Viêm não Nhật Bản- mối nguy mùa hè không thể chủ quan

Thứ Năm, 24 /07/2025 22:28

Mỗi năm vào mùa hè, các cơ sở y tế lại ghi nhận sự gia tăng các ca viêm não Nhật Bản, bệnh truyền nhiễm cấp tính gây tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương và để lại di chứng lâu dài.

Diễn tiến khó lường, nguy cơ di chứng nặng nề

Trường hợp mới đây tại Hà Nội thêm một lần nữa cảnh báo người dân về nguy cơ tiềm ẩn của căn bệnh viêm não Nhật Bản, nhất là với trẻ em và thanh thiếu niên- nhóm tuổi dễ mắc và dễ để lại hậu quả lâu dài nhất.

Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 17 tuổi, trong tình trạng mắc viêm não Nhật Bản rất nặng. Theo các bác sĩ, bệnh nhân trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, bỗng sốt cao liên tục 39-40°C, kèm đau đầu, sau đó nhanh chóng rơi vào trạng thái lơ mơ, suy giảm ý thức. Dù được chuyển qua nhiều cơ sở điều trị trong hơn một tháng, nhưng tình trạng không cải thiện, mà còn nặng dần lên, kèm theo suy hô hấp.

Chẩn đoán ban đầu nghiêng về viêm não do virus hoặc do tự miễn, nhưng chưa xác định rõ nguyên nhân. Chỉ đến khi chuyển vào Trung tâm Hồi sức tích cực, các bác sĩ mới xác định được bệnh nhân dương tính với virus viêm não Nhật Bản (JEV) qua xét nghiệm và hình ảnh tổn thương đồi thị đối xứng, một dấu hiệu đặc trưng hiếm gặp nhưng điển hình. Dù đã được hỗ trợ thở máy và điều trị tích cực, bệnh nhân hiện vẫn chưa phục hồi ý thức, không thể tự ăn uống hay vận động, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình.

Bác sĩ Hà Việt Huy (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, viêm não Nhật Bản là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm do virus tấn công trực tiếp vào mô não, khác với viêm màng não vốn chỉ ảnh hưởng đến lớp màng bao quanh não. Chính vì vậy, mức độ tổn thương cũng nặng nề hơn, dễ để lại di chứng thần kinh lâu dài. Đáng chú ý, gia đình bệnh nhân không chắc chắn liệu em đã được tiêm phòng đầy đủ hay chưa- đây là một thực trạng phổ biến khi nhiều phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến lịch tiêm vắc-xin ngừa bệnh này.

Vắc-xin là “lá chắn” hiệu quả nhất

Các chuyên gia y tế cảnh báo, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có ổ dịch tự nhiên rộng, chủ yếu lây truyền qua muỗi đốt. Muỗi bị nhiễm virus sau khi hút máu từ các loài động vật mang mầm bệnh như lợn, trâu, bò, ngựa hoặc chim hoang dã. Vì vậy, bệnh có thể xảy ra ở cả thành thị lẫn nông thôn, đặc biệt là tại các khu vực có ao tù, nước đọng, điều kiện vệ sinh kém, nơi muỗi dễ dàng sinh sôi và phát triển.

Thời điểm dễ bùng phát bệnh nhất là vào các tháng 5 đến 7 hàng năm, vào đúng giai đoạn nóng ẩm, mưa nhiều, khi muỗi và chim di cư hoạt động mạnh. Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với viêm não Nhật Bản. Phác đồ điều trị chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng, hỗ trợ hồi sức và phục hồi chức năng. Do đó, tiêm vắc-xin đúng lịch và đầy đủ liều là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu và cần được ưu tiên hàng đầu.

Theo bác sĩ Hà Việt Huy, đối với trẻ em, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc, cần được tiêm vắc-xin theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Cụ thể, mũi đầu tiên nên được tiêm khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, mũi thứ hai sau đó từ 1 đến 2 tuần, mũi thứ ba tiêm sau mũi thứ hai khoảng một năm. Sau đó, cần tiêm nhắc lại định kỳ mỗi 3 năm một lần. Không chỉ trẻ em, người lớn sống trong vùng lưu hành dịch hoặc có nguy cơ cao, cũng nên được tiêm phòng để tăng cường miễn dịch.

Bác sĩ Bạch Thị Chính- Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc tiêm chủng đầy đủ, phụ huynh cần giữ vệ sinh môi trường sống, tích cực diệt muỗi và lăng quăng, đồng thời bảo vệ trẻ khỏi muỗi đốt, nhất là trong mùa mưa ẩm kéo dài.

Thanh Hằng