Trở lại “Vườn ươm”
Trò chuyện với một người hưởng lương hưu đã gần 20 năm. Thú vị hơn, ông là một trong những người đã đặt “viên gạch” đầu tiên và dày công vun đắp để có BHXH TP.Hà Nội như bây giờ… Ông là Chu Văn Tùy- “thủ lĩnh” đầu tiên của BHXH TP.Hà Nội.
Khi tôi liên lạc với ông theo số điện thoại nhà riêng thì ông bảo: “Hãy “kết bạn” bằng Zalo hoặc Facebook cho tiện”, khiến tôi vô cùng bất ngờ và ngưỡng mộ một “cụ hưu” tuổi 80 thời đại 4.0. Khi tìm đến, được nghe câu chuyện của ông, tôi cảm nhận rõ một niềm tin, niềm tự hào nghề nghiệp. Bao dấu ấn, kỷ niệm từ cách đây ngót 30 năm như ùa về…
Từ mô hình BHXH cho lao động ngoài quốc doanh…
Năm 1990, theo ý kiến của Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười, đất nước đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, không phải chỉ NLĐ khu vực quốc doanh mới có BHXH mà lao động khu vực DN NQD cũng cần được hưởng quyền lợi cơ bản này. Để tìm ra một mô hình tổ chức, một cơ chế chính sách về BHXH phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần ấy, Chủ tịch HĐBT đã chỉ đạo phải tổ chức thí điểm BHXH NQD, lấy gạo làm chuẩn. Khi đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Trần Đình Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Tư đã thống nhất xây dựng dự thảo Điều lệ BHXH đối với lao động NQD và làm thí điểm tại 5 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Thái Bình, Hải Phòng và Hoàng Liên Sơn (sau đó tỉnh Hoàng Liên Sơn dừng thí điểm do chia tách địa giới).
PV Báo BHXH trò chuyện cùng ông Chu Văn Tùy
Tại Hà Nội, ngày 9/1/1990, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 79/QĐ-UB thành lập “Công ty BHXH đối với lao động NQD Hà Nội” và giao ông Chu Văn Tùy làm Giám đốc. Nhiều anh em đồng nghiệp e ngại: “Sao ông Tùy đang làm cho Nhà nước (lúc đó ông Tùy là Chánh Văn phòng Ban Kinh tế 2 của TP.Hà Nội kiêm Trưởng phòng Nhân công, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) lại sang làm cho một công ty?...”. Nhưng như một duyên định, ông bắt tay vào làm một cách đầy say mê và trách nhiệm dù phải mày mò tìm hiểu, rồi còn phải vận động, thuyết phục anh em, bạn bè cũng như NLĐ và chủ DN ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ.
“Tôi mạnh dạn làm để thử sức và tin sẽ thành công. Lúc đó chủ yếu anh em, bạn bè tin tưởng mà gửi con em vào làm việc thôi, chứ cũng e ngại vì tổ chức này quá mới mẻ, sự nghiệp chưa biết sẽ đến đâu?”- ông Tùy cười nhớ lại. Cùng lúc đó, Công ty BHXH đối với lao động NQD Hà Nội cũng bắt tay nghiên cứu Đề tài khoa học “Đổi mới chính sách, chế độ BHXH trong tình hình mới” với sự cộng tác, giúp đỡ của nhiều nhà khoa học và giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân.
Cuối năm 1991, tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hằng lúc đó là Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì cuộc họp với 4 địa phương để đánh giá kết quả thí điểm thực hiện BHXH đối với lao động NQD. Kết quả thí điểm tại Hà Nội được hội nghị đánh giá là một thành công lớn, có ý nghĩa như tiền đề cho sự đổi mới BHXH phù hợp với tình hình mới. Vì vậy, ngay tháng 6/1992, với sự tham mưu của Công ty BHXH đối với lao động NQD Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có công văn báo cáo Bộ LĐ-TB&XH và UBND TP.Hà Nội. Đến ngày 31/10/1992, Thành ủy Hà Nội quyết định thành lập BHXH TP.Hà Nội, trên cơ sở Công ty BHXH đối với lao động NQD và tiếp nhận thêm phần sự nghiệp BHXH từ ngành LĐ-TB&XH chuyển sang.
“Vạn sự khởi đầu nan”- khởi nghiệp của BHXH TP.Hà Nội phải nói là đầy gian khó và thiếu thốn. Từ ngày 1/1/1993, rời trụ sở 22 Lý Thái Tổ, BHXH Hà Nội chuyển sang làm việc tại 72 Triệu Việt Vương. Sau 2 tháng gấp rút chuẩn bị, BHXH Hà Nội mới tạm đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị, đảm bảo cho gần 30 cán bộ làm việc, thực hiện nhiệm vụ chi lương hưu, phụ cấp và đóng BHYT cho các đối tượng trên; đồng thời giải quyết chế độ hưu trí, thu BHXH NQD và các DN liên doanh với nước ngoài. Ngay từ tháng 1/1993, BHXH Hà Nội đã lo đủ nguồn tiền mặt chi trả kịp thời, an toàn lương hưu và trợ cấp BHXH cho toàn bộ đối tượng thụ hưởng BHXH.
… đến cuốn sổ “góp BHXH”
Sau khi xác lập được mô hình tổ chức, BHXH Hà Nội bắt tay tìm phương thức quản lý, theo đó đã thiết kế cuốn sổ BHXH để cấp cho NLĐ. Trong quá trình nghiên cứu, BHXH Hà Nội tập trung phân tích quan hệ nghiệp vụ, xây dựng quy trình quản lý đóng BHXH và những thay đổi có liên quan. Kết quả, đã đưa ra được một hệ thống biểu mẫu, mẫu sổ theo dõi, ghi nhận quá trình đóng BHXH của chủ SDLĐ và NLĐ.
Nói rồi, ông Tùy đưa cho tôi xem cuốn “Sổ góp BHXH” bìa màu đỏ, gồm 24 trang ruột, có kích thước 13x9cm (ra đời trước năm 1993 và sau đổi thành Thẻ BHXH gồm 4 trang, kích thước 15x10,5cm với các thông tin cá nhân và tiêu chí ghi nhận quá trình đóng-hưởng BHXH). “Ngày ấy, lao động NQD đóng BHXH theo gạo; còn lao động trong các DN liên doanh với nước ngoài đóng theo tiền (bao gồm cả tiền Việt Nam và USD). Vì vậy mới có chuyện, sau này khi thống nhất vào hệ thống BHXH Việt Nam, BHXH Hà Nội bàn giao cả tiền USD. Ngay năm 1993, Hà Nội đã cấp gần 1 vạn cuốn sổ BHXH cho lao động trong các DN liên doanh với nước ngoài…”- ông Tùy nhớ lại.
Theo ông Tùy, không phải đến giờ mà ngay từ những năm tháng đó, BHXH Hà Nội đã mạnh dạn ứng dụng CNTT vào công tác quản lý để phục vụ số lượng người đóng- hưởng BHXH. BHXH Hà Nội cũng được UBND Thành phố giao nghiên cứu đề tài khoa học “Ứng dụng máy vi tính vào quản lý hoạt động nghiệp vụ BHXH” nên 6 tháng cuối năm 1993 đã chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng theo danh sách in ra từ máy vi tính đảm bảo nhanh chóng, chính xác so với việc làm thủ công trước đây…
Với những thành tích trên, BHXH Hà Nội vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đề tài nghiên cứu đổi mới BHXH giai đoạn 1990-1995 được UBND Thành phố tặng Giải thưởng Thăng Long và cá nhân ông Chu Văn Tùy được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 16/2/1995, Chính phủ ban hành Nghị định 19/CP về việc thành lập BHXH Việt Nam. Với những kinh nghiệm trong suốt 5 năm thí điểm, BHXH Hà Nội được chuyển giao về BHXH Việt Nam quản lý thống nhất, nhằm đảm bảo tính ổn định, liên tục trong hoạt động thu-chi. Ngày 15/6/1995, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ký Quyết định 15/QĐ-BHXH thành lập BHXH TP.Hà Nội trên cơ sở BHXH TP.Hà Nội cũ, tiếp nhận thêm phần sự nghiệp BHXH từ LĐLĐ và nhiệm vụ thu BHXH từ ngành Tài chính và Thuế chuyển sang.
Lúc chia tay, vị “thủ lĩnh” đầu tiên của BHXH Hà Nội tâm đắc bảo “Để làm BHXH thành công thì phải luôn bám sát và vận dụng tốt nguyên tắc có đóng- có hưởng; mức hưởng phụ thuộc vào mức đóng và thời gian đóng…”.
Thảo Linh
- Công bố kết quả Cuộc thi sáng tác ca khúc về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp
- Sóc Trăng: Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp”
- Tây Ninh: Tổ chức Cuộc thi ảnh “NLĐ với chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” trên Facebook
- BHXH tỉnh Vĩnh Long nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
- Phòng Thanh tra-Kiểm tra (BHXH tỉnh Long An): Xứng danh người “gác cửa”