Nỗi buồn của những “người bạc” trên đường phố Indonesia

Thứ Bảy, 10 /05/2025 15:04

Vào một ngày mưa ở Thủ đô Jakarta (Indonesia), ba người đàn ông mình phủ lớp sơn bạc bất chấp thời tiết đứng ở ngã tư, gần một trung tâm thương mại và xin tiền lẻ từ tài xế, người đi đường.

Họ được gọi là “người bạc” (Manusia Silver), hay văn hoa hơn là nghệ sĩ biểu diễn đường phố.

Nghệ sĩ biểu diễn đường phố là tên gọi chung của “những người trình diễn ở nơi công cộng hoặc trên đường phố để nhận được quà, tiền từ khách qua đường hoặc đôi khi chỉ để mua vui cho mọi người mà không cần thưởng”. Là một nghề nghiệp có từ thời cổ đại, nghệ sĩ biểu diễn đường phố thường trình diễn bằng nhiều hình thức như ca hát, diễn xiếc, mãi nghệ, ảo thuật, múa rối, nhào lộn, tung hứng, huấn luyện thú… Họ cũng có thể hành nghề bói toán; họa sĩ vẽ tranh biếm họa, hí họa, phác họa…; người kể chuyện; kịch sỹ… và độc đáo nhất là làm nhân tượng.

Quay trở lại Indonesia, mặc dù chịu rủi ro lớn về sức khỏe, song một số người trẻ vẫn lựa chọn công việc “người bạc” để mưu sinh khi chi phí sinh hoạt ngày càng cao và nạn thất nghiệp gia tăng sau đại dịch Covid-19. “Tôi cũng có chút e ngại khi kiếm tiền theo cách này. Tôi muốn tìm một công việc thực sự, đàng hoàng hơn, có mặt mũi hơn. Tuy nhiên, sự xấu hổ sẽ biến mất khi tôi nhớ rằng, con gái và vợ đang ở nhà chờ tôi mang tiền về”- Anh Ari Munandar, 25 tuổi, cho biết.

Chân trần, chỉ mặc quần đùi và phủ đầy sơn bạc từ đầu đến chân, Ari và anh trai Keris Munandar, cùng người bạn Riyan Ahmad Fazriyansah, mỗi người chọn một làn đường. Khi những chiếc xe dừng lại hay có ai đó đi qua, họ tạo dáng như một rô bốt và cất lời: “Chào buổi chiều, chúc bạn một ngày vui vẻ”. Việc này không có nhiều ý nghĩa, ngoài việc có thể làm cho mọi người thấy vui, từ đó cho họ một chút tiền.

Đằng sau lớp sơn bạc, nhóm Ari đều có vẻ bị suy dinh dưỡng. Không ai cao hơn 1,72m và nặng hơn 55kg. Vào ngày may mắn, họ có thể bỏ túi khoảng 200.000 rupiah, tương đương 12,10 USD. Còn thông thường, chỉ kiếm được khoảng 120.000 rupiah, ít hơn nhiều so với mức lương tối thiểu hằng tháng của người dân Jakarta (5 triệu rupiah) và chỉ đủ trang trải chi phí hàng ngày. “Ngày có thu nhập không tốt, tôi sẽ không ăn trưa, chỉ uống chút rượu và hút thuốc”- Ari nói- “Kể từ khi bị sa thải vào năm 2019, tôi đã phải đi ăn xin, rồi làm nghề này. Trước đó, tôi làm nghề dọn vệ sinh”.

Mỗi rupiah đều có giá trị ở một quốc gia mà giá cả liên tục biến động trong vài năm qua như Indonesia. Một kg gạo- lương thực chính của quần đảo này- từ năm 2015 đến năm nay đã tăng 27%. Dữ liệu của Chính phủ Indonesia cho thấy, số người sống dưới mức nghèo khổ ở Thủ đô Jakarta- đô thị lớn với 11 triệu dân- đã tăng từ 362.000 người (năm 2019) lên 449.000 người vào tháng 9 năm ngoái. “Nhiều người trong độ tuổi từ 20 đến 40, có bằng cấp hạn chế, rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc khó tìm việc làm ổn định. Mặc dù chưa có số liệu thống kê quốc gia chính thức nhưng đã ghi nhận có sự gia tăng lớn về tình trạng ăn xin ở Jakarta sau đại dịch Covid-19 năm 2021”- Ông Bhima Yudistira, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp, cho biết.

Sau 5 tiếng đồng hồ làm việc ở ngã tư, nhóm Ari trở về nhà bằng cách đi nhờ xe Tuk-tuk. Họ ngồi chen chúc ở phía sau, đếm số tiền ít ỏi kiếm được và châm một điếu thuốc để chia nhau. Sau khi xuống xe, họ tiếp tục đi bộ qua một con sông ô nhiễm và băng qua đường sắt, cuối cùng đến khu ổ chuột ở Jakarta. Cách xa khỏi những tòa nhà cao tầng của Thủ đô, trẻ em chơi đùa gần đường ray theo nhịp điệu của tàu hỏa, còn Ari Munandar loay hoay xóa bỏ lớp sơn bạc trên da. Tương tự như mực in lưới trên vải, lớp sơn bạc không hề dễ tẩy, cần xử lý cẩn thận.

Ngồi xổm trước một cái giếng, trước mặt là xô đựng đầy nước, Ari kỳ cọ thật mạnh; trong khi đó, Arisya Munandar- con gái 1 tuổi của anh- đang hồn nhiên quanh quẩn bên cạnh: “Ban đầu, sơn làm tôi bị cháy da, thậm chí phồng rộp ở cổ, song bây giờ chỉ làm cay mắt tôi thôi. Khi trở về nhà, tôi quên hết mọi mệt mỏi và khó khăn. Nhưng tôi luôn hy vọng Arisya lớn lên có cuộc sống tốt, nhất là không bao giờ phải làm những điều tôi đang làm”.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)