WMO “báo động đỏ” về khí hậu toàn cầu

Thứ Tư, 20 /03/2024 11:50

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), ngày 19/3, thông báo mọi kỷ lục lớn về khí hậu toàn cầu đã bị phá vỡ vào năm 2023.

Báo cáo thường niên Tình trạng Khí hậu Toàn cầu của WMO cho thấy, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã lên tới mức cao nhất trong vòng 174 năm, cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Báo cáo cũng chỉ rõ nhiệt độ đại dương ở mức ấm nhất trong 65 năm, gây hại cho nhiều hệ sinh thái biển.

"Những gì chúng ta chứng kiến vào năm 2023, đặc biệt là sự ấm lên chưa từng thấy của đại dương, sự biến mất của các dòng sông băng và băng tan ở biển Nam Cực, là các nguyên nhân gây ra mối lo ngại đặc biệt này", Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo nói.

Biến đổi khí hậu, do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch cùng với sự xuất hiện của tình trạng khí hậu El Nino… đã khiến nhiều kỷ lục toàn cầu bị phá vỡ trong năm 2023. Các nhà khoa học cảnh báo năm 2024 có thể còn tồi tệ hơn, với hiện tượng El Nino làm tăng nhiệt độ ngay trong những tháng đầu tiên của năm.

Báo cáo mới của WMO cũng cho thấy lượng băng ở Nam Cực giảm mạnh, thấp hơn kỷ lục trước đó tới 1 triệu km2. Xu hướng này kết hợp với quá trình nóng lên của đại dương làm tăng hơn gấp đôi tốc độ mực nước biển dâng trong thập niên qua, so với giai đoạn 1993- 2002. Theo báo cáo, nhiệt độ đại dương ghi nhận ở khu vực Bắc Đại Tây Dương cao hơn mức trung bình 3 độ C vào cuối năm 2023. Nhiệt độ đại dương ấm hơn ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và nhiều loài cá phải di cư khỏi khu vực này về phía Bắc để tìm kiếm nhiệt độ mát hơn.

Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng thiếu băng sẽ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống, từ các hoạt động kinh doanh dựa vào những môn thể thao ngoài trời, cho đến các loài cá sử dụng băng để tự bảo vệ mình trong mùa sinh sản trước những kẻ săn mồi. Ngoài ra, tình trạng thiếu băng cũng khiến bờ biển dễ bị xói mòn hơn, làm tăng nguy cơ gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng ven biển.

"Khả năng cao là năm 2024 sẽ phá kỷ lục nhiệt độ của năm ngoái", Omar Baddour- người phụ trách giám sát khí hậu của WMO đánh giá.

Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo bày tỏ hy vọng báo cáo trên sẽ giúp nâng cao nhận thức về "nhu cầu cấp thiết phải khẩn trương thực hiện các hành động vì khí hậu".

Tại Mỹ, mùa Đông năm 2024 là mùa đông ấm nhất trong lịch sử nước này, chỉ dấu được giới chuyên gia xem là báo hiệu thế giới đang bước vào một kỷ nguyên chưa từng có do hậu quả của khủng hoảng khí hậu.

Cơ quan Giám sát Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ cho biết, nhiệt độ trung bình tại 48 bang thuộc lục địa nước này trong giai đoạn từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024 là 3,1 độ C, mức nhiệt cao kỷ lục kể từ năm 1890, cao hơn 3 độ C so với nền nhiệt trung bình của Mỹ trong thế kỷ 20. Mùa Đông ấm thứ hai tại Mỹ đến vào năm 2016, với nhiệt độ trung bình là 2,67 độ C, trong khi mùa Đông lạnh nhất được ghi nhận vào năm 1979, với mức nhiệt trung bình -3 độ C.

Suốt tháng Hai vừa qua, nước Mỹ cũng chịu nắng nóng kéo dài, với dữ liệu cho thấy nhiệt độ trung bình trong tháng tại lục địa Mỹ, không bao gồm Hawaii, Alaska và các vùng lãnh thổ ngoài khơi, là 5,06 độ C. Đây cũng là tháng Hai ấm thứ 3 trong lịch sử khu vực này.

Tại Nhật, hôm 4/3, Ủy ban Phân tích thời tiết của Cơ quan Khí tượng nước này xác nhận mùa Đông năm nay ấm bất thường, với nhiệt độ trung bình được ghi nhận ở mức cao thứ 2 kể từ khi bắt đầu việc thống kê năm 1898.

Ngọc Tuấn