Dân số ở nhiều quốc gia đang giảm sút và già đi nhưng ở Hàn Quốc, tốc độ này đang diễn ra quá nhanh.
Trong 60 năm qua, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Nếu như vào năm 1960, tỷ suất sinh của nước này là một phụ nữ có gần 6 con thì vào năm 2022 chỉ còn 0,78.
Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có tỷ suất sinh đăng ký dưới 1. Theo đánh giá của một nhà nhân khẩu học đã dành 40 năm nghiên cứu về dân số châu Á, sự suy giảm này sẽ diễn ra trong thời gian dài và gây ra những hậu quả to lớn. Nó có thể làm giảm nghiêm trọng tốc độ tăng trưởng kinh tế và dẫn tới tình trạng vừa già vừa nghèo.
Nếu không tính đến tác động của dòng người nhập cư và di cư, tổng tỷ suất sinh nói chung ở các nước phát triển phải đạt ít nhất 2,1 mới có thể duy trì ổn định dân số. Từ năm 1984, tỷ suất sinh của Hàn Quốc đã thấp hơn mức này, và từ đó đến nay, tỷ lệ sinh càng giảm nhanh.
Trong một số trường hợp, mức sinh giảm có thể có tác động tích cực thông qua cái mà các nhà nhân khẩu học gọi là "lợi tức nhân khẩu học ". Điều này xảy ra khi nền kinh tế của một quốc gia tăng tốc sau khi tỷ lệ sinh giảm, tiếp theo là sự thay đổi về thành phần độ tuổi của dân số, dẫn đến nhiều người trong độ tuổi lao động hơn trong khi ít trẻ nhỏ và người già cần nuôi dưỡng hơn. Đó là điều đã xảy ra ở Hàn Quốc- mức sinh giảm đã giúp Hàn Quốc từ một nước rất nghèo biến thành một quốc gia giàu có.
Quá trình giảm sinh của Hàn Quốc bắt đầu từ đầu thập niên 1960, khi chính phủ Hàn Quốc cùng lúc thực hiện chương trình quy hoạch kinh tế và kế hoạch hóa gia đình. Năm 1961, thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ khoảng 82 USD. Kinh tế Hàn Quốc bùng nổ từ năm 1962 khi chính phủ nước này triển khai kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Họ cũng đưa ra một chương trình kế hoạch hóa dân số để giảm tỷ lệ sinh, đặt mục tiêu có 45% số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai.
Quy hoạch hóa kinh tế và kế hoạch hóa gia đình đều phát huy tác dụng trong việc chuyển Hàn Quốc từ mức sinh cao xuống mức sinh thấp. Vì thế, thành phần dân số cần nuôi dưỡng trẻ em và người già giảm dần so với dân số ở độ tuổi lao động. Những thay đổi về kết cấu nhân khẩu học đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kéo dài cho đến giữa những năm 1990. Sức sản xuất tăng cũng như lực lượng lao động ngày càng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp giảm đã giúp tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt từ 6% đến 10%. Ngày nay, Hàn Quốc thuộc nhóm các quốc gia giàu có nhất toàn cầu, với GDP bình quân đầu người khoảng 35.000 USD.
Hàn Quốc chuyển mình từ một quốc gia nghèo thành một quốc gia giàu nhờ phần lớn vào lợi tức nhân khẩu học mà quốc gia này đạt được trong thời kỳ tỷ lệ sinh giảm. Nhưng lợi tức nhân khẩu học chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, còn về lâu dài, mức sinh giảm sẽ gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế của một đất nước. Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc rất thấp, ở mức 0,78 và tổng dân số đang giảm đi hàng năm khi số người chết nhiều hơn số trẻ được sinh ra.
Theo thông báo mới của Cục Thống kê Hàn Quốc, dân số nước này liên tục giảm trong ba năm qua: giảm 32.611 người vào năm 2020, 57.118 người năm 2021 và 123.800 người trong năm 2022. Nếu cứ đà này mà Hàn Quốc không sẵn sàng tiếp nhận hàng triệu người nhập cư, số dân của Hàn Quốc sẽ giảm xuống trong những năm tới khi số người trên 65 tuổi ngày càng nhiều.
Để giải quyết bài toán nan giải về tỷ lệ sinh, Chính phủ Hàn Quốc đã và đang đưa ra các ưu đãi tài chính cho các cặp vợ chồng sinh con và tăng khoản trợ cấp hằng tháng cho các bậc cha mẹ. Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng đã thành lập một nhóm mới để xây dựng chính sách khuyến khích sinh con. Từ năm 2006 đến nay, chính phủ Hàn Quốc đã chi hơn 200 tỷ USD cho kế hoạch này nhưng gần như không hiệu quả.
Đối với việc nhập cư để bù đắp tỷ lệ sinh đang giảm liên tục của Hàn Quốc, số lượng lao động người nước ngoài ở Hàn Quốc có thể cần tăng gấp gần 10 lần. Nếu không làm được điều đó, dân số Hàn Quốc sẽ tiếp tục giảm hàng năm và nước này sẽ gia nhập danh sách các quốc gia có dân số già nhất thế giới.
Ngọc Tuấn