Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), Hà Nội bắt đầu triển khai 2 nhóm TTHC liên thông: Đăng ký khai sinh- Đăng ký thường trú- Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí theo Công văn số 2213/UBND-KSTTHC của UBND TP.Hà Nội vừa ban hành.
Công văn nêu rõ, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về tổ chức triển khai thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông trên, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành: Công an Thành phố, Tư pháp, Y tế, LĐ-TB&XH, BHXH Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố căn cứ hướng dẫn của Bộ, ngành chủ quản chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện quy trình trong ngành, trong lĩnh vực mà đơn vị phụ trách; kịp thời cập nhật các hướng dẫn, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ và phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện đối với các ngành, đơn vị theo lĩnh vực phụ trách; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, quy trình bổ sung (nếu có) đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở trực tiếp thực hiện đối với 2 nhóm TTHC liên thông nêu trên. Bên cạnh đó, kịp thời tham mưu, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình tổ chức thực hiện.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai thực hiện đối với 2 nhóm TTHC liên thông nêu trên; tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động người dân khi có nhu cầu tham gia thực hiện 2 nhóm dịch vụ công liên thông Đăng ký khai sinh- Đăng ký thường trú- Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí.
UBND Thành phố cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn việc thực hiện nhóm TTHC liên thông để người dân hiểu được ý nghĩa, lợi ích. Từ đó, tăng số lượng hồ sơ được thực hiện qua DVC liên thông.
Trước đó, từ tháng 11/2022, Hà Nội là 1 trong 2 địa phương được Trung ương lựa chọn thực hiện thí điểm 2 TTHC liên thông Đăng ký khai sinh- Đăng ký thường trú- Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí. Ngay từ khi nhận được sự chỉ đạo, BHXH Thành phố đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, do đó đã tập trung lãnh đạo Văn phòng, các phòng nghiệp vụ, BHXH các quận, huyện, thị xã chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan ở địa phương để tổ chức triển khai thực hiện.
BHXH Thành phố phối hợp với Công an Thành phố, Sở Tư pháp và các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố ban hành 3 văn bản chỉ đạo, triển khai Đề án 06 và 2 nhóm TTHC liên thông. Các nội dung chỉ đạo thống nhất, hướng dẫn triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và Quyết định ban hành quy trình thí điểm thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông.
BHXH TP.Hà Nội đã tổ chức 2 Hội nghị tập huấn viên chức các phòng nghiệp vụ, BHXH các quận, huyện, thị xã về quy trình, hồ sơ thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông; yêu cầu viên chức nắm chắc quy trình, thực hành thao tác thành thạo để kịp thời hỗ trợ cán bộ xã và người dân trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phân công cán bộ xuống tận xã, phường, thị trấn để truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ và người dân thực hiện các TTHC liên thông trên.
Đến nay, đối với TTHC liên thông Đăng ký khai sinh- Đăng ký thường trú- Cấp thẻ BHYT, BHXH TP.Hà Nội đã cấp và trả thẻ BHYT cho 36.972 trường hợp. Thủ tục cấp và trả thẻ BHYT đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định tại bộ phận “Một cửa” của UBND xã, phường, thị trấn hoặc thông qua dịch vụ Bưu điện.
Còn đối với TTHC liên thông Đăng ký khai tử- Xóa đăng ký thường trú- Trợ cấp mai táng phí, BHXH TP.Hà Nội đã tiếp nhận, giải quyết và chi trả trợ cấp mai táng phí cho 341 trường hợp. Thủ tục thuận lợi, thân nhân của người mất sau khi nộp hồ sơ qua Cổng DVC trực tuyến thì nhận kết quả giải quyết theo hình thức nhận trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc qua dịch vụ Bưu chính (tùy theo người dân đã đăng ký); nhận tiền mai táng phí qua tài khoản cá nhân hoặc nhận tiền mặt tại cơ quan BHXH.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu thực hiện thí điểm, vẫn còn một số khó khăn như người dân hiện vẫn có tâm lý, thói quen muốn đến trực tiếp cơ quan nhà nước làm TTHC, để được hỏi- đáp, trao đổi, hướng dẫn cụ thể về các loại hồ sơ và giấy tờ có liên quan. Ngoài ra, đây là quy trình thực hiện mới nên bước đầu người dân còn bỡ ngỡ, lúng túng khi kê khai, đặc biệt là những người lớn tuổi và những người ít tiếp xúc với công nghệ thông tin, khiến cán bộ xã, phường phải mất nhiều thời gian hướng dẫn...
Châu Anh