Đề phòng đột quỵ khi thức giấc

Thứ Tư, 08 /01/2025 18:06

Đột quỵ khi thức giấc là tình trạng người bệnh có những dấu hiệu của đột quỵ khi vừa thức giấc vào buổi sáng. Khi đó, thời điểm xảy ra đột quỵ không thể xác định, gây khó khăn trong chẩn đoán, điều trị. Các dấu hiệu đột quỵ khi thức giấc cũng giống như đột quỵ xảy ra lúc bệnh nhân tỉnh táo.

Ngày 8/1, BS.CKII.Diệp Trọng Khải- Trưởng Đơn vị đột quỵ BV đa khoa Xuyên Á (TP.HCM), thông tin 2 ca đột quỵ khi thức giấc mà BV đã tiếp nhận và xử trí kịp thời. Dịp này, chuyên gia cũng lên tiếng khuyến cáo tới cộng đồng một số cách đề phòng.

Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nam N.V.Đ (61 tuổi, trú huyện Củ Chi, TP.HCM) được đưa đến cấp cứu vào lúc 3 giờ sáng. 6 giờ sáng cùng ngày, BV tiếp tục nhận ca cấp cứu đột quỵ thứ hai là nữ bệnh nhân P.T.N (61 tuổi, trú huyện Củ Chi, TP.HCM).

Qua khai thác bệnh sử, ghi nhận cả 2 bệnh nhân đều hoàn toàn bình thường trước khi đi ngủ. Song khi thức giấc lúc gần sáng thì phát hiện liệt nửa người, méo miệng, nói khó... Nhờ được trang bị kiến thức đột quỵ trước đó, cả 2 bệnh nhân đều tự nhận biết ngay các dấu hiệu nên báo ngay người thân để đưa tới BV đa khoa Xuyên Á, nơi có Đơn vị đột quỵ và Can thiệp chuyên sâu để cấp cứu.

Kết quả thăm khám và cận lâm sàng (MRI não) của 2 bệnh nhân cho thấy, có sự bất tương xứng (có Mismatch) giữa xung DWI và FLAIR. Do đó, sau khi hội chẩn, 2 bệnh nhân có chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) nhằm tái thông lại mạch máu đang tắc nghẽn.

“Sau khi bơm thuốc tiêu sợi huyết, ghi nhận sức cơ của bệnh nhân Đ. và N. đã cải thiện rõ rệt. Kết quả chụp CT mạch máu được thực hiện ngay sau bơm thuốc cho thấy huyết khối đã tiêu. Song, cả hai bệnh nhân đều còn tình trạng hẹp động mạch lớn nội sọ”- BS.Khải thông tin thêm.

Sau đó, 2 bệnh nhân được đưa về Đơn vị đột quỵ để tiếp tục theo dõi và điều trị phục hồi chức năng. 48 giờ sau, sức cơ của 2 bệnh nhân đã phục hồi gần như hoàn toàn và được xuất viện sau vài ngày điều trị và dặn dò tái khám định kỳ để phòng ngừa đột quỵ tái phát.

“Từ 2 ca can thiệp nói trên, có thể nhận định, đột quỵ thức giấc vẫn có thể được điều trị thành công. Tuy nhiên, thời gian chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công ấy. Do đó, bệnh nhân phải tới được bệnh viện có Đơn vị đột quỵ sớm nhất có thể, trước 4 giờ 30 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng đột quỵ, đặc biệt với các trường hợp tắc hoặc hẹp động mạch thân nền”- BS.Khải phân tích.

Trên thực tế vẫn có không ít bệnh nhân phát hiện triệu chứng nghi ngờ đột quỵ khi thức giấc giữa đêm, song lại bỏ qua và tiếp tục ngủ. Tới sáng hôm sau mới tới BV, điều này làm chậm trễ thời gian điều trị và không thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. “Hiện tại, việc điều trị thuốc tiêu sợi huyết tại BV đa khoa Xuyên Á đã được thanh toán BHYT, giúp giảm rất nhiều gánh nặng trong việc điều trị đột quỵ của bệnh nhân có tham gia BHYT”- BS.Khải chia sẻ thêm.

Chuyên gia khuyến khích cộng đồng ráng ghi nhớ quy tắc FAST để kịp nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ: F (FACE) là khuôn mặt với dấu hiệu méo miệng, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng; A (ARM) là tay chân với dấu hiệu yếu liệt, giúp đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không, bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao; S (SPEECH) là nói chuyện với biểu hiện ngôn ngữ bất thường, đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản xem bệnh nhân có hiểu, có lặp lại được không, đồng thời nhận xét giọng nói có bị đớ không; T (TIME) là thời gian, giúp xác định thời điểm xảy ra đột quỵ, cần tận dụng "thời gian vàng" để kịp gọi cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất...

Thanh Giang