Tạo điều kiện để Công đoàn chăm lo, đảm bảo an sinh và phúc lợi cho công nhân lao động
Sáng 2/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 đã diễn ra phiên khai mạc trọng thể, với sự tham gia của 1.100 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên Công đoàn trong cả nước.
Tham dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đoàn đại biểu quốc tế và Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn thế giới…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng Đại hội
Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam- sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, NLĐ và tổ chức Công đoàn diễn ra vào thời điểm đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ) cả nước đang ra sức hăng hái thi đua lao động sản xuất, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động không thuận lợi, đặc biệt là những ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp, kéo dài của dịch bệnh Covid-19 đối với NLĐ và các cấp Công đoàn, song với sự năng động, nhạy bén thích ứng của đội ngũ cán bộ Công đoàn, đoàn viên, NLĐ, hoạt động Công đoàn tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, nhất là trong việc thực hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ.
Các cấp Công đoàn, nhất là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ, có kiến nghị xác đáng tại Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần tăng lương tối thiểu vùng 25,34% so với đầu nhiệm kỳ.
Tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện ngày càng có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể theo hướng thực chất, tập trung vào các vấn đề tiền lương, điều kiện và thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của NLĐ. Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013-2018.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam dự phiên khai mạc
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các cấp Công đoàn đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động; phối hợp tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, ban hành 5 chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và con của NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu với tổng số tiền gần 6 nghìn tỷ đồng với 10 triệu lượt NLĐ được thụ hưởng; tham gia đề xuất, phối hợp tổ chức triển khai và giám sát thực hiện các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với NLĐ và DN.
Các chương trình, mô hình chăm lo cho đoàn viên, NLĐ mang đậm dấu ấn Công đoàn như: “Tết Sum vầy”; “Mái ấm Công đoàn”; “Phiên chợ Công nhân”... tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở. Tích cực nghiên cứu và tham gia đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nhà ở, nơi KCB, hạ tầng xã hội dành cho công nhân…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại hội nghiêm túc phân tích, kiểm điểm những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, chủ yếu là: Chất lượng hoạt động Công đoàn chưa đồng đều ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; tiếng nói của Công đoàn cơ sở một số nơi chưa đủ mạnh để đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ; tình trạng người SDLĐ vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ còn nhiều, nhất là tình trạng nợ lương, BHXH, chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật; một số vấn đề bức xúc của NLĐ về nhà ở, nơi KCB, trường học, nâng cao trình độ tay nghề chậm được giải quyết.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu khai mạc Đại hội
Từ thực tế trên, Đại hội xác định mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2023-2028 là: Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới toàn thể cán bộ, đảng viên, CNVC và NLĐ cả nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. “Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh. Vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiệm kỳ 2018-2023 vừa qua, hoạt động của tổ chức Công đoàn và đoàn viên, NLĐ diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn. Những năm đầu của nhiệm kỳ, các cấp Công đoàn đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Công đoàn có nhiều thuận lợi. Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang xảy ra ở nhiều nơi, sự suy giảm kinh tế thương mại và lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, NLĐ và hoạt động của Công đoàn.
Vào cuối nhiệm kỳ, tình trạng thiếu việc làm của NLĐ diễn ra trên diện rộng, số NLĐ phải rời các DN về quê hoặc chuyển sang khu vực phi chính thức tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, quyết liệt, duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho NLĐ. Đặc biệt, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TƯ về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Từ đó, tạo cơ sở chính trị vững chắc để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Các hoạt động Công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, mở rộng và đầu tư nhiều hơn cho khu vực DN ngoài nhà nước, tập trung hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi đoàn viên, NLĐ. Mô hình tổ chức bộ máy của Công đoàn ngày càng được hoàn thiện, chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn từng bước được nâng cao, trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, CNVC-NLĐ đi đầu và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh, khẳng định vai trò của Công đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm cho truyền thống vẻ vang của Công đoàn.
Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam phải trở thành nước phát triển thu nhập cao, Tổng Bí thư nêu rõ, hơn lúc nào hết, CNLĐ và tổ chức Công đoàn nước ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình để chung tay xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, toàn diện, xứng đáng là một tổ chức đại diện lớn nhất, là trung tâm tập hợp, đoàn kết CNLĐ cả nước, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng gợi mở 5 vấn đề để Công đoàn Việt Nam quan tâm. Trong đó, với vai trò đại diện của tổ chức Công đoàn thể hiện trước hết là sự tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia xây dựng các quy chế, quy định, nội quy lao động ở từng cơ quan, đơn vị, DN để chuyển tải mong muốn, nguyện vọng, phát huy cao nhất quyền làm chủ của NLĐ.
Kịp thời giám sát, kiến nghị và giải quyết những kiến nghị, bức xúc của NLĐ, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối thoại và thương lượng tập thể, mở rộng diện bao phủ Thỏa ước lao động tập thể mang lại lợi ích cho NLĐ; luôn luôn quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, y tế, đời sống, sinh hoạt, an toàn cho NLĐ. Tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN, hạn chế ngừng việc tập thể, không để các phần tử xấu lôi kéo, kích động NLĐ làm hành trái pháp luật.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước phức tạp, gặp nhiều khó khăn, đe dọa sự ổn định về việc làm và cơ hội nâng cao thu nhập của NLĐ, Tổng Bí thư đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn; tập trung, chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, NLĐ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, TNLĐ-BNN, ốm đau dài ngày…
Với quan điểm xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội… Tổng Bí thư đề nghị các Ban Đảng ở Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp theo chức năng, nhiệm vụ cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ hoạt động Công đoàn các cấp, đặc biệt là chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn, phân công những đồng chí có đủ năng lực, phẩm chất, có uy tín, có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động Công đoàn làm cán bộ chủ chốt Công đoàn các cấp.
Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công nhân, Công đoàn; chỉ đạo chính quyền và các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề đoàn viên, NLĐ quan tâm, bức xúc; tạo mọi điều kiện để Công đoàn hoạt động, nhất là hỗ trợ, chăm lo, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội cho NLĐ.
Với truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam suốt 94 năm qua, cùng những thành tựu to lớn đã đạt được và tinh thần đổi mới- dân chủ- đoàn kết, phát triển sáng tạo của Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn và tin tưởng rằng, nhiệm kỳ 2023-2028 và hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam làm sao để tổ chức Công đoàn, phong trào CNVC-NLĐ sẽ có bước phát triển mới, lập nên những thành tích to lớn và ấn tượng hơn nữa, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đối với đất nước và dân tộc là xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Thanh Hằng
- Thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
- Đánh giá kỹ tác động của chính sách giáo dục đến đời sống giáo viên
- Dự án Luật Việc làm (sửa đổi): Mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp, đảm bảo an sinh cho NLĐ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Thích ứng với già hóa dân số và Cách mạng Công nghiệp 4.0