Thêm giải pháp hỗ trợ bệnh nhân mắc Covid-19 bị suy hô hấp
GS.TS. Nguyễn Gia Bình- Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam đánh giá: Trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, số lượng bệnh nhân suy hô hấp mức độ vừa chiếm tỷ lệ khá cao. Máy oxy dòng cao do Việt Nam sản xuất với kỹ thuật đơn giản, dễ sử dụng, giá thành hợp lý có thể hỗ trợ công tác điều trị với nhiều bệnh nhân Covid-19.
Máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) được nghiên cứu sản xuất từ nhu cầu cao trong điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế và sự quan tâm tăng cường các trang thiết bị y tế từ các Bộ ngành, Chính phủ. Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60l/phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37 oC với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi để giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tập hợp các chuyên gia khoa học công nghệ và đội ngũ chuyên gia từ VMED Group phối hợp tiến hành nghiên cứu sản xuất máy oxy dòng cao ký hiệu BKVM-HF1.
Máy oxy dòng cao BKVM-HF1 được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm của VMED Group
Theo GS.TS. Nguyễn Gia Bình- Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, việc chủ động sản xuất được máy oxy dòng cao là một bước tiến cần làm. Bởi trong dịch Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân suy hô hấp mức độ vừa khá cao. Việc tạo ra một thiết bị ứng dụng công nghệ oxy dòng cao với kỹ thuật đơn giản, rất dễ sử dụng, giá thành hợp lý thì có thể ứng dụng được với rất nhiều bệnh nhận. Đặc biệt, trong dịch bệnh, đều phải huy động hết lực lượng cán bộ y tế, chỉ chuyên khoa không thì không đủ, nên với máy thao tác đơn giản lại sử dụng hiệu quả là vô cùng hữu ích.
Sau khi nhận được thông tin về máy oxy dòng cao, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu oxy không khí di động và đặc biệt là thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2.
Đánh giá về máy oxy dòng cao, PGS-TS. Nguyễn Văn Chi- Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9 cho hay: “Trong dịch Covid-19, HFNC (oxy lưu lượng cao) đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân nặng, giúp bệnh nhân đảm bảo hô hấp trong quá trình bệnh tiến triển. Rất nhiều bệnh nhân nhờ sự trợ giúp của phương tiện thở không xâm nhập này đã tránh được can thiệp xâm nhập như đặt nội khí quản. Qua thực tế, tôi nhận thấy phương tiện này đã giúp giảm đáng kể số lượng bệnh nhân phải đặt nội khí quản, từ đó giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng”.
Vào giai đoạn 1 của dự án, 30 máy BKVM-HF1 đầu tiên đã được Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất, trị giá 1,5 tỉ đồng. Vào giai đoạn 2 của dự án, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group sẽ xây dựng phương án triển khai sản xuất với số lượng lớn và đồng bộ với các hệ thống khác trong bệnh viện để nâng cao hiệu quả cứu chữa bệnh nhân.
Vận hành máy oxy dòng cao luôn cần nguồn cấp khí và oxy y tế. Vì thế, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu PGS. Vũ Đình Tiến chế tạo hệ thống khí y tế theo TCVN 8022-1:2009 có thể dùng cho 10 máy oxy dòng cao cùng lúc. Nhóm đã chế tạo thành công máy oxy y tế lưu lượng 60l/phút có độ tinh khiết đến 93% oxy có thể phục vụ linh hoạt cho tuyến y tế cơ sở.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19, trong ngày 3/7, Việt Nam đã ghi nhận thêm 922 ca mắc mới. Trong số này có 8 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 914 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (714), Bình Dương (38), Phú Yên (37), Đồng Nai (32), Quảng Ngãi (16), Nghệ An (14), Đồng Tháp (12), Tiền Giang (12), Hưng Yên (10), Bình Định (5), Lâm Đồng (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Bạc Liêu (3), Vĩnh Long (3), Bắc Ninh (2), Long An (2), Trà Vinh (2), Khánh Hoà (1), Bình Phước (1), An Giang (1), Đắk Lắk (1). Cùng ngày cũng có thêm 248 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng số ca điều trị khỏi lên 7.643 ca. Số ca tử vong là 84 ca.
Quang Hùng