Việt Nam đứng thứ 11/30 quốc gia có dịch tễ bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu
Dịch tễ bệnh lao ở Việt Nam vẫn còn rất nghiêm trọng với tỷ lệ mắc lao mới vào khoảng 176/100.000 dân. Theo Báo cáo Lao toàn cầu- Global MTB Report năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính Việt Nam có khoảng 172.000 trường hợp mắc lao mới xuất hiện hàng năm.
Lao là bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis, MTB) gây nên. Bệnh có thể gây tổn thương ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến (chiếm 80-85%). Bệnh lao lây qua đường không khí do hít phải các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi. Còn lao tiềm ẩn là tình trạng cơ thể người có đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên của vi khuẩn gây bệnh lao ở người nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng nào cho thấy bệnh lao hoạt động.
Tỷ lệ mắc lao mới ở Việt Nam vào khoảng 176/100.000 dân. WHO ước tính, Việt Nam có khoảng 172.000 trường hợp mắc lao mới xuất hiện hằng năm. Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam mới chỉ phát hiện và báo cáo khoảng trên 100.000 người bệnh lao trong số ước tính. Vẫn còn một số lượng khá lớn (trên 40%) người bệnh lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện, điều trị và việc này cản trở mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035. WHO khuyến cáo, để đạt được mục tiêu này, công tác phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng và cơ sở y tế phải là một trong những hoạt động ưu tiên hàng đầu của Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) tại Việt Nam.
Nhiều sáng kiến tiếp cận kỹ thuật mới, mang tính chiến lược trong phát hiện bệnh lao được ra đời, trong đó có các hoạt động khám sàng lọc chủ động, tích cực phát hiện sớm bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp tại cộng đồng và các cơ sở y tế áp dụng chiến lược 2X bao gồm: Sử dụng X-Quang lồng ngực và xét nghiệm sinh học phân tử MTB (Mycobacterium tuberculosis) định danh và kháng RMP Xpert / MTB (Mycobacterium tuberculosis) định danh Truenat.
Đồng thời, nghiên cứu tại Nam Phi, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… chỉ ra, tỷ lệ mắc lao cao hơn trong các nhóm nguy cơ như người tiếp xúc với người bệnh lao, người cao tuổi (trên 60 tuổi), người mắc các bệnh mạn tính (bụi phổi, đái tháo đường, hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, việc khám sàng lọc chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn kết hợp với sàng lọc phát hiện một số bệnh hô hấp trong cộng đồng, ưu tiên tập trung cho các nhóm nguy cơ cao sẽ làm tăng hiệu quả phát hiện và tối ưu hóa nguồn lực hiện có.
Kết quả triển khai hoạt động này ở một số tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Đà Nẵng, An Giang, Tây Ninh… cùng với việc phát huy tối đa vai trò hệ thống y tế địa phương, y tế cơ sở trong tuyên truyền, tổ chức, triển khai đã cho thấy kết quả tốt, hiệu quả cao, góp phần đáng kể vào công tác tăng cường phát hiện sớm người bệnh lao, lao tiềm ẩn, đưa người bệnh vào điều trị sớm, cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chủ động, tích cực phát hiện bệnh lao sớm. Vận động sự cam kết và huy động nguồn lực từ địa phương để mở rộng đối tượng được khám chủ động phát hiện sớm bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp cho người dân như mô hình ở Ninh Bình cũng góp phần tích cực cải thiện và nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
Cùng với triển khai các hoạt động phát hiện chủ động bệnh lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng, từ năm 2020 đến nay hoạt động phát hiện tích cực ca lao bằng chiến lược 2X tại các cơ sở KCB đa khoa đã được đánh giá là hoạt động có tính chi phí hiệu quả cao và cũng đã được CTCLQG hướng dẫn thực hiện tại các tỉnh/thành phố. Theo đó, tất cả các cơ sở y tế trong và ngoài hệ thống lao, các cơ sở y tế công lập và tư nhân được hướng dẫn thực hiện khám, phát hiện tích cực bệnh lao cho người đến khám chữa bệnh thông qua tăng cường sàng lọc các dấu hiệu, triệu chứng nghi lao, chỉ định X-Quang ngực cho người nguy cơ, đặc biệt trong nhóm người bệnh đái tháo đường, người bệnh có triệu chứng hô hấp đến khám ngoại trú, người bệnh mắc bệnh phổi nội trú, hoặc sử dụng phim X-Quang lồng ngực sẵn có theo chỉ định của thầy thuốc lâm sàng để xác định X-Quang bất thường nghi lao, chỉ định xét nghiệm sinh học phân tử cho bất kỳ người bệnh nào có dấu hiệu X-Quang bất thường nghi lao góp phần tăng cường phát hiện người bệnh lao và đưa người bệnh vào điều trị sớm.
Vừa qua, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn Triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 2627/QĐ-BYT). Theo đó, về tổ chức thực hiện phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn tại cơ sở y tế, khuyến cáo cần chú ý đối tượng sàng lọc là những người đã được lập danh sách mời tham gia hoạt động khám sàng lọc chủ động tại cộng đồng nhưng không tới khám hoặc người chưa được lập danh sách thuộc các nhóm: Người tiếp xúc của người bệnh lao phổi định hướng; Người có triệu chứng nghi lao; Nhóm nguy cơ cao mắc lao khác. Sau khi hoạt động khám sàng lọc chủ động tại cộng đồng kết thúc, quận/huyện và xã/phường tiếp tục mời người dân tới cơ sở y tế khám phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn.
Quy trình triển khai phát hiện lao và lao tiềm ẩn được triển khai tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã bao gồm các bước như rà soát danh sách người tiếp xúc/người nguy cơ; rà soát danh sách xác định người tiếp xúc/người nguy cơ chưa tới tham gia hoạt động khám sàng lọc chủ động tại cộng đồng; bổ sung danh sách người tiếp xúc/người nguy cơ nếu phát hiện thêm người dân thuộc các nhóm này nhưng chưa có tên trong danh sách khám sàng lọc; đối với người tiếp xúc của người bệnh lao phát hiện trước đây chưa được sàng lọc lao/ lao tiềm ẩn và chưa nằm trong danh sách chiến dịch: Đơn vị chống lao huyện thông báo cho xã để trạm y tế xã lập danh sách người tiếp xúc, chuyển gửi họ đến Đơn vị chống lao huyện; Lập kế hoạch khám; Tư vấn và chuyển gửi đối tượng sàng lọc đến cơ sở y tế để khám phát hiện lao, lao tiềm ẩn; Khám sàng lọc phát hiện lao/lao tiềm ẩn.
Tại tài liệu Hướng dẫn, Bộ Y tế cũng quy định, BV Phổi Trung ương có nhiệm vụ xây dựng và trình Bộ Y tế ban hành, cập nhật hướng dẫn triển khai phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế; hỗ trợ các tỉnh vận động UNBD và Sở Y tế các tỉnh, thành phố cam kết và phân bổ kinh phí địa phương cho hoạt động phòng, chống lao nói chung và hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế nói riêng; xây dựng các kế hoạch chiến lược, các đề xuất vận động kinh phí viện trợ cho các hoạt động phòng chống lao và hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bênh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế, cũng như vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ thực hiện các hoạt động theo quy định; hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch chiến lược phòng, chống lao theo giai đoạn và kế hoạch kinh phí hoạt động phòng, chống lao hàng năm, trong đó ưu tiên hoạt động chủ động, tích cực phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế; chỉ đạo, hướng dẫn và tập huấn hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế; tăng cường hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc chủ động tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm dịch vụ phòng, chống lao, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng với người bệnh lao; tổ chức các khóa đào tạo, đào tạo lại về chuyên môn cho cán bộ chống lao các tuyến, thường xuyên cập nhật các hướng dẫn mới nhất về phát hiện, quản lý điều trị bệnh lao, lao kháng thuốc và lao tiềm ẩn; phối hợp cùng nguồn lực địa phương để cung ứng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm và các nguồn lực y tế liên quan cần thiết cho triển khai hoạt động chủ động, tích cực phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế; theo dõi, giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo kết quả hoạt động theo yêu cầu.
Tùng Anh
- Tiếp tục thực hiện nghiêm phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi
- “Gánh nặng” mù lòa của Việt Nam
- Bé trai 5 tuổi suy tuyến thượng thận vì thuốc tăng cân thần tốc
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện
- Cần đánh giá, phân loại đúng các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm