Tầm soát sức khỏe mới giật mình biết... xương gà trong ruột
Ngày 1/4, sau khi phát hiện và điều trị một ca bệnh hết sức hi hữu, chuyên gia Ngoại tiêu hóa BV Chợ Rẫy (TP.HCM) đã lên tiếng khuyến cáo cộng đồng tính chất quan trọng của việc tầm soát sức khỏe.
Ông N.Q.K (48 tuổi, trú TP.HCM) đến Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật (HECI) thuộc BV Chợ Rẫy để khám sức khỏe định kỳ. Qua tầm soát, các bác sĩ phát hiện có dị vật trong ruột nên đề nhập viện điều trị. Quá bất ngờ vì cho rằng cơ thể đang hoàn toàn khỏe mạnh, đang chơi thể thao mỗi ngày và không hề có triệu chứng đau bụng gì, song ông K. vẫn nhập viện theo lời khuyên của bác sĩ.
Các kết quả cận lâm sàng sau đó vẫn khẳng định ông K. bị viêm ruột thừa cấp, kèm dị vật cạnh ruột thừa cần phẫu thuật ngay. Dị vật trong ruột là một mảnh xương gà và “khổ chủ” hoàn toàn không nhớ “dính chưởng” từ lúc nào. Sau phẫu thuật, sức khỏe anh K. đã ổn định hoàn toàn. “Thật sự, tôi vừa xui vừa hên. Xui là vì lúc ăn uống vô ý bị xương gà lọt vào đường ruột, còn hên là nhờ tầm soát sức khỏe định kỳ nên được phát hiện sớm và điều trị kịp thời”- ông K. chia sẻ.
Theo TS.BS.Lâm Việt Trung- Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa BV Chợ Rẫy, dị vật đường tiêu hóa xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là bị hóc xương, do bệnh nhân vô tình nuốt phải xương cá, xương gà hoặc xương những động vật khác trong lúc ăn. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác như nuốt tăm xỉa răng (do thói quen ngậm tăm trong miệng), hoặc vô tình nuốt phải vỉ thuốc đã cắt ra, rất sắc nhọn (thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi)…
Dị vật đường tiêu hóa có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau, từ mức độ nhẹ như gây viêm, cho đến những biến chứng nặng, đe dọa tính mạng. Khi nuốt vào, dị vật có thể bị kẹt và gây tổn thương ở vùng hầu họng, hoặc xa hơn nữa là vùng thực quản, gây thủng thực quản, thậm chí thủng động mạch chủ ngực. Đây là những biến chứng nặng nề nhất, tạo thành những áp-xe mà một khi vỡ ra, bệnh nhân có thể bị tử vong ngay lập tức.
“Ngoài ra, nếu dị vật đi qua khỏi vùng thực quản, dị vật có thể tiếp tục bị kẹt ở những vị trí khác, có thể gây thủng dạ dày, thủng tá tràng, thủng ruột non, manh tràng, đại tràng, gây ra viêm phúc mạc... Khi bị kẹt lại, dị vật thường gây nhiễm trùng tại chỗ, hoặc gây hiện tượng viêm tấy, tạo áp-xe trong ổ bụng...”- BS.Trung giải thích thêm.
Theo chuyên gia Ngoại tiêu hóa, để phòng tránh mắc dị vật đường tiêu hóa, mọi người nên cẩn thận trong lúc ăn uống, đặc biệt là khi ăn những loại thực phẩm có xương. Đối với thịt gà, không nên chặt thành những miếng quá nhỏ bởi sẽ tạo ra nhiều mảnh xương vụn sắc nhọn, rất nguy hiểm nếu chẳng may nuốt phải. Và khi chăm sóc, cho những người lớn tuổi uống thuốc, mọi người không nên cắt vỉ thuốc mà nên lấy viên thuốc ra và bỏ vào những lọ đựng thuốc riêng…
Theo BS.CK2.Cao Thị Hồng- Phụ trách Trung tâm tầm soát sức khỏe theo mô hình Ningen Dock HECI (hợp tác giữa BV Chợ Rẫy và đối tác IUHW của Nhật Bản), người đến HECI tầm soát sức khỏe được chẩn đoán “kép” từ đội ngũ bác sĩ Chợ Rẫy và các chuyên gia Nhật Bản. “Trong trường hợp của ông K., phát hiện hình ảnh nghi viêm ruột thừa kèm dị vật, chúng tôi lập tức liên hệ đề nghị nhập viện kiểm tra để xử trí kịp thời. Phòng xa- phát (hiện) sớm- trị kịp chính là ưu thế của việc tầm soát sức khỏe. Ưu thế này còn giúp cộng đồng và cả BHYT nhẹ gánh chi trả nhờ điều trị sớm khi bệnh còn nhẹ...”- chuyên gia phân tích.
Thanh Giang
- Chung tay hỗ trợ trẻ tự kỷ xây dựng tương lai
- Bộ Y tế ban hành công văn hỏa tốc về phương án cấp cứu, cách ly khi tăng ca sởi nặng
- Dịch sởi hạ nhiệt nhờ tái lập miễn dịch cộng đồng
- Khởi công xây dựng BV Đa khoa Quốc tế S.I.S Đà Nẵng
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh của DN vừa và nhỏ