quan hệ khách hàng và thu hồi công nợ. Các vị trí back-office như nhân sự và tài chính-kế toán nội bộ vẫn duy trì ổn định, phù hợp với chiến lược tăng trưởng thận trọng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn. Bên cạnh đó, sự gia tăng đáng kể nhu cầu tuyển dụng các vị trí tiếp thị và truyền thông, bán hàng của ngành FMCG (tiêu dùng nhanh) cho thấy, các công ty trong lĩnh vực này đang đẩy mạnh đầu tư vào phát triển thương hiệu và mở rộng thị phần, được thúc đẩy bởi sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Như vậy, khi thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi giữa những bất ổn đang tiếp diễn, việc chủ động duy trì khả năng thích ứng trở nên vô cùng quan trọng. Nâng cao kỹ năng trong các lĩnh vực có nhu cầu cao như công nghệ và sản xuất, kết nối với các chuyên gia trong ngành và cập nhật xu hướng thị trường sẽ giúp cải thiện triển vọng nghề nghiệp. Tập trung vào các kỹ năng mềm cốt lõi và không ngừng học hỏi sẽ giúp cá nhân nổi bật hơn trong môi trường cạnh tranh. Nhìn về phía trước, quý IV dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng này với dự báo hồi phục trong lĩnh vực bất động sản và nhu cầu về nhân lực có kỹ năng tiếp tục tăng cao trong nhiều ngành nghề. NLĐ nên ưu tiên không chỉ nắm bắt cơ hội hiện tại mà còn chuẩn bị cho sự phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Nguyệt Hà