Sự thật về nạn đói ở một quốc gia Scandinavia

Thứ Ba, 29 /04/2025 23:34

Thụy Điển là một quốc gia Scandinavia chủ yếu là đô thị (gần 89%) với dân số 10,6 triệu người. Nền kinh tế phát triển của quốc gia này là sự kết hợp chủ nghĩa tư bản thị trường tự do với an sinh xã hội mở rộng.

Từ năm 2021 đến năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thụy Điển tăng nhẹ, mức thất nghiệp giảm. Kết quả, quốc gia này đã đạt được mức sống và tuổi thọ cao, xếp thứ 21 trong số 227 quốc gia.

Nạn đói và suy dinh dưỡng- theo các chuyên gia- không đáng kể ở Thụy Điển; thậm chí, mức độ đói đủ thấp và chỉ số dinh dưỡng đủ cao, để Thụy Điển không bị đưa vào Chỉ số Nạn đói toàn cầu hoặc Báo cáo Dinh dưỡng toàn cầu hằng năm. Thụy Điển cũng được xếp hạng rất cao trong Chỉ số An ninh lương thực toàn cầu, trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng được báo cáo là 2,5%. Điểm GFSI chung là 79,1, xếp thứ 7 trong số 113 quốc gia về an ninh lương thực. 4 chỉ số cấu thành bảng xếp hạng là: Khả năng chi trả; Tính sẵn có; Chất lượng và an toàn; Tính bền vững và khả năng thích ứng. Xếp hạng thấp nhất của quốc gia này là thứ 21 là về Tính sẵn có, đặc biệt là do yếu tố biến động của sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu năm 2021, chưa đến 1% dân số Thụy Điển (tương đương với 70.000 người) sống dưới mức nghèo theo chuẩn thế giới; trong khi đó, 16% dân số sống dưới mức nghèo theo chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, Thụy Điển tụt 14 bậc trong Chỉ số Cam kết giảm bất bình đẳng (CRII) của Tổ chức Oxfam- một chỉ số toàn cầu xếp hạng 164 quốc gia. Vị trí thứ 24 của Thụy Điển xếp cuối trong khu vực Bắc Âu, các nguyên nhân được kể đến bao gồm: Chính sách thuế không công bằng; Cắt giảm nguồn lực cho phúc lợi, trong đó có chi phí giáo dục và chi phí chăm sóc sức khỏe; nhóm người dễ bị tổn thương nhất là lao động nhập cư, người ngoài khối EU chưa thực sự được quan tâm; Nghèo đói kết hợp với lạm phát dẫn đến mất an ninh lương thực.

Giáo hội, các hội truyền giáo, tổ chức xã hội dân sự (CSO)… và tổ chức phi chính phủ đóng vai trò khá quan trọng trong giảm nạn đói tại Thụy Điển. Họ cung cấp hỗ trợ lương thực ngắn hạn cho những nhóm người dễ bị tổn thương, đặc biệt trong các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008; cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015; đại dịch COVID-19; lạm phát… khiến bất bình đẳng thu nhập gia tăng, làm hộ gia đình và cá nhân có thu nhập thấp càng phụ thuộc vào các chính sách an sinh xã hội.

Cách tiếp cận này được mô tả là “chuyên nghiệp hóa, tập trung và quy mô lớn, với mục tiêu đồng thời là vừa giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, vừa giảm lãng phí thực phẩm”. Một trong những mô hình hiệu quả là Cửa hàng thực phẩm xã hội- sản phẩm của sự hợp tác chính thức giữa các CSO và ngành công nghiệp thực phẩm, với phương thức phân phối thực phẩm mới.

Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng nỗ lực giải quyết vấn đề an ninh lương thực vượt ra ngoài biên giới của mình. Một ví dụ là Sáng kiến Mạng lưới Nông nghiệp Quốc tế Thụy Điển, trong đó có sự tham gia của Chính phủ, công dân và khu vực tư nhân trong cuộc chiến với nạn đói. Giai đoạn thứ tư (2022-2027) của Sáng kiến này tập trung vào tính bền vững, nông dân sản xuất nhỏ và các nhóm thiểu số. Vào tháng 12/2024, Chính phủ Thụy Điển đã cam kết tài trợ gần 63 triệu USD trong 3 năm cho Quỹ Quốc tế về Phát triển nông nghiệp của LHQ (IFAD), nhằm thúc đẩy an ninh lương thực, đặc biệt là hỗ trợ cho phụ nữ nông dân sản xuất nhỏ và các nhóm dễ bị tổn thương ở nông thôn của các quốc gia đang phát triển.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)