Sẽ rà soát vị trí việc làm, khối lượng công việc để xây dựng biên chế
Khối lượng công việc lớn, chất lượng phục vụ đòi hỏi cao, nhiều cán bộ cấp xã bày tỏ áp lực, thậm chí có tư tưởng xin nghỉ việc. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ rà soát vị trí việc làm, khối lượng công việc, để đề xuất định biên cán bộ, công chức phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Ông Phan Trung Tuấn- Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, sau khoảng 3 tuần triển khai, mô hình chính quyền địa phương hai cấp bước đầu vận hành trơn tru, hiệu quả, không xảy ra gián đoạn trong hoạt động điều hành. Đáng chú ý, các UBND cấp xã đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, đưa vào hoạt động các trung tâm phục vụ hành chính công, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ông Phan Trung Tuấn- Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ)
Ghi nhận từ Bộ Nội vụ cho thấy, công tác giải quyết thủ tục hành chính tại cơ sở đang diễn ra khá đồng bộ. Phần lớn các địa phương, đặc biệt là cấp xã, đã đưa hệ thống giải quyết dịch vụ công vào vận hành, có kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi trong xử lý hồ sơ trực tuyến. “Số lượng hồ sơ hành chính được xử lý qua môi trường điện tử đang tăng đều theo từng ngày. Ở nhiều địa phương, khối lượng hồ sơ trực tuyến hiện nay khá lớn và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của mô hình chính quyền địa phương hai cấp”- ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Phan Trung Tuấn, cấp xã hiện là tuyến đầu, cũng là nơi trực tiếp nhất, gần dân nhất. Không chỉ đảm đương các nhiệm vụ vốn thuộc thẩm quyền trước đây, chính quyền cấp xã còn phải gánh vác phần lớn công việc từ cấp huyện chuyển xuống sau khi cấp huyện chấm dứt hoạt động.
Cùng với đó, hàng loạt nhiệm vụ mới từ các nghị định, luật, thông tư phân cấp, phân quyền khiến tổng số nhiệm vụ cấp xã phải thực hiện lên đến 1.065 nhiệm vụ. Áp lực gia tăng nhanh chóng, trong khi yêu cầu từ người dân, doanh nghiệp ngày càng cao, nhất là khi chính quyền chuyển sang mô hình hành chính phục vụ thay vì hành chính quản lý truyền thống.
Công tác giải quyết thủ tục hành chính tại cơ sở đang diễn ra khá đồng bộ
Mặt khác, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Trong khi đó, trình độ và kỹ năng giữa các địa phương, vùng miền còn chênh lệch lớn. Ngay trong một xã, trình độ cán bộ cũng không đồng đều, tạo ra khoảng trống về năng lực trong tổ chức vận hành chính quyền. “Thực tế không chỉ ở chính quyền địa phương cấp xã, mà ở nhiều cơ quan, nhiều người làm việc tốt sẽ áp lực vì lãnh đạo giao nhiều việc hơn”, ông Tuấn nói.
Trước thực trạng khối lượng công việc lớn, chất lượng phục vụ đòi hỏi cao, nhiều cán bộ cấp xã bày tỏ áp lực, thậm chí có tư tưởng xin nghỉ việc. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách phù hợp từ cả Trung ương và địa phương, nhằm hỗ trợ, động viên đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời, cần sàng lọc, giữ lại người có năng lực, tạo điều kiện về trang thiết bị, môi trường làm việc, thu nhập để thu hút và giữ chân người giỏi.
Liên quan đến vấn đề biên chế, ông Phan Trung Tuấn cho biết, trước mắt, cơ bản giữ nguyên biên chế cán bộ, công chức để thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ và phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tiến hành xác định lại vị trí việc làm, khối lượng công việc; từ đó xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn định biên số lượng cán bộ, công chức phù hợp với cả cấp tỉnh và cấp cơ sở. Các đề xuất này sẽ được báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Bộ Nội vụ cũng đánh giá cao nhiều địa phương đã có sáng kiến đổi mới trong cách làm để nâng cao hiệu quả vận hành chính quyền cấp xã và giảm áp lực cho đội ngũ cán bộ. Đơn cử, tại phường Cửa Nam (Hà Nội), công nghệ AI và robot đã được đưa vào hỗ trợ vận hành hệ thống. TP.Đà Nẵng cũng hợp tác với Trường Đại học FPT và Đại học Công nghệ Việt - Hàn đưa hơn 200 sinh viên năm cuối về hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị cấp xã, phường; các tỉnh như Thái Nguyên, Ninh Bình cũng có mô hình tương tự... Đây là những cách làm sáng tạo, hiệu quả cần được nhân rộng.
Ông Phan Trung Tuấn cũng khẳng định, mô hình chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; dù mới triển khai bước đầu, song hiệu quả thực tiễn đã rõ ràng. Tuy nhiên, để mô hình vận hành ổn định, bền vững, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. “Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục theo sát thực tiễn, kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc để báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ. Mục tiêu là bảo đảm mô hình chính quyền hai cấp vận hành hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Nguyệt Hà
- BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau”
- Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công
- Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam dự “Bữa cơm Công đoàn” cùng hơn 4.000 công nhân
- Chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ lụt tại miền Trung
- Hoàn thiện các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng