Tháo gỡ vướng mắc trong công tác giáo dục và dạy nghề
Thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội và NSNN sáng 4/11/2024, một số ĐBQH đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp phù hợp hỗ trợ người dân và DN; tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giáo dục Đại học và dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Đẩy nhanh nguồn vốn 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia
Phân tích bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế gây ra những thách thức đối với triển vọng phát triển kinh tế- xã hội của nước ta trong năm 2025, ĐB Trần Thị Quỳnh (Nam Định) nhấn mạnh, cần những giải pháp vĩ mô rõ nét hơn trong thời gian tới. Đồng thời kiến nghị, cần tiếp tục nới lỏng có thực chất chính sách tài khóa, cần duy trì chính sách giảm thuế VAT; nghiên cứu hỗ trợ mạnh hơn cho các gia đình, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế, lạm phát tăng trong 4 năm qua nhưng mức thu nhập chịu thuế không tăng, ĐB đề nghị nghiên cứu nới mức thu nhập chịu thuế nhằm tăng thu nhập khả dụng cho người chịu thuế, góp phần cải thiện chi tiêu. Tiếp tục tháo gỡ nút thắt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng, kinh tế-xã hội của nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn để tổ chức thực hiện. Cụ thể, việc giải ngân vốn đầu tư công có tích cực hơn nhưng chưa đạt kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung trên cả nước trong 9 tháng đầu năm là 47,29%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực DN vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm, có 163.800 DN rút lui khỏi thị trường; tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số DN tham gia thị trường cao nhất kể từ năm 2019 đến nay… Từ những vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Thi đề nghị, Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân, từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời, hỗ trợ DN phát triển.
Bên cạnh giải ngân vốn đầu tư công, theo ĐB Nguyễn Văn Thi, tiến độ giải ngân các nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn rất chậm, nhất là nguồn vốn sự nghiệp, trung bình chỉ đạt từ 8-15%. Vướng mắc lớn nhất là giải ngân vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm. Đây là các nội dung liên quan trực tiếp đến chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân. Thêm vào đó, 9 tháng đầu năm, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc là vùng có nhiều xã miền núi ĐBKK và cũng là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, hạ tầng bị tàn phá, sản xuất bị thiệt hại. “Nếu không có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì rất khó đạt được các mục tiêu mà Quốc hội giao về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”- ĐB Thi nói.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)
Cũng liên quan đến hậu quả bão lũ, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, đã hơn một tháng kể từ khi bão Yagi đi qua với sức tàn phá nặng nề, bão đã để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc. Với sự quyết liệt lo cho dân của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng những nghĩa cử cao đẹp, chứa chan tình đồng chí, đồng bào đã làm vơi đi nhiều nỗi đau, mất mát sau bão. Để tiếp tục chuẩn bị tốt hơn nữa trong phòng tránh, ứng phó thiên tai, ĐB Nguyễn Thị Thủy đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, nhất là các địa phương miền núi. Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con, để tấm lòng của Đảng, Nhà nước sớm đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão lũ.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề
Ghi nhận các chuyển biến tích cực lao động thời gian qua, ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) nhận thấy, chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, chưa có số liệu lao động đi xuất khẩu lao động năm 2024. Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đồng thời, tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao. Công tác định hướng nghề nghiệp phân luồng học sinh theo quyết định Thủ tướng Chính phủ chưa đạt mục tiêu đề ra.
ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc)
Do đó, ĐB Mạnh đề nghị, cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường để giải quyết việc làm cho lao động. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu việc làm của DN; chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích DN tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của DN. Tăng cường hỗ trợ tín dụng cho thanh niên khởi nghiệp để tạo thêm việc làm, hoàn thiện việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho thanh niên để tìm và tự tạo việc làm… Bên cạnh đó, Chính phủ tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện Quyết định số 522 và có giải pháp phân luồng triệt để 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi đào tạo nghề.
ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương)
Cũng quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu rõ, việc đặt hàng đào tạo hiện chưa thu hút được doanh nghiệp khi còn có những rào cản về chi phí, trang thiết bị giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong quản lý, phát triển chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thiếu đội ngũ giáo viên đạt chuẩn phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo, quy mô đào tạo, chưa bảo đảm tương xứng với tiềm năng và yêu cầu về nhân lực có kỹ năng nghề. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở đô thị lớn không đủ diện tích để giảng dạy, thực hành. Do vậy, Chính phủ nghiên cứu để có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động cũng như đặc thù kinh tế- xã hội của từng địa phương, từng bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn lao động, góp phần bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo.
V.Thu
- Thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt ĐBQH là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
- Đánh giá kỹ tác động của chính sách giáo dục đến đời sống giáo viên
- Dự án Luật Việc làm (sửa đổi): Mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp, đảm bảo an sinh cho NLĐ
- Sửa đổi Luật Việc làm: Thích ứng với già hóa dân số và Cách mạng Công nghiệp 4.0