Chiều 28/7, tại Diễn đàn Người lao động (NLĐ) năm 2023, nhiều NLĐ cũng như đại diện DN đã quan tâm, nêu nhiều câu hỏi liên quan lĩnh vực BHXH, BHYT. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cùng đại diện một số bộ, ngành đã trực tiếp trao đổi, trả lời về những vấn đề này.
Nêu ý kiến tại Diễn đàn NLĐ năm 2023, anh Vũ Đức Đại- công nhân ngành Than-Khoáng sản cho biết, quỹ BH TNLĐ-BNN hiện đang kết dư khoảng 65.000 tỷ đồng, tuy nhiên các nội dung chi của quỹ được quy định tại Điều 56 Luật ATVSLĐ còn hẹp, thực tế hằng năm chi tối đa không quá 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, NLĐ rất cần được chăm sóc sức khỏe như: Điều dưỡng, phục hồi chức năng khi bị TNLĐ-BNN; suy giảm sức khỏe; chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ; chi đầu tư các thiết chế phòng ngừa TNLĐ-BNN…
Đại diện NLĐ nêu câu hỏi với các bộ, ngành
Trong khi đó, theo anh Đinh Sỹ Phúc- Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai), qua những lần sửa đổi Luật BHXH cho thấy, dường như quyền lợi của NLĐ đang có xu hướng suy giảm (nâng số năm đóng BHXH đối với NLĐ để được hưởng mức tối đa 75% lên 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ; mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định, NLĐ bị giảm 2%, trước đây chỉ giảm 1%). Vì vậy, trong lần sửa đổi Luật BHXH tới đây, anh Phúc đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành các quy định để không làm suy giảm quyền lợi của NLĐ; tạo sự linh hoạt, hấp dẫn, thu hút NLĐ tham gia BHXH và giữ chân NLĐ gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.
Liên quan vấn đề chậm đóng BHXH, chị Lương Thị Tho- công nhân Xí nghiệp Quản lý và Xử lý chất thải Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết, để giảm thiểu tình trạng này, bên cạnh tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử phạt người vi phạm, đề nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật BHXH cần quy định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH để hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH. “Pháp luật cần có cơ chế phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của NLĐ khi DN bị phá sản, chủ DN bỏ trốn; có cơ chế tín dụng ưu đãi hỗ trợ NLĐ khi gặp khó khăn để họ không phải chọn rút BHXH một lần.
Cũng về vấn đề này, chị Lê Thị Hà- Chủ tịch Công đoàn Công ty May Minh Anh (Nghệ An) tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng nợ BHXH của nhiều DN khiến hàng trăm nghìn NLĐ lao đao, có gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. “Nhiều NLĐ thất nghiệp lâm vào cảnh ốm đau, chết mà không có được trợ cấp thất nghiệp; có người nghỉ hưu 7-8 năm nhưng vẫn chưa được cầm sổ hưu, có bác về vợ nghi ngờ gửi lương hưu cho người khác…”- chị Hà chia sẻ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi tại Diễn đàn
Trả lời những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, quỹ ATVSLĐ là quỹ vừa ngắn hạn nhưng lại có những nội dung dài hạn. Trong thực tiễn, thời gian qua quỹ này kết dư tương đối thấp. Những nội dung cơ bản trong mục tiêu của quỹ đặt ra đã đạt được. Tuy nhiên, mức chi thấp, phạm vi hẹp. Do đó, muốn sửa đổi phải sửa Luật ATVSLĐ. “Thời gian vừa qua, theo quy định, chúng ta thu 1% nhưng kết dư quá lớn. Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ đã giảm tỷ lệ thu xuống còn 0,5%. Đại dịch Covid-19 đã sử dụng một phần kết dư cho những công việc này. Những đơn vị nào phòng ngừa tốt thì được ưu tiên, khuyến khích giảm tỷ lệ này”- Bộ trưởng Dung trao đổi.
Về sửa Luật BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tháng 8/2023, Chính phủ trình Ủy ban TVQH cho ý kiến về vấn đề này. Ngày 2/8, Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra cho ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Với tinh thần tiếp thu ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội, Luật BHXH (sửa đổi) tập trung điều chỉnh những bất cập, tạo điều kiện phát triển chính sách BHXH theo hướng hiện đại, tăng quyền lợi cho NLĐ, tập trung 5 nhóm giải pháp chính, 12 vấn đề theo Nghị quyết số 28.
Theo đó, cần hạn chế tối đa rút BHXH một lần; đẩy nhanh nhiều giải pháp khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng và nợ đóng BHXH. Về BH thất nghiệp, cần tiến hành đồng thời với sửa Luật Việc làm. “Quỹ BH thất nghiệp kết dư 100.000 tỷ, trong đó đã sử dụng 41.000 tỷ hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng Covid-19; kết dư hiện nay đảm bảo an toàn”- Bộ trưởng Dung thông tin.
Cũng liên quan đến kết dư quỹ BH thất nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, hiện nay quỹ BH thất nghiệp kết dư không còn nhiều, trước Covid-19 kết dư do tồn tích nhiều năm; từ năm 2014, NSNN không hỗ trợ quỹ BH thất nghiệp. Năm 2021, Chính phủ, Ủy ban TVQH đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 03 hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng Covid-19. Do đó, hiện quỹ kết dư chỉ đảm bảo theo Nghị định số 28 của Chính phủ. “BH thất nghiệp không chỉ hỗ trợ, trợ cấp, mà còn để NLĐ nhanh chóng quay lại thị trường lao động; bổ sung quy định đào tạo nghề…”- bà Thúy Anh nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao đổi tại Diễn đàn
Giải thích rõ về những vấn đề NLĐ nêu, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, số nợ đóng BHXH năm 2016 là 6% trên tổng số thu, đến năm 2022 giảm xuống còn 2,91%. Đây là sự cố gắng, quyết liệt của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp của BHXH Việt Nam với các ngành, các cấp, nhất là Tổng LĐLĐ Việt Nam. Với tình hình nợ BHXH như này, ngành BHXH rất chia sẻ với NLĐ.
“Bản thân tôi cũng như ngành chúng tôi rất trăn trở về việc này. Qua phân tích, Ngành thường xuyên rà soát, bám sát, nắm chắc tình hình của DN trên cơ sở dòng tiền để ưu tiên đóng trước cho NLĐ. Trên CSDL sẵn có, BHXH Việt Nam đã phân tích, nhận diện những DN chậm đóng, trốn đóng. Năm 2021, đã xây dựng ứng dụng VssID; từ 1/5/2023, ứng dụng VssID đã thông báo tình hình chậm đóng đối với những đơn vị chậm đóng từ 1 tháng trở lên. Nếu anh em công nhân cài VssID sẽ thấy đơn vị chậm đóng 1 tháng sẽ báo đỏ lên. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đôn đốc DN đóng cho NLĐ”- Tổng Giám đốc khẳng định.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Bên cạnh đó, BHXH các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo về thu nợ BHXH của 63 tỉnh thành, trong đó Trưởng Ban Chỉ đạo là Chủ tịch và các ngành, các cấp vào cuộc thu hồi nợ đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Bên cạnh đó, trong năm 2022 đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 36.000 cuộc, thu hồi được 32.000 tỷ đồng cho NLĐ, trong đó tỷ lệ thu hồi trước và sau thanh tra là 93%. Ngoài ra, ngành BHXH Việt Nam cũng tiến hành nhiều biện pháp khác như công khai nợ, phối hợp chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an khởi tố theo quy định. Mặt khác, sửa Luật BHXH tới đây cần đưa vào biện pháp đủ mạnh để DN thực hiện tốt chính sách BHXH như cấm xuất cảnh chủ DN nợ BHXH.
Liên quan BH thất nghiệp, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, từ năm 2009 đến 2015, số người hưởng BH thất nghiệp ít nên quỹ còn lớn. Từ 2016 đến nay, số tiền đóng quỹ còn 2%, tuy nhiên qua quá trình triển khai cho thấy điều kiện chi quỹ BH thất nghiệp rất khắt khe, nên tới đây cần sửa đổi nới điều kiện để chi cho NLĐ. “Quỹ BH thất nghiệp đã chi 41.000 tỷ đồng hỗ trợ đợt Covid-19, trong đó trên 32.000 tỷ đồng chi cho NLĐ. Trong điều kiện rất khó khăn, NLĐ không di chuyển được, nhưng cơ quan BHXH đã phối hợp với các ngành, các cấp và tạo điều kiện tối đa chi cho NLĐ. 500 anh chị em công nhân ở đây không phải làm gì cả, tự nhiên thấy tinh tinh có tiền trong tài khoản”- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Vũ Thu