Quốc hội Đan Mạch thông qua việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 70 vào năm 2040
Tuổi nghỉ hưu ở mức 70 sẽ áp dụng cho tất cả những người Đan Mạch sinh sau ngày 31/12/1970. Như vậy, vào năm 2040, Đan Mạch sẽ là quốc gia có độ tuổi nghỉ hưu cao nhất châu Âu.
Đan Mạch có dân số khoảng 6 triệu người. Trong đó, 713.000 người trong độ tuổi 60-69 và 580.000 người trong độ tuổi 70-79. Từ năm 2006, Đan Mạch đã nghiên cứu gắn tuổi nghỉ hưu chính thức với tuổi thọ trung bình và điều chỉnh lại sau mỗi 5 năm. Hiện tại tuổi nghỉ hưu là 67; tuy nhiên, sẽ tăng lên 68 vào năm 2030 và 69 vào năm 2035. Theo lộ trình, độ tuổi nghỉ hưu là 70 sẽ áp dụng cho tất cả những người Đan Mạch sinh sau ngày 31/12/1970.
Được biết, có khoảng 80.000 người Đan Mạch đang ở độ tuổi lớn hơn tuổi nghỉ hưu theo Luật định vẫn đang làm việc. “Điều kiện kinh tế cá nhân tốt”; “chủ sử dụng lao động linh hoạt hơn”; “các cơ hội việc làm và sáng kiến tài chính tốt hơn” và “bản thân mong muốn được tiếp tục làm việc” là những nguyên nhân chính khiến người cao tuổi Đan Mạch vẫn đi làm dù đã có thể lĩnh lương hưu.
Tuy nhiên, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu ở Đan Mạch không phải nhận được sự đồng thuận tuyệt đối; cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều. Năm ngoái, Thủ tướng Đảng Dân chủ Xã hội Mette Frederiksen cho biết, lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu không thể áp dụng cứng nhắc, cần tiếp tục nghiên cứu: "Chúng tôi cũng cho rằng tuổi nghỉ hưu không nên tự động tăng lên mà không có giới hạn. Rồi sẽ đến lúc không thể nói rằng, mọi người phải có trách nhiệm làm việc cả đời".
Ông Tommas Jensen, 47 tuổi, đang là thợ lợp mái, thẳng thắn nói với truyền thông Đan Mạch, sự thay đổi về tuổi nghỉ hưu là "vô lý": "Chúng tôi đang làm việc, làm việc và làm việc. Nhưng khi đến một độ tuổi nào đó, chúng tôi không thể tiếp tục làm việc nữa, nhất là NLĐ làm việc chân tay hay nghề nghiệp đòi hỏi thể lực. Tôi đã lao động và nộp thuế cả đời rồi. Tôi muốn có thời gian dành cho gia đình, con cháu".
Chủ tịch Liên đoàn Công đoàn Đan Mạch Jesper Ettrup Rasmussen cho biết, “đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là không công bằng" và điều này dẫn đến một số cuộc biểu tình diễn ra tại Copenhagen trong vài tuần qua: "Đan Mạch có nền kinh tế khá vững vàng nhưng lại có độ tuổi nghỉ hưu cao nhất EU. Tuổi nghỉ hưu cao hơn có nghĩa là mọi người sẽ mất đi quyền được hưởng cuộc sống tuổi già trọn vẹn".
Độ tuổi nghỉ hưu ở các quốc gia châu Âu khác nhau. Nhiều Chính phủ đã tăng độ tuổi nghỉ hưu trong những năm gần đây, vì tuổi thọ cao hơn và giải quyết thâm hụt ngân sách. Ở Thụy Điển, độ tuổi sớm nhất mà NLĐ có thể bắt đầu hưởng trợ cấp lương hưu là 63. Tuổi nghỉ hưu theo quy định ở Italia là 67- cách tính giống như Đan Mạch, điều chỉnh dựa trên tuổi thọ và có thể tăng vào năm 2026.
Ở Vương quốc Anh, người sinh từ ngày 6/10/1954 đến ngày 5/4/1960 bắt đầu nhận lương hưu ở tuổi 66; trường hợp sinh sau ngày này, tuổi nghỉ lương hưu sẽ tăng dần. Tại Pháp, một Đạo luật đã được thông qua vào năm 2023, nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64- sự thay đổi bị đánh giá là “không được lòng dân này” gây ra “các cuộc biểu tình và bạo loạn”.
Đan Mạch là quốc gia châu Âu đầu tiên đưa ra độ tuổi nghỉ hưu quá 69 tuổi- việc này cũng đưa Đan Mạch trở thành một trong những quốc gia có tuổi nghỉ hưu theo Luật định cao nhất thế giới, cùng với Libya.
Tùng Anh (Theo Straits Time)
- Các Chương trình An sinh xã hội chống lại đói nghèo ở Bangladesh
- Giấc mơ sở hữu nhà trở nên xa vời đối với người trẻ Đài Loan
- Nhật Bản: Khách du lịch thúc đẩy doanh số bán hàng tại chuỗi cửa hàng giảm giá Donki
- Croatia: Thí điểm hỗ trợ “chi phí chăm cháu” cho ông bà
- Triển khai sáng kiến cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục ở Brazil