Vận hành theo mô hình tổ chức mới đảm bảo thông suốt công tác khám chữa bệnh BHYT
Theo ghi nhận của Phóng viên Tạp chí Kinh tế- Tài chính, sau nửa tháng bộ máy chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động, công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) luôn được vận hành thông suốt, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Quỹ BHYT cũng luôn đáp ứng kinh phí cho cơ sở khám chữa bệnh BHYT hoạt động.
Quyền lợi người bệnh được đảm bảo
Có mặt tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, phường Bình Trưng, TP. Hồ Chí Minh từ rất sớm, chị Nguyễn Thị Đông, xã Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết, đây là lần đầu tiên tôi đi khám bệnh tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Chị Đông chia sẻ, trước khi đi cũng lo lắng, vì tỉnh nào cũng mới sáp nhập nên không biết có thay đổi gì không, thêm nữa chính sách khám chữa bệnh BHYT mới cũng vừa có hiệu lực, liệu mình có cập nhật kịp.
Tuy nhiên nghe nói Bệnh viện Lê Văn Thịnh là cơ sở KCB rất có uy tín. Thêm nữa từ xã Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai qua phường phường Bình Trưng, TP. Hồ Chí Minh cũng thuận tiện nên tôi vẫn quyết định đi.
Công tác khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh được đảm bảo thông suốt.
“Kết qủa ngoài mong đợi, tôi thậm chí còn không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, tôi đưa Căn cước công dân có gắn chíp cho nhân viên bệnh viện là được hỗ trợ làm thủ tục từ đầu đến cuối. Tuy rất nhiều bệnh nhân đến khám, nhưng thủ tục khám chữa bệnh BHYT ở đây cũng rất nhanh. Tôi hoàn tất thủ tục khám bệnh, nhận thuốc phát chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ. Quyền lợi về BHYT của tôi được giữ nguyên như khám tại xã Nhơn Trạch trước đây”- chị Đông vui mừng cho biết.
Bác sĩ Trần Văn Khanh- Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, kể từ sau ngày 1/7/2025, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện đã tăng hơn (từ 3- 5%). Theo bác sĩ Khanh, một mặt từ 1/7, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng: Tỉ lệ chi trả khi khám đúng tuyến tăng từ 90% lên 92%, trẻ em dưới 18 tuổi bị tật khúc xạ đã được BHYT chi trả điều trị, thay vì chỉ dưới 6 tuổi như trước đây.
Bên cạnh đó, chính sách BHYT đã được thông tuyến toàn quốc ở tuyến huyện, cho phép bệnh nhân từ các tỉnh, thành khác đến khám tại bệnh viện vẫn được hưởng quyền lợi như đúng tuyến. Không chỉ người dân TP. Hồ Chí Minh mà người dân ở các khu vực lân cận cũng có thể dễ dàng đến KCB, nhất là khi chi phí điều trị ngày càng được BHYT hỗ trợ nhiều hơn.
Theo bác sĩ Khanh, chính những thay đổi này giúp người dân yên tâm đi khám, điều trị sớm, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh chỉ là một trong số rất nhiều bệnh viện được chúng tôi ghi nhận, cho thấy đang vận hành công tác khám chữa bệnh BHYT khá thông suốt, sau nửa tháng bộ máy chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc sáp nhập đơn vị hành chính không ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người dân.
Các bệnh viện quận, huyện có thể đổi tên để phù hợp hơn và hoạt động bình thường, vẫn tiếp tục tiếp nhận, điều trị và thanh toán BHYT như hiện nay.
Người có thẻ BHYT đăng ký tại tuyến quận, huyện vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định. Người dân không cần đổi thẻ BHYT, không cần lo lắng về việc chuyển tuyến hay mất quyền lợi.
Bác Nguyễn Văn An ngụ tại phường Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang chờ khám tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi mua thẻ BHYT có nơi đăng kí khám chữa bệnh ban đầu là một phòng khám tư nhân trên địa bàn phường Biên Hòa. Nếu như trước bệnh u ác tụy của tôi muốn chuyển lên Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh để chữa trị, phải đến phòng khám đăng ký ban đầu để khám, xin giấy chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Tiếp đó xin giấy chuyển tuyến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai lên Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh. Quy trình khá dài, tốn nhiều thời gian, công sức và cả chi phí đăng ký khám bệnh. Tuy nhiên theo quy định mới của Luật BHYT sửa đổi, tôi không cần phải vất vả đi xin giấy chuyển tuyến nữa”.
Theo lãnh đạo ngành Y tế Đồng Nai, việc miễn giấy chuyển tuyến đối với 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được quy định trong Luật BHYT sửa đổi không chỉ giúp bệnh nhân được tiếp cận điều trị nhanh chóng mà còn loại bỏ những thủ tục rườm rà, giảm thiểu thời gian và chi phí điều trị cho người bệnh.
Quy định có ý nghĩa rất lớn đối với những người bệnh cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn hoặc cư trú ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, đối với những bệnh cần có giấy chuyển tuyến 1 năm/lần, Bộ Y tế cũng đã ban hành danh mục gồm 141 bệnh, tăng 79 bệnh so với danh mục trước đó.
Đặc biệt, trước đây giấy chuyển tuyến của các bệnh có giá trị trong năm dương lịch. Nhưng nay đã được thay đổi thành có giá trị trong vòng 1 năm kể từ ngày ký. Quy định này có lợi cho người bệnh, giảm phiền hà và hạn chế tình trạng người bệnh ồ ạt đi xin giấy chuyển tuyến vào những ngày đầu năm.
Đáp ứng kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho cơ sở y tế
BHXH Việt Nam đã có những bước chuẩn bị rất chu đáo, bằng chứng là Công văn số 1334/BHXH-CSYT gửi BHXH các địa phương về việc đảm bảo công tác khám chữa bệnh được thực hiện liên tục và thông suốt trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Theo đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các khu vực tập trung triển khai nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các khu vực: Chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tại địa phương, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người bệnh BHYT;
Thông báo để các cơ sở khám chữa bệnh phối hợp tiếp tục sử dụng thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia để khám chữa bệnh theo chế độ BHYT khi chưa điều chỉnh thông tin địa chỉ và nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên thẻ BHYT- đối với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT sắp xếp, tổ chức lại tại đơn vị hành chính các cấp;
Khẩn trương phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT chốt số liệu, tổ chức giám định và thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT quý II/2025 và thực hiện tạm ứng chi phí khám chữa bệnh BHYT quý III/2025 theo quy định;
Phân công cán bộ, viên chức Phòng Chế độ BHYT phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh BHYT thuộc diện sắp xếp để kịp thời giải quyết đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh được thuận lợi nhất; Tập trung thực hiện các chỉ đạo trên và báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc về BHXH Việt Nam để được xem xét, hướng dẫn giải quyết.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị Sở Y tế bảo đảm các điều kiện pháp lý thuộc thẩm quyền để cơ quan BHXH phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh được tổ chức lại (giải thể, sáp nhập, thành lập mới) kịp thời ký hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo hợp đồng khám chữa bệnh BHYT được thực hiện liên tục, đầy đủ.
Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh được tổ chức lại thành Trạm Y tế xã mới đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, giao BHXH cấp huyện trực tiếp ký hợp đồng, đảm bảo tính liên tục, kế thừa các điều, khoản của hợp đồng đã ký với cơ sở khám chữa bệnh quản lý Trạm Y tế xã.
Công văn số 1334/BHXH-CSYT cho thấy BHXH Việt Nam đã có những bước chuẩn bị quan trọng nhằm đảm bảo công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT được thường xuyên, liên tục, không có gián đoạn trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền các cấp tại các địa phương, vì quyền lợi tham gia của người có thẻ BHYT.
Với sự chuẩn bị đồng bộ từ ngành BHXH và ngành Y tế này, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về quyền lợi khi đi khám chữa bệnh BHYT. Quyền lợi không thay đổi, các bệnh viện, trạm y tế vẫn hoạt động liên tục, bảo đảm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau khi các địa phương sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Lê Văn
- Đồng hành cùng chính quyền địa phương hai cấp, giữ liền mạch an sinh y tế
- Nhiều địa phương khả năng sẽ hỗ trợ tới 70% mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên
- Đổi tên gọi BHXH khu vực thành BHXH cấp tỉnh, BHXH huyện và liên huyện thành BHXH cơ sở
- Tuyên Quang: Trên 600 lượt người được tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT
- Vĩnh Long: Người dân đồng thuận nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân