Quyết liệt thu nợ BHXH, bảo vệ quyền lợi của người lao động
Giữa chuyển động cải cách hành chính và sáp nhập địa giới, BHXH tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức thực hiện chính sách an sinh, vừa đối mặt áp lực chậm đóng, trốn đóng BHXH. Với quyết tâm cao và cách làm đồng bộ, đơn vị đã từng bước khống chế tỷ lệ nợ, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Nỗ lực vượt khó, quyết liệt thu nợ
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, BHXH tỉnh Quảng Ngãi thu BHXH, BHYT được hơn 3.374 tỷ đồng, đạt 51,26% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng hơn 1.069 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả khả quan, khi địa bàn đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình chính quyền, tổ chức bộ máy và cả về phương thức quản lý.
Công ty CP Licogi Quảng Ngãi là một trong những doanh nghiệp nợ BHXH lớn và kéo dài
Bên cạnh công tác thu, đại diện BHXH Quảng Ngãi nhìn nhận, tình trạng nợ đọng BHXH có chuyển biến. Tính đến 30/6/2025, số tiền chậm đóng trên toàn tỉnh Quảng Ngãi là 207,6 tỷ đồng (chiếm 3,15% kế hoạch thu), thấp hơn chỉ tiêu bình quân giảm nợ được BHXH Việt Nam giao cho BHXH 2 tỉnh cũ (BHXH tỉnh Quảng Ngãi và BHXH tỉnh Kon Tum) trước khi hợp nhất- đây là tín hiệu tích cực trong bức tranh không mấy dễ chịu về tình hình chậm đóng BHXH.
Theo ông Trịnh Quang Nghĩa- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ngãi, sở dĩ tỷ lệ nợ được kiểm soát là nhờ hệ thống BHXH trên toàn tỉnh đã đồng bộ các giải pháp, không để dồn gánh nặng vào một khâu nào riêng lẻ. “Chúng tôi triển khai kế hoạch từ sớm, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, đồng thời kết hợp các đợt thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở có trọng tâm, sát thực tế từng nhóm nợ để xử lý đúng, trúng”- ông Nghĩa chia sẻ.
Ngay từ đầu năm 2025, BHXH hai tỉnh trước khi hợp nhất đã ban hành kế hoạch thu, giao chỉ tiêu cụ thể cho BHXH cấp huyện. Đồng thời, các kịch bản thu được xây dựng sát với từng tình huống thực tiễn, nhằm ứng phó linh hoạt trong bối cảnh chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Các tổ công tác xử lý nợ tăng cường bám sát cơ sở từ cuối quý I/2025, vừa trực tiếp tiếp cận doanh nghiệp để nắm tình hình, vận động, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ đóng, vừa phối hợp với Phòng Thanh tra-Kiểm tra tiến hành kiểm tra, làm việc ngay tại trụ sở doanh nghiệp có dấu hiệu nợ kéo dài hoặc chây ỳ.
Tính đến cuối tháng 6/2025, toàn tỉnh đã thực hiện 93 cuộc thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, trong đó có 35 cuộc thanh tra chuyên ngành. Kết quả bước đầu đã thu hồi hơn 500 triệu đồng tiền chậm đóng và nhiều đơn vị cam kết lộ trình trả nợ cụ thể. Các trường hợp cố tình không thực hiện, thì kiên quyết lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, qua rà soát của các tổ công tác, nhiều doanh nghiệp nợ kéo dài đã được đưa vào danh sách giám sát đặc biệt. Một số đơn vị nợ lớn, nợ lâu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động như: Công ty CP Lilama 45.3 nợ 8,3 tỷ đồng (51 tháng); Công ty CP Licogi Quảng Ngãi nợ 7,98 tỷ đồng (75 tháng); Công ty CP Cơ khí và Xây lắp An Ngãi nợ 4,77 tỷ đồng (27 tháng); Công ty CP Tấn Phát nợ 4,32 tỷ đồng (66 tháng); Công ty CP Đầu tư Phát triển Duy Tân nợ 3,68 tỷ đồng (5 tháng); Công ty CP Phát triển Cơ sở Hạ tầng Quảng Ngãi nợ 3,24 tỷ đồng (105 tháng); Công ty TNHH Thương mại BĐS Hưng Việt - CN Quảng Ngãi nợ 2,4 tỷ đồng (44 tháng); Công ty CP Xây dựng và Khai thác VLXD Miền Trung nợ 1,56 tỷ đồng (66 tháng); Công ty TNHH PFT nợ 1,26 tỷ đồng (26 tháng); Công ty TNHH Trường Trung cấp Kinh tế-Công nghệ Dung Quất nợ trên 1 tỷ đồng (115 tháng).
Ngoài ra, còn 16 đơn vị, doanh nghiệp nợ từ 500 triệu đồng cho đến gần 850 triệu đồng, với thời gian nợ từ trên 3 tháng cho đến hàng trăm tháng như: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Khánh Long nợ gần 843 triệu đồng (92 tháng); Công ty TNHH MTV OGS nợ gần 796 triệu đồng (7 tháng); Công ty CP Thủy điện RY NINH II- ĐĂKPSI nợ 770,555 triệu đồng (67 tháng); Công ty TNHH Bốn Nguyễn nợ trên 580 triệu đồng (121 tháng)…
BHXH tỉnh Quảng Ngãi đã giao các tổ công tác theo dõi sát sao, phân nhóm nợ để xử lý; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng có biện mạnh nếu doanh nghiệp tiếp tục cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với cơ quan Thuế trong việc chia sẻ thông tin, rà soát dữ liệu các doanh nghiệp chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH cho người lao động; đối chiếu danh sách doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mới thành lập để mở rộng diện bao phủ, phát triển người tham gia và tăng cường nguồn thu.
Trước đó, BHXH cấp tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; qua đó nhiều doanh nghiệp chậm đóng, nợ kéo dài đã bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ đóng hoặc bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Từ quản lý hiệu quả đến bảo vệ quyền lợi bền vững cho người lao động
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị trực tuyến về công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT 6 tháng đầu năm 2025 do BHXH Việt Nam tổ chức, tại điểm cầu BHXH tỉnh Quảng Ngãi, ông Trịnh Quang Nghĩa- Phó Giám đốc BHXH tỉnh đã quán triệt đến toàn thể viên chức trong đơn vị xác định 6 tháng cuối năm là thời gian “nước rút” để dốc toàn lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó lưu ý công tác thu và triển khai thực hiện có hiệu quả 5 nhóm giải pháp trọng tâm.
Sẽ áp dụng biện pháp mạnh đối với những doanh nghiệp nợ BHXH lớn và kéo dài như Công ty CP Lilama 45.3
Theo đó, phân tách nhóm nợ dưới 3 tháng, trên 3 tháng, trên 6 tháng để xử lý phù hợp. Riêng với nhóm nợ trên 6 tháng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý vi phạm. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nợ lớn, nợ kéo dài để tìm giải pháp tháo gỡ cụ thể, khả thi.
Phát huy hệ thống dữ liệu số, nhất là phối hợp với cơ quan Thuế để truy vết doanh nghiệp né tránh, từ đó khai thác nguồn thu mới, hạn chế thất thu. Hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn thực sự trên cơ sở cùng phối hợp xử lý “điểm nghẽn nợ chậm đóng” để đảm bảo quyền lợi của người lao động trong tham gia và thụ hưởng chế độ. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để thông tin rộng rãi danh sách đơn vị vi phạm, tạo đồng thuận và nâng cao nhận thức về việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Nợ BHXH không đơn thuần là con số thống kê, mà là rủi ro hiện hữu, tác động trực tiếp đến quyền lợi của hàng ngàn người lao động. Chỉ một lần chậm đóng hoặc kéo dài nợ BHXH cũng có thể khiến người lao động bị gián đoạn quyền lợi khi ốm đau, thai sản, thất nghiệp hoặc nghỉ hưu. Vì thế, kiểm soát nợ không chỉ là nhiệm vụ quản lý, mà còn là hành động bảo vệ quyền lợi căn bản, chính đáng của người lao động cũng như đảm bảo ổn định an sinh xã hội.
“Chúng tôi xác định rõ chậm đóng, trốn đóng BHXH đồng nghĩa với quyền lợi của người lao động bị treo lơ lửng, đời sống và an sinh thiếu đảm bảo. Do đó, công tác đôn đốc thu nợ không chỉ là trách nhiệm của cơ quan BHXH, mà cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và chính quyền địa phương hai cấp”- ông Trịnh Quang Nghĩa- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.
Trong hành trình hoàn thiện hệ thống chính sách BHXH, BHYT- thiết chế an sinh quốc gia lâu dài, hướng tới sự công bằng, minh bạch và hiệu quả cho mọi người dân, công tác xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH không chỉ là giải pháp cân đối quỹ, mà còn là biểu hiện rõ nét của một nền hành chính phục vụ, lấy người lao động làm trung tâm. Giữa chuyển động hành chính và áp lực nợ đọng, BHXH tỉnh Quảng Ngãi đang khẳng định vai trò là “lá chắn” an sinh, kiên trì hành động, giữ vững nguyên tắc bảo vệ quyền lợi và duy trì ổn định chính sách trong điều kiện mới.
Giang Đông
- BHXH Việt Nam: Tích cực ngăn chặn hoạt động đánh cắp dữ liệu từ mạng lưới phần mềm độc hại
- Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành: "Người ta hạnh phúc, mình phải thực sự hạnh phúc"
- Đảng bộ BHXH tỉnh Tuyên Quang phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2025 - 2030
- BHXH TP.Hồ Chí Minh đối thoại với gần 200 doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT
- Sôi nổi, quyết tâm- Chung tay vì an sinh xã hội