BHXH Việt Nam và OECD thúc đẩy hợp tác cải cách an sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững

Thứ Tư, 16 /07/2025 00:05

Chiều 15/7, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) do ông Jan Rielander- Trưởng ban Chiến lược Phát triển bền vững và khả năng chống chịu làm Trưởng đoàn.

Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa BHXH Việt Nam và OECD, hướng tới mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy cải cách chính sách an sinh xã hội và tăng cường khả năng thích ứng với các thách thức phát triển bền vững.

Xây dựng chính sách hưu trí bền vững và toàn diện

Bày tỏ sự hân hạnh được đón tiếp Đoàn công tác của OECD, Phó Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, hiện OECD và Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, thể hiện qua nhiều kết quả quan trọng như: Các báo cáo tư vấn chính sách của OECD cho Việt Nam, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực trong nhiều lĩnh vực và việc hoàn thành xây dựng Chương trình hành động triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Việt Nam - OECD giai đoạn 2022-2026.

Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Giám đốc Đào Việt Ánh bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, OECD sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong công tác tư vấn chính sách, đặc biệt là các nội dung liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa trên khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số. Đồng thời, kỳ vọng OECD sẽ phối hợp tư vấn về các vấn đề toàn cầu mới như thuế tối thiểu toàn cầu, giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường…; hỗ trợ kết nối và tìm kiếm nguồn lực để triển khai hiệu quả các dự án hợp tác giữa hai bên.

Trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu từ phía BHXH Việt Nam, ông Jan Rielander cho biết, OECD được thành lập từ năm 1961, với mục tiêu thúc đẩy sự thịnh vượng, công bằng và mở rộng cơ hội phát triển cho tất cả các quốc gia. Hiện nay, OECD có 38 quốc gia thành viên trải rộng trên toàn cầu, từ Bắc và Nam Mỹ đến Châu Âu và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó phần lớn là các nước phát triển.

Thời điểm này, OECD đang triển khai Đánh giá đa chiều về quốc gia (MDCR) tại Việt Nam, đây là một tiến trình đã được khởi động từ năm 2020 và hiện đang tiếp tục được thực hiện, nhằm đóng góp vào việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Jan Rielander, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn về già hóa dân số và biến động nhân khẩu học, vì vậy chính sách hưu trí và an sinh xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng. Chính sách này vừa bảo đảm an sinh cho người cao tuổi, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc hướng tới một nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững và toàn diện.

Ông Jan Rielander bày tỏ kỳ vọng, thông qua buổi làm việc lần này, Đoàn công tác OECD sẽ có cơ hội lắng nghe và tìm hiểu sâu hơn về những cải cách nổi bật cũng như các bước phát triển chính sách trong lĩnh vực BHXH mà Việt Nam đã triển khai thời gian qua. Đặc biệt, đại diện OECD cũng bày tỏ sự quan tâm đến định hướng xây dựng chế độ hưu trí không dựa trên đóng góp (non-contributory pension).

Bên cạnh đó, Đoàn công tác đề nghị phía BHXH Việt Nam chia sẻ thêm về các định hướng và ưu tiên chiến lược trong thời gian tới đối với lĩnh vực BHXH, trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh, mô hình tăng trưởng kinh tế đang chuyển dịch, cùng với yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và toàn diện.

Mở rộng diện bao phủ, đảm bảo cân đối và thích ứng dài hạn

Hồi đáp lại ý kiến của phía OECD, Phó Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, 5 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chính sách BHXH, BHYT của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, BHXH Việt Nam là cơ quan duy nhất thực hiện tất cả các chế độ liên quan đến BHXH, BHYT.

Ông Jan Rielander trân trọng tinh thần hợp tác, cởi mở và thẳng thắn của BHXH Việt Nam

Theo Phó Giám đốc Đào Việt Ánh, hiện nay, BHXH Việt Nam đang tập trung triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH. Trong đó, đặt ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với nhiều nội dung quan trọng đã được thể chế hóa trong Luật BHXH sửa đổi năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Một trong những điểm cải cách lớn là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình: Nam từ 60 lên 62 tuổi, nữ từ 55 lên 60 tuổi, mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ, được quy định cụ thể tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, diện bao phủ BHXH tiếp tục được mở rộng, đặc biệt hướng tới các nhóm đối tượng chưa thuộc diện tham gia như hộ kinh doanh cá thể, người làm việc tự do, người tự khởi nghiệp...

Một điểm mới đáng chú ý là thời gian đóng BHXH tối thiểu để đủ điều kiện hưởng lương hưu đã được điều chỉnh giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động tích lũy quyền lợi hưu trí. Đối với BHXH tự nguyện, chính sách cũng được cải tiến theo hướng linh hoạt và hấp dẫn hơn, như bổ sung chế độ thai sản bên cạnh các chế độ hiện hành, đồng thời nghiên cứu xây dựng các gói tham gia phù hợp với thu nhập và khả năng của từng nhóm đối tượng.

Đặc biệt, mức hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng được nâng lên đáng kể, từ mức 10-30% trước đây lên 20-50% tùy theo nhóm đối tượng, nhằm thúc đẩy mục tiêu mở rộng độ bao phủ và tiến tới thực hiện BHXH toàn dân.

Trước câu hỏi từ Đoàn công tác OECD về việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu có đủ để bảo đảm tính bền vững tài chính dài hạn của hệ thống BHXH Việt Nam hay không, Phó Giám đốc Đào Việt Ánh cho rằng, đây là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều yếu tố chiến lược và cấu trúc của nền kinh tế, từ xu hướng nhân khẩu học, phát triển thị trường lao động đến hệ thống an sinh xã hội.

“Quỹ BHXH được vận hành dựa trên 3 nguyên tắc cốt lõi: Đóng - hưởng, an toàn quỹ và phát triển bền vững. Để bảo đảm các nguyên tắc này, việc cân đối quỹ phải dựa vào ít nhất 4 yếu tố: Quy mô và mức đóng của người tham gia, mức hưởng các chế độ, hiệu quả đầu tư quỹ và công tác dự báo, phân tích để điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn”- Phó Giám đốc Đào Việt Ánh chia sẻ.

Về đầu tư quỹ, hiện hơn 80% tổng số tiền đầu tư của quỹ BHXH được thực hiện thông qua trái phiếu Chính phủ, nhằm bảo đảm tính an toàn. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cũng đang tăng cường hiệu quả đầu tư thông qua đa dạng hóa danh mục.

Đối với vấn đề trợ cấp xã hội không dựa trên đóng góp (non-contributory), Phó Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, đây là một tầng trong hệ thống an sinh xã hội 3 tầng mà Việt Nam đang hướng tới, bao gồm: BHXH bắt buộc, BHXH bổ sung và chính sách trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ, hiện nay Nhà nước đã hạ độ tuổi được nhận trợ cấp tuổi già không phụ thuộc vào thu nhập từ 80 xuống còn 75 tuổi. Tuy nhiên, nguồn kinh phí chi trả đến từ Ngân sách Nhà nước.

Hướng tới hệ thống an sinh đồng bộ, toàn diện và bền vững

Trân trọng cảm ơn những thông tin được phía BHXH Việt Nam chia sẻ, ông Jan Rielander hoan nghênh tinh thần hợp tác, cởi mở và thẳng thắn của BHXH Việt Nam trong suốt buổi làm việc. Theo ông Jan Rielander, các nội dung trao đổi đã giúp Đoàn công tác OECD hiểu rõ hơn về bối cảnh, mục tiêu và những thách thức mà hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam đang đối mặt. Đây cũng là cơ sở quan trọng để OECD tiếp tục nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trong thời gian tới.

Hai bên chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong cải cách hệ thống an sinh xã hội

Ông Jan Rielander cũng khẳng định, cải cách BHXH là một trong những trụ cột then chốt để bảo đảm phát triển bền vững và công bằng xã hội, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với quá trình già hóa dân số nhanh và yêu cầu mở rộng bao phủ an sinh toàn dân. Từ góc độ kinh nghiệm quốc tế, ông Jan Rielander đề xuất một số định hướng có thể hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn tới.

Trước hết, cần tăng cường liên thông, tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan để nhận diện chính xác đối tượng và xây dựng cơ chế hỗ trợ hiệu quả. Tiếp đó, chính sách cần được thiết kế theo hướng phân tầng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm lao động, đặc biệt là khu vực phi chính thức.

Đồng thời, việc điều chỉnh gói lợi ích BHXH cần sát với khả năng đóng góp và nhu cầu thực tế để tăng tính hấp dẫn, công bằng và bền vững. Cuối cùng, ông Jan Rielander nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao trải nghiệm người dùng nhằm thúc đẩy sự tham gia tự nguyện vào hệ thống an sinh xã hội.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh gửi lời cảm ơn tới Đoàn công tác OECD đã dành thời gian trao đổi, chia sẻ và đóng góp nhiều ý kiến quý báu đối với quá trình cải cách chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, cải cách BHXH là một lĩnh vực khó, phức tạp, liên quan chặt chẽ tới nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, đòi hỏi cách tiếp cận tổng thể và dài hạn.

Trong quá trình đó, BHXH Việt Nam luôn coi trọng việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ những tổ chức có chuyên môn sâu như OECD, nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách theo hướng linh hoạt, bền vững, bao trùm và phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn duy trì hợp tác chặt chẽ với OECD trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, hướng tới mục tiêu an sinh xã hội toàn dân”, Phó Giám đốc Đào Việt Ánh bày tỏ.

Thanh Hằng