Thường xuyên tổ chức sinh hoạt khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng KCB BHYT
Đó là khẳng định của Ban Giám đốc BV Lê Văn Việt (TP.HCM), với nhịp sinh hoạt khoa học kỹ thuật vào mỗi tuần, từng khoa lần lượt chủ trì nội dung chuyên môn.
Mới đây nhất là buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật với chủ đề Thai ngoài tử cung: Chẩn đoán- Thái độ điều trị do khoa Phụ sản chủ trì. Tại buổi sinh hoạt, các chuyên gia đã trình bày và phân tích một số ca lâm sàng điển hình về thai ngoài tử cung, một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của thai phụ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các bác sĩ đã chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp chẩn đoán, điều trị hiệu quả, cũng như những tiến bộ mới nhất.
BS.Lê Đăng Đại- Phó Trưởng khoa Phụ sản đang chia sẻ chuyên môn tại buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật
Theo BS.Lê Đăng Đại- Phó khoa Phụ sản, các yếu tố nguy cơ thai ngoài tử cung (TNTC) bao gồm: Tiền căn TNTC, tiền căn phẫu thuật trên vòi trứng trước đó, viêm nhiễm vùng chậu, hút thuốc, tuổi trên 35, lạc nội mạc tử cung, hỗ trợ sinh sản (IVF, IUI, clomiphene...). Hiện có nhiều phương pháp chẩn đoán phổ biến TNTC như khám lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm, nội soi ổ bụng… Những phương pháp này giúp bác sĩ chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm cho người mẹ.
"Về điều trị TNTC, phương pháp điển hình nhất là điều trị nội khoa bằng cách sử dụng chất đối kháng folate, ức chế sự phân chia tế bào. Ngoài ra còn có điều trị ngoại khoa, bảo tồn mở ống dẫn trứng lấy thai, cắt ống dẫn trứng… TNTC là một tình trạng sản khoa rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của thai phụ. Do đó, chị em phụ nữ phải hết sức phòng tránh”- BS.Đại nói.
Để phòng, tránh mang thai ngoài tử cung, chị em phụ nữ cân nhắc áp dụng những biện pháp như: Quan hệ tình dục an toàn, không hút thuốc lá, không lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp... Đặc biệt, chị em cần khám phụ khoa định kỳ, tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xuyên. Việc phát hiện và xử lý sớm các vấn đề bất thường hoặc các bệnh lý phụ khoa sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Mang thai ngoài tử cung là điều mà không ai mong muốn xảy ra. Vì vậy, nếu không may gặp phải trường hợp này, bệnh nhân nên tuân thủ lời khuyên từ bác sĩ, tập trung chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ để cơ thể sớm hồi phục và chuẩn bị tốt hơn cho việc mang thai lần tiếp theo.
Buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật với chủ đề Thai ngoài tử cung: Chẩn đoán- Thái độ điều trị khép lại sau vòng thảo luận sôi nổi của những người tham gia. “Tại BV Lê Văn Việt, trung bình mỗi tháng có ít nhất 4 buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật. Các chủ đề lần lượt do các khoa đưa ra. Đây là nỗ lực của BV nhằm nâng cao hơn nữa tay nghề, chuyên môn, kinh nghiệm của đội ngũ thầy thuốc và NVYT, để nâng cao chất lượng KCB BHYT...”- BS.CK2.Nguyễn Khoa Lý, Giám đốc BV Lê Văn Việt chia sẻ.
Được biết, 2 buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật gần đây do khoa Nội Tổng hợp (Hệ gen trong quản lý bệnh nhân đái tháo đường) và khoa Khám bệnh (Dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường) chủ trì, thực hiện. Ngoài ra, trong 2 năm 2023 và 2024, BV Lê Văn Việt phối hợp thành công với các BV chuyên sâu, tuyến cuối ở TP.HCM để chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại khoa. Nhờ đó, người tham gia BHYT tại khu vực BV hiện hữu và các khu vực lân cận, có cơ hội thăm khám, điều trị tại chỗ và toàn diện. Riêng với lĩnh vực thận nhân tạo (100% bệnh nhân BHYT), hiện BV Lê Văn Việt đang tiếp nhận không ít bệnh nhân ngoài TP.HCM...
Thanh Giang