Print

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đời sống CNLĐ đã được cải thiện đáng kể

Thứ Sáu, 28 /07/2023 18:27

“Hệ thống pháp luật liên quan đến công nhân lao động (CNLĐ) và tổ chức Công đoàn đã không ngừng được hoàn thiện; đời sống của CNLĐ đã được cải thiện đáng kể…”- đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Người lao động (NLĐ) năm 2023.

Xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại

Đề xuất về cơ chế, chính sách cho một số ngành đặc thù, ông Trần Mạnh Hùng- giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Dân Hóa (Quảng Bình) cho biết, là giáo viên một huyện miền núi, gần biên giới, nên ông phải đi làm cách nhà 70km. Do đó, ông rất đồng cảm và thấu hiểu đời sống của giáo viên mầm non, giáo viên cắm bản vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn, nhất là về nhà ở, nơi sinh hoạt cho các thầy cô.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn

Còn PGS-TS.Phạm Thị Huyền- Trưởng bộ môn Marketing (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nêu với Quốc hội vấn đề mà tất cả các trường ĐH đều đang rất quan tâm hiện nay, đó là các cơ sở giáo dục ĐH đang từng bước thực hiện tự chủ theo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi). Đây là một chủ trương đúng để khơi thông các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn vướng mắc về cơ chế, chính sách do sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, giữa Luật Giáo dục ĐH với các luật: Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách. Do vậy, nhiều nội dung, nhiệm vụ, các trường không thể triển khai được…

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Kim Sơn- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, ngành Giáo dục có lực lượng cán bộ, giáo viên gần 1,6 triệu người, chiếm số lượng đáng kể so với NLĐ trên cả nước. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến lực lượng nhà giáo. Đối với những nhà giáo công tác tại vùng núi, biên giới, hải đảo… còn được thêm một số chính sách ưu đãi khác, như phụ cấp trách nhiệm tuỳ theo từng đối tượng. Đối với giáo viên mầm non ngoài công lập, trải qua ảnh hưởng dịch Covid-19, các trường mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 103 hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập, đã chi trả cho hơn 50.000 người với số tiền 158 tỷ đồng...

“Tuy nhiên, so với những vất vả, hy sinh của giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách cần phải có ưu tiên nhiều hơn để động viên được giáo viên. Bộ đang tham mưu Chính phủ thực hiện một số chính sách như đẩy mạnh kiên cố hoá trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên ở điểm trường, vùng khó khăn; phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. 2 Bộ bước đầu thống nhất và đang làm việc các bộ, ngành khác để sớm triển khai trong thời gian tới”- ông Sơn thông tin.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn NLĐ

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Ngoài ra, chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý các chính sách đối với nhà giáo vùng sâu, vùng xa, khó khăn để động viên đối tượng này. Hiện nay, cả ước có 16.000 nhóm trẻ độc lập, trong đó có nhiều giáo viên làm việc chưa được tham gia BHXH, nên rất cần được quan tâm để bảo đảm quyền lợi của giáo viên.

Chính phủ sẽ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6

Liên quan đến câu hỏi về chính sách an sinh, tiền lương của CNLĐ, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những quốc gia tiên phong về chính sách xã hội và việc làm khá; dự kiến lựa chọn 3 khâu đột phá liên quan nhiều đến CNLĐ như: Tạo thị trường lao động ổn định, trọng tâm là sinh kế và việc làm bền vững; tập trung vào những thiết chế tối thiểu về y tế, giáo dục; tập trung phát triển hệ thống nhà ở. Đồng thời, đến năm 2025 phấn đấu xoá khoảng 100.000 căn nhà cho người nghèo; năm 2030 phấn đấu giải toả khu nhà tạm khu vực nông thôn; tập trung hỗ trợ xây dựng 1 triệu căn hộ cho CNLĐ.

Ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trao đổi tại Diễn đàn

Về vấn đề cải cách tiền lương, ông Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian 3 năm dịch Covid-19, khu vực CNVC không được tăng lương nhưng đối tượng là CNLĐ vẫn được tăng lương tối thiểu vùng. Hai đối tượng được điều chỉnh trợ cấp xã hội là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, từ 1/7/2023, tất cả đối tượng liên quan đều được điều chỉnh. Ngày 8/8, Bộ sẽ họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia cùng với các cơ quan liên quan xem xét, đánh giá thực trạng, mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất của DN, tốc độ tăng trưởng, thu nhập của CNLĐ… để tính toán xem có điều chỉnh mức lương tối thiểu vào năm 2023 hay không? Nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào? Việc này sẽ được đánh giá một cách căn cơ, bài bản, sau đó mới có phương án cụ thể trên tinh thần hài hoà, tạo điều kiện cho DN phát triển.

Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu và đại diện các bộ, ngành đã trao đổi, thảo luận về những vấn đề CNLĐ quan tâm hiện nay như: Các quy định mới về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong dự án Luật BHXH (sửa đổi), dự án Luật BHYT (sửa đổi), Luật Việc làm, đặc biệt là tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT đang diễn biến phức tạp... làm ảnh hưởng đến quyền lợi của CNLĐ.

Trao đổi tại Diễn đàn, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thông tin về tình hình chậm đóng, nợ đóng BHXH, BHYT; đồng thời bày tỏ chia sẻ với nỗi lo của NLĐ. “Bản thân tôi cũng như ngành chúng tôi rất trăn trở về việc này. Qua phân tích, Ngành thường xuyên rà soát, bám sát, nắm chắc tình hình DN trên cơ sở dòng tiền để ưu tiên đóng trước cho NLĐ. Trên CSDL sẵn có, BHXH Việt Nam đã phân tích, nhận diện những DN chậm đóng, trốn đóng. Năm 2021, đã xây dựng ứng dụng VssID; từ 1/5/2023, ứng dụng VssID đã thông báo tình hình chậm đóng đối với những đơn vị chậm đóng từ 1 tháng trở lên. Nếu anh em công nhân cài VssID sẽ thấy đơn vị chậm đóng 1 tháng sẽ báo đỏ lên. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đôn đốc DN đóng cho NLĐ”- Tổng Giám đốc khẳng định.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh trao đổi tại Diễn đàn

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo về thu nợ BHXH của 63 tỉnh thành, trong đó Trưởng Ban Chỉ đạo là Chủ tịch và các ngành, các cấp vào cuộc thu hồi nợ đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Bên cạnh đó, trong năm 2022 đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 36.000 cuộc, thu hồi được 32.000 tỷ đồng cho NLĐ, trong đó tỷ lệ thu hồi trước và sau thanh tra là 93%. Ngoài ra, ngành BHXH Việt Nam cũng tiến hành nhiều biện pháp khác như công khai nợ, phối hợp chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an khởi tố theo quy định. Mặt khác, sửa Luật BHXH tới đây cần đưa vào biện pháp đủ mạnh để DN thực hiện tốt chính sách BHXH như cấm xuất cảnh chủ DN nợ BHXH.

Liên quan BH thất nghiệp, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, từ năm 2009 đến 2015, số người hưởng BH thất nghiệp ít nên quỹ còn lớn. Từ 2016 đến nay, số tiền đóng quỹ còn 2%, tuy nhiên qua quá trình triển khai cho thấy điều kiện chi quỹ BH thất nghiệp rất khắt khe, nên tới đây cần sửa đổi nới điều kiện để chi cho NLĐ. “Quỹ BH thất nghiệp đã chi 41.000 tỷ đồng hỗ trợ đợt Covid-19, trong đó trên 32.000 tỷ đồng chi cho NLĐ. Trong điều kiện rất khó khăn, NLĐ không di chuyển được, nhưng cơ quan BHXH đã phối hợp với các ngành, các cấp và tạo điều kiện tối đa chi cho NLĐ. 500 anh chị em công nhân ở đây không phải làm gì cả, tự nhiên thấy tinh tinh có tiền trong tài khoản”- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, sau một buổi chiều làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, trao đổi thẳng thắn, xây dựng, Diễn đàn NLĐ năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức Công đoàn” đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Các ý kiến của CNLĐ đã phản ánh đúng thực tiễn tình hình đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, mối quan tâm của CNLĐ cả nước và những bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật khiến CNLĐ còn băn khoăn, bức xúc.

Qua phản ánh cho thấy, từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của CNLĐ đã được cải thiện đáng kể, nhưng trên thực tế, một bộ phận CNLĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Về cơ bản, hệ thống pháp luật liên quan đến CNLĐ và tổ chức Công đoàn đã không ngừng được hoàn thiện, song vẫn còn không ít các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa sát thực tiễn. Việc thực thi pháp luật ở một số nơi chưa nghiêm, còn xảy ra vi phạm.

Về mức tiền lương tối thiểu vùng trong khu vực sản xuất và cải cách tiền lương trong khu vực công được thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (năm 2018) Quốc hội đã nhiều lần có nghị quyết về vấn đề này, gần đây nhất là Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã giao cho Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương bao gồm khu vực công và khu vực tư tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2023, để xem xét lộ trình, cân đối nguồn lực. Khi chưa cải cách tiền lương, sẽ xem xét điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc bảo đảm mức sống tối thiểu của bản thân, chỉ số lạm phát…

“Phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa DN và CNLĐ. Bởi tiền lương là thu nhập của CNLĐ, là chi phí của DN. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phối hợp tham mưu để báo cáo, xem xét trình với Chính phủ quyết định, nếu đồng ý sẽ có nghị định ban hành. Ủy ban Xã hội và các cơ quan của Quốc hội sẽ tăng cường công tác giám sát về vấn đề này”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nguyệt Hà