Sử dụng bút tiêm insulin: Dạng bào chế mới cho bệnh nhân tiểu đường
Bệnh tiểu đường đang có xu hướng tăng nhanh và trẻ hóa trong thời gian gần đây. Đây là một tình trạng rối loạn chuyển hóa carbohydrate, do cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết hoặc lượng insulin bị giảm khả năng hoạt động, dẫn đến hiện tượng glucose trong máu luôn ở mức cao.
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường phần lớn là do thói quen ăn uống và sinh hoạt không khoa học của người bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như mù mắt, suy thận, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp… Bệnh tiểu đường được chia làm các dạng như sau: Bệnh tiểu đường tuýp 1, bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tiểu đường thai kỳ.
Đối với một số trường hợp mắc bệnh tiểu đường, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân phải thực hiện chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe, thường xuyên luyện tập, vận động và sử dụng các loại thuốc điều trị. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đã áp dụng những phương pháp này mà vẫn không đạt được hiệu quả như mong muốn, thì việc bổ sung insulin là một phương pháp cần thiết. Hormone insulin do tuyến tụy sản sinh ra có nhiệm vụ sử dụng glucose, giúp làm giảm nồng độ glucose trong máu. Bệnh nhân chỉ sử dụng tiêm insulin khi có sự chỉ định của bác sĩ điều trị.
Mục đích của phương pháp bổ sung insulin, đó là cung cấp lượng insulin mà cơ thể đang bị thiếu hụt, giúp bệnh nhân kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Hiện nay, có nhiều loại insulin phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân, chẳng hạn như insulin tác dụng nhanh, insulin tác dụng trung bình, insulin tác dụng kéo dài hay insulin hỗn hợp. Thầy thuốc sẽ dựa vào tình trạng bệnh để đưa ra quyết định có nên bổ sung insulin cho bệnh nhân hay không.
Không nên quá lo lắng nghĩ rằng mình phải tiêm insulin nghĩa là bệnh đã ở giai đoạn nặng. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất. Với công nghệ khoa học hiện đại, việc điều trị insulin cũng đã trở nên dễ dàng hơn, bên cạnh phương pháp tiêm insulin truyền thống, ngày nay bệnh nhân đã có thể tiêm insulin tại nhà bằng bút tiêm insulin.
Bút tiêm insulin là một phát minh quan trọng trong điều trị tiểu đường và ngày càng được nhiều người bệnh sử dụng, bởi sự thuận tiện và dễ thực hiện hơn so với phương pháp tiêm thông thường. Người bệnh có thể sử dụng thiết bị này để tự tiêm insulin cho mình ngay tại nhà. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ về cách sử dụng bút tiêm insulin để sử dụng, bảo quản đúng cách nhằm đạt được hiệu quả điều trị nhất.
Cách sử dụng bút tiêm insulin:
Bước 1- Chuẩn bị: Rửa tay sạch trước khi tiêm. Bạn lấy bút ra khỏi tủ lạnh, tháo nắp bút và quan sát, dung dịch insulin cần được đảm bảo trong suốt. Không tiêm nếu dung dịch có hiện tượng lạ, chẳng hạn như tình trạng vẩn đục, có hạt lợn cợn.
Bước 2- Gắn kim: Cần sử dụng một kim tiêm mới cho mỗi lần tiêm, khử trùng niêm cao su và tháo niêm bảo vệ của kim tiêm. Gắn kim thẳng với thân bút, không nên gắn quá chặt để tránh làm hỏng miếng nệm cao su. Tháo nắp kim trong.
Bước 3- Thực hiện test an toàn: Đây là bước rất cần thiết để đảm bảo hoạt động của bút tiêm và kim tiêm, đồng thời giúp loại bỏ bọt khí. Trước hết, bạn xoay nút chọn liều tiêm chọn 2 đơn vị, hướng đầu bút tiêm lên trên, ấn nút về số 0 để kiểm tra xem insulin có trào ra ở đầu kim hay không. Nếu không thấy insulin trào ra, có thể thử lại. Trong trường hợp kim bị tắc hoặc bút tiêm hỏng thì cần thay một chiếc kim và bút tiêm mới.
Bước 4- Chọn liều: Xoay nút chọn liều tiêm để lựa chọn số đơn vị insulin cần tiêm.
Bước 5- Tiêm thuốc: Làm sạch vị trí tiêm bằng cồn, sau đó giữ kim thẳng góc 90 độ và tiêm vào da. Ấn nút tiêm hướng xuống cho tới khi vạch chỉ liều tiêm về mức 0. Giữ trong khoảng 10 giây rồi rút kim.
Bước 6- Tháo kim, hủy kim sau khi sử dụng: Sau khi tiêm xong, bệnh nhân gắn nắp lớn bên ngoài vào kim, sau đó vặn ngược chiều kim đồng hồ để tháo kim ra. Bỏ kim vào thùng rác y tế hoặc chai nhựa cứng để đảm bảo an toàn. Gắn lại nắp bút tiêm, sau đó bảo quản vào vị trí an toàn.
Một số lưu ý khi sử dụng bút tiêm insulin:
- Nên thay đổi vị trí tiêm insulin: Không nên tiêm insulin nhiều lần vào cùng một vị trí, vì có thể khiến cho mỡ dưới da tích tụ, tăng hình thành khối u khiến việc hấp thụ insulin bị cản trở. Nên thường xuyên thay đổi vị trí tiêm. Một số vị trí nên tiêm đó là vùng bụng, đùi trước, trên mông và cánh tay. Lưu ý không nên tiêm gần rốn hoặc những vết sẹo. Cần làm sạch da và rửa tay sạch sẽ trước khi tiêm. Nên tiêm ngay sau khi ăn để thuốc đạt hiệu quả tốt nhất. Thường xuyên kiểm tra lượng đường huyết và có thể ghi chép lại để tiện theo dõi.
- Không nên tự ý thay đổi liều lượng thuốc để tránh tình trạng hạ đường huyết. Không nên tiêm insulin quá sâu, vì khi tiêm sâu, insulin dễ bị tác động vào lớp cơ khiến cho bệnh nhân dễ bị đau và việc hấp thụ insulin sẽ trở nên quá nhanh và không được lâu dài.
ThS.Lê Quốc Thịnh