Quán triệt, triển khai thi hành các Luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8

Thứ Tư, 25 /12/2024 18:44

Chiều 25/12/2024, tại Trụ sở Chính phủ, diễn ra Hội nghị Quán triệt, triển khai thi hành các Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị do Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức, được kết nối trực tuyến toàn quốc tới Trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày Báo cáo tóm tắt của Chính phủ về Tình hình Tổ chức triển khai thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật (xem xét, cho ý kiến hơn 70 đề nghị xây dựng và dự án luật, dự thảo nghị quyết); Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc về pháp luật, giao Bộ Tư pháp là đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng (trình Quốc hội cho ý kiến 19 Dự án Luật, thông qua 28 Dự án Luật, 6 Dự thảo Nghị quyết quy phạm). Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành 159 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 23 Quyết định, các Bộ trưởng ban hành 832 Thông tư.

Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), Quốc hội đã “hoàn thành khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay”: Thông qua 18 Luật, 4 Nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần đầu về 10 Dự án Luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác, đa số là do Chính phủ trình.

Về công tác triển khai thi hành các Luật, Nghị quyết, ngay sau khi kết thúc kỳ họp của Quốc hội, các Bộ khẩn trương nghiên cứu, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết (Luật Điện lực, Luật Dữ liệu). Một số Bộ xây dựng Dự thảo Quyết định của Bộ trưởng để triển khai thi hành các luật và đang thực hiện việc lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan. Để kịp thời đưa các Luật, Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ biến luật, nghị quyết. Các Bộ chủ trì soạn thảo tổ chức biên soạn Tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản các luật mới để đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cập nhật, đăng tải toàn văn nội dung văn bản lên Cổng/Trang Thông tin điện tử để cán bộ và nhân dân dễ tiếp cận. Sau khi các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ 8, các Bộ đã chủ động rà soát, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024).

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 vừa qua của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải "đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp" nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đáp ứng mong đợi của cử tri, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cũng có văn bản gửi các vị đại biểu Quốc hội về việc thực hiện yêu cầu này. Ngay tại Kỳ họp thứ 8, các cơ quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, thể hiện trong tất cả các khâu: trình dự án, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Những kết quả, hiệu quả đạt được là rất tích cực.

Qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết. Đây là thách thức rất lớn khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội cuối tháng 2/2025, đồng thời triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Đối với việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các luật, nghị quyết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có 167 luật, 9 Nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.642 văn bản cấp Bộ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan đề nghị khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án cụ thể (có thể áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các nội dung cần xử lý) để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình; cần chuẩn bị kỹ lưỡng để ngay sau Hội nghị Trung ương, kịp hoàn thiện, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường cuối tháng 2/2025, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.

Đối với việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8, UBTVQH đánh giá cao Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương có Quyết định ban hành danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết đối với toàn bộ các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Do số lượng nội dung, văn bản quy định chi tiết cần được ban hành khá nhiều, riêng đối với 18 Luật, Chính phủ, các Bộ cần ban hành 127 văn bản, một số luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2025, đề nghị từng Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo cần bám sát yêu cầu tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tập trung chỉ đạo để xây dựng, ban hành văn bản đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không tránh khỏi có sự xáo trộn nhất định trong tổ chức, hoạt động của một số Bộ, cơ quan, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, ban hành văn bản không để gián đoạn công tác xây dựng, ban hành văn bản; sau sắp xếp, cơ quan mới tiếp nhận nhiệm vụ cần kế thừa kết quả, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để đảm bảo văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành đúng thời hạn.

Về việc triển khai Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 gắn với công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, đây là kỳ họp cũng có khối lượng công tác lập pháp rất lớn. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 Luật, 2 Nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 15 Dự án Luật, chưa kể còn một số dự án Chính phủ đang xem xét để tiếp tục đề nghị bổ sung vào Chương trình.

Sau kỳ họp bất thường cuối tháng 2/2025, chỉ còn hơn 2 tháng là bước vào Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội ngay từ tháng 12 này để tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý các dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời tập trung chuẩn bị, hoàn thiện các dự án được giao chủ trì soạn thảo để Chính phủ trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại các phiên họp tháng 2 và tháng 3/2025, tránh để dồn vào các phiên họp sát thời gian khai mạc Kỳ họp thứ 9.

Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, đề nghị các cơ quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định của nghị định, thông tư, bảo đảm luật có tính ổn định, có giá trị lâu dài.

Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên, tgiao cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quy định để linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Chú trọng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, sự nhất quán về chính sách, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.

PV