Ngành BHXH Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng CCCD gắn chip trong chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp bằng tiền mặt, nhằm góp phần chi trả nhanh chóng, thuận lợi, đúng người hưởng và phù hợp với xu thế chuyển đổi số quốc gia.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của BHXH Việt Nam, BHXH các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và các ngân hàng thực hiện chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp. Kết quả, năm 2022, tỷ lệ người hưởng nhận các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị đạt 61%, vượt 1% so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến tháng 6/2023, ước khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng 1% so với năm 2022 và vượt 2% so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đạt 43% (tăng 1% so với năm 2022); chế độ BHXH một lần đạt 92% (bằng năm 2022); trợ cấp thất nghiệp đạt 98% (tăng 2% so với năm 2022).
Tuy nhiên, bên cạnh đó, số người nhận qua tài khoản cá nhân tại các vùng không đồng đều, nhất là tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng như với chế độ lương hưu có tỷ lệ nhận qua tài khoản ATM còn thấp. Nguyên nhân được xác định đó là: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đa phần cao tuổi nên sợ rủi ro, trục trặc kỹ thuật khi rút tiền tại các máy ATM; vẫn còn tâm lý và thói quen sử dụng tiền mặt; các ngân hàng còn nhiều loại phí dịch vụ; hạ tầng cơ sở dịch vụ tại nhiều địa phương chưa đáp ứng nhu cầu người hưởng, việc triển khai hình thức chi trả qua ATM của các ngân hàng còn chậm; chưa có cơ chế kiểm soát tình trạng chủ thẻ ATM dẫn đến khó thu hồi tiền đã chi cho những tháng sau nếu người hưởng từ trần.
Do đó, để tiếp tục tăng tỷ lệ người nhận các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị và tăng cường quản lý người hưởng, toàn ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện quy trình chi trả và quản lý người hưởng phù hợp với quy trình cung ứng dịch vụ của ngân hàng và tổ chức đại lý của ngân hàng. Đồng thời, giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Trên cơ sở đó, BHXH các tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu chi tiết đến từng BHXH quận, huyện, thị xã.
BHXH Việt Nam cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về quy trình, thủ tục thực hiện; các dịch vụ, ưu đãi của ngân hàng; tính ưu việt của việc thanh toán không dùng tiền mặt. BHXH các tỉnh xây dựng chi tiết kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và đưa vào kế hoạch tuyên truyền hàng năm của BHXH tỉnh.
Trong đó, cần tập trung vào các nhóm người hưởng tiềm năng như: Nhóm người hưởng BHXH hằng tháng dưới 65 tuổi, đặc biệt là nhóm người hưởng mới, người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng cao tuổi, già yếu phải ủy quyền cho thân nhân lĩnh thay. Đối với người hưởng các chế độ BHXH một lần thì vận động, khuyến khích ngay từ khi lập hồ sơ hưởng. Đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phối hợp với Trung tâm DVVL đề nghị người hưởng kê khai tài khoản (nếu đã có tài khoản) hoặc mở tài khoản (nếu chưa có tài khoản) để thực hiện chi trả nhằm tiệm cận 100% người hưởng mới trợ cấp thất nghiệp nhận chế độ qua tài khoản cá nhân.
BHXH tỉnh, thành phố tăng cường tham mưu cho UBND có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan và UBND cấp huyện phối hợp triển khai đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ, trong đó có chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp; khuyến khích tối đa (100%) người hưởng phát sinh mới nhận chế độ qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt đối với CBCCVC trong các cơ quan hành chính sự nghiệp.
Cử cán bộ BHXH phối hợp với nhân viên của các ngân hàng và Bưu điện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trực tiếp người hưởng tại các điểm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng mở tài khoản cá nhân để nhận tiền chế độ. Phối hợp với ngân hàng có thêm cơ chế ưu đãi, khuyến khích người hưởng mở tài khoản cá nhân. Hướng dẫn đơn vị SDLĐ (cơ quan hành chính sự nghiệp, DN…) khi lập hồ sơ hưởng các chế độ cho NLĐ cần kê khai số tài khoản cá nhân của NLĐ để cơ quan BHXH thực hiện chi trả. Tăng cường ứng dụng CNTT, đẩy mạnh giao dịch điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…
Song song với việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng CCCD gắn chip trong chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp bằng tiền mặt, góp phần chi trả nhanh chóng, thuận lợi, đúng người hưởng và phù hợp với xu thế chuyển đổi số quốc gia.
Cụ thể, trong năm 2023, BHXH Việt Nam sẽ lựa chọn 2 BHXH tỉnh thực hiện thí điểm việc sử dụng CCCD gắn chip trước khi triển khai trên toàn quốc. Theo đó, người hưởng chỉ cần xuất trình CCCD gắn chip (hoặc ứng dụng VNeID) cho nhân viên Bưu điện. Khi đó, hệ thống phần mềm của cơ quan BHXH và Bưu điện sẽ tra cứu, đối chiếu dữ liệu người hưởng; tra cứu số tiền phải chi, ngay khi thực hiện chi cập nhật số đã chi cho người hưởng và hạch toán tự động trên phần mềm nghiệp vụ của cơ quan BHXH. Việc chi trả cho người hưởng được tự động hóa, tình hình chi trả được cập nhật tức thời.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang đề nghị các bộ, ngành liên quan cung cấp các dữ liệu liên quan đến công tác quản lý người hưởng như: Liên thông nhận dữ liệu giấy báo tử do cơ sở KCB cấp, dữ liệu từ Trích lục khai tử do Bộ Tư pháp cấp đối với người thuộc cơ quan BHXH đang quản lý để kịp thời cắt giảm chế độ bảo hiểm từ khâu lập danh sách chi trả, đồng thời liên thông giải quyết chế độ cho người hưởng; cảnh báo trên các phần mềm để dừng chi trả các chế độ. Phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan chia sẻ thông tin liên quan người hưởng các chế độ BHXH đi định cư ở nước ngoài (thời gian xuất cảnh, về nước tái định cư, từ trần nếu có), xuất cảnh trái phép, người hưởng bị tuyên bố mất tích.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã đề nghị các ngân hàng đẩy mạnh triển khai trang bị máy CRM (máy ATM có chức năng hỗ trợ rút tiền bằng CCCD gắn chip); phối hợp với các ngân hàng tuyên truyền sử dụng CCCD gắn chip trong rút tiền chi trả các chế độ tại máy CRM. Theo đó, người dân sử dụng CCCD để rút tiền thay thế thẻ rút tiền, có thể dùng vân tay và sinh trắc khuôn mặt để thay thế mật khẩu rút tiền. Đây là giải pháp quan trọng giúp người dân thuận lợi trong rút tiền mặt, giảm lo âu về việc quên mật khẩu đăng nhập, mất thẻ rút tiền.
Thủy Hà