Chậm, trốn đóng BHXH cho NLĐ- từ lâu đã trở thành “căn bệnh ác tính”, khiến các cơ quan chức năng “đau đầu” xử lý. Thậm chí, nó còn được ví như “khối u” gây nhức nhối trên thị trường lao động, khiến nhiều NLĐ phải lên tiếng kêu cứu khắp nơi. Trong tình thế quyền lợi chính đáng của bản thân bị “treo”, NLĐ cũng chỉ biết gửi những lá đơn “kêu cứu” tới các cơ quan chức năng, với hy vọng sẽ có phép màu sớm đến với mình…

1. LỜI KÊU CỨU CỦA NLĐ

Đòi quyền lợi…

Một trong những quyền lợi chính đáng mà NLĐ được hưởng sau khi ký kết HĐLĐ với DN, đó là việc được hưởng các chế độ như BHXH, BHYT, BH thất nghiệp... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít DN nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài, thậm chí cố tình chây ỳ, trốn đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi chế độ của NLĐ, nhất là khi họ bị ốm đau, sinh con, TNLĐ-BNN…

Dù ký HĐLĐ với Công ty CP Anh ngữ Apax (Hà Nội) từ tháng 9/2019, tuy nhiên chị Trần Ly Na (sinh năm 1992, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) chỉ được Công ty đóng BHXH đến tháng 11/2019.

Giai đoạn từ tháng 12/2019 về sau, Công ty vẫn đều đặn trừ tiền đóng BHXH hằng tháng của chị, nhưng lại không nộp cho cơ quan BHXH. Điều này chỉ được chị Na phát hiện, khi vào tháng 9/2020, chị sinh con và không nhận được chế độ trợ cấp thai sản.

Trực tiếp đến BHXH TP.Hà Nội để hỏi, chị Na mới “ngã ngửa” khi biết Công ty đang nợ BHXH hàng chục tỷ đồng. Không chỉ nợ BHXH, Công ty CP Anh ngữ Apax còn nợ lương của nhiều NLĐ.

Theo phản ánh của chị Na, HĐLĐ giữa chị và Công ty nêu rõ: “Công ty có trách nhiệm chi trả lương cho NLĐ vào ngày 20 hằng tháng”. Tuy nhiên, từ tháng 1/2020, Công ty đã không thể thanh toán lương như thỏa thuận trong HĐLĐ, mà chia nhỏ thành nhiều đợt và tình trạng chậm lương từ 2 đến 3 tháng diễn ra liên tục. “Tôi chấm dứt HĐLĐ với Công ty vào ngày 15/10/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn chưa hoàn trả lương từ tháng 5 đến tháng 10 cho tôi”- chị Na bức xúc cho biết.

Cũng theo chị Na, khi phát hiện bị nợ BHXH, chị đã liên hệ và yêu cầu lãnh đạo Công ty thanh toán tiền lương và truy đóng BHXH, BHYT cho mình.

Tuy nhiên, chị Na không nhận được bất kỳ câu trả lời nào liên quan đến vấn đề BHXH; còn về nợ lương, Công ty lấy lý do chị chưa hoàn thiện hồ sơ nghỉ việc nên chưa thanh toán.

Đáng nói, việc chị Na chưa hoàn thành hồ sơ nghỉ việc lại hoàn toàn do Công ty, chứ không phải do cá nhân chị Na. Cụ thể: Trung tâm Apax Leaders Hà Tĩnh không có khả năng thanh toán tiền dịch vụ tòa nhà Vincom. Việc này dẫn đến tòa nhà bị cắt mọi dịch vụ, trung tâm đóng cửa, nhân viên không thể đi làm. Vì nhân viên các bộ phận liên quan không thể đi làm, nên không thể hỗ trợ chị bàn giao tài sản để hoàn thiện hồ sơ nghỉ việc.

“Hiện tại, tôi chưa có việc làm, lại phải nuôi 2 con nhỏ. Vì thời gian dài Công ty không chịu thanh toán lương cũng như đóng BHXH, khiến cuộc sống gia đình tôi gặp không ít khó khăn. Vì vậy, tôi viết đơn này kính mong quý cơ quan báo chí cùng các cơ quan chức năng phối hợp, hỗ trợ tôi cũng như các đồng nghiệp khác cùng hoàn cảnh đòi lại quyền lợi hợp pháp mà Công ty CP Anh ngữ Apax chưa thanh toán…”- chị Na viết trong đơn “kêu cứu” gửi các cơ quan chức năng.

Trao đổi với phóng viên, đại diện BHXH TP.Hà Nội cho biết, thời gian qua, BHXH Thành phố đã nhận được rất nhiều phản ánh của NLĐ thuộc Công ty CP Anh ngữ Apax. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp này đều bị nợ BHXH trong thời gian dài, nên không thể giải quyết các chế độ BHXH. Điều đáng nói, mặc dù hằng tháng DN vẫn trích trừ khoản tiền đóng BHXH từ lương của NLĐ, nhưng lại không chuyển về cơ quan BHXH. “Hiện DN này đang đứng đầu danh sách nợ BHXH của thành phố. DN có 440 NLĐ, nhưng số tháng nợ BHXH đã kéo dài tới 29 tháng, với tổng số tiền nợ hơn 48,1 tỷ đồng”- đại diện BHXH TP.Hà Nội thông tin.

NLĐ chịu nhiều thiệt thòi

Cũng trong tình trạng bị chủ DN chây ỳ nợ BHXH, cuối năm 2021, hơn 200 NLĐ của Công ty CP Ô tô 1-5 (Đông Anh, Hà Nội) đã phải gửi đơn “kêu cứu” đến các cơ quan chức năng và báo chí. Theo đó, NLĐ tố cáo Công ty CP Ô tô 1-5 mới chỉ đóng BHXH cho NLĐ đến tháng 8/2016, trong khi hằng tháng Công ty vẫn khấu trừ các khoản BHXH từ tiền lương của NLĐ nhưng lại không chuyển đóng cho cơ quan BHXH. Do đó, nhiều NLĐ không thể giải quyết các chế độ như: Ốm đau, thai sản, hưu trí…

Sau khi có phản ánh từ báo chí, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, BHXH TP.Hà Nội và UBND huyện Đông Anh hướng dẫn, giám sát, đôn đốc Công ty CP Ô tô 1-5 thực hiện đầy đủ các quy định về pháp luật lao động, BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi NLĐ. Công ty sau đó cũng đã thực hiện trả lương NLĐ và chốt sổ BHXH cho một số trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đến tuổi về hưu; tuy nhiên sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mãi đến tháng 10/2021, khi NLĐ nộp đơn khởi kiện Công ty tới TAND huyện Đông Anh, giữa Công ty và NLĐ mới tạm thống nhất giải quyết dần các nội dung khiếu nại. Theo đó, Công ty chấp nhận các yêu cầu của NLĐ, nhưng chỉ giải quyết trả nợ, chốt sổ BHXH cho NLĐ theo từng đợt…

Item 1 of 2

Công ty CP Ô tô 1-5 đòi quyền lợi về lương

Công ty CP Ô tô 1-5 đòi quyền lợi về lương

NLĐ Công ty CP Khóa Minh Khai kêu cứu khi bị nợ BHXH 9 năm trời

NLĐ Công ty CP Khóa Minh Khai kêu cứu khi bị nợ BHXH 9 năm trời

Mới đây, một số NLĐ tại Công ty CP Khóa Minh Khai (huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội)- thuộc Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng, cũng đã phải tìm đến các cơ quan chức năng và báo chí để cầu cứu sự giúp đỡ khi bị nợ BHXH suốt 9 năm trời. Theo đó, từ tháng 4/2014 đến ngày 30/6/2022, Công ty CP Khóa Minh Khai chậm đóng BHXH với số tiền lên đến hơn 12 tỷ đồng, trong đó tiền gốc hơn 7 tỷ đồng và tiền lãi chậm đóng hơn 5 tỷ đồng. Đáng chú ý, hiện có 27 NLĐ của Công ty đã nghỉ việc nhưng chưa được chốt sổ BHXH…

Đề cập đến vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT, Luật sư Hoàng Văn Sản- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tùng Sơn cho rằng, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH là do tính tuân thủ pháp luật của nhiều DN chưa tốt, nhất là ở nhóm DN vừa và nhỏ. Thậm chí, việc nợ đọng BHXH còn diễn ra ngay ở các đơn vị hành chính sự nghiệp hưởng lương từ NSNN, khiến thực trạng nợ, chậm đóng BHXH trở nên phức tạp hơn. “Dù bất cứ lý do gì, thì trong mối quan hệ lao động, nếu DN nợ BHXH thì phần thiệt thòi vẫn sẽ nằm ở phía NLĐ”- Luật sư Hoàng Văn Sản nhấn mạnh.

2. Khi "khối u" xâm phạm
quyền lợi NLĐ

Khi quyền lợi bị “đánh cắp”

Chia sẻ về những khó khăn khi bị DN nợ BHXH, anh Vũ Quốc Hiến- lái xe của Công ty CP Xây lắp GERVICO (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh vừa nghỉ việc với lý do hai bên không thỏa thuận được những điều khoản phát sinh trong HĐLĐ mới. Tuy nhiên, điều anh Hiến bức xúc chính là anh mới phát hiện Công ty không đóng BHXH cho mình.

“Theo hợp đồng, mức lương chính tôi được hưởng là 10 triệu đồng/tháng và được đóng BHXH, BHYT đầy đủ. Tuy nhiên, đến ngày 3/6/2022, tôi đi khám bệnh thì phát hiện thẻ BHYT của mình không thể thực hiện được, với lý do Công ty chưa đóng BHXH, BHYT cho mình, trong khi hằng tháng vẫn trích thu tiền BHXH của tôi. Việc Công ty không đóng tiền BHXH không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi KCB BHYT của tôi, mà còn làm ảnh hưởng đến các chế độ khác đáng ra tôi được hưởng như BH thất nghiệp, chế độ hỗ trợ do COVID-19…”- anh Hiến bức xúc kể.

Item 1 of 1

Công bố quyết định thanh tra DN nợ BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội

Công bố quyết định thanh tra DN nợ BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội

Hoàn cảnh của chị Trần Thị Mến (xã Hải Quế, Hải Lăng, Quảng Trị) cũng rất khó khăn, do vừa phải chăm con nhỏ, vừa lo cho người mẹ bị bệnh nặng, trong khi bản thân chị không có nguồn thu nhập nào.

Quá trình làm việc tại Công ty May Quảng Trị, chị Mến luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, do không được giải quyết chế độ thai sản, nên chị Mến quyết định nghỉ việc sau gần 8 năm gắn bó.

“Tôi mới được Công ty tạm ứng 13 triệu đồng tiền thai sản, vẫn còn nợ 10 triệu đồng. Do không được Công ty chốt sổ BHXH và làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp, nên cuộc sống của tôi rất khó khăn. Tôi đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Công ty, nhưng họ chỉ hứa suông…”- chị Mến phản ánh.

Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 5/2022, tổng số nợ BHXH, BHYT trên toàn quốc là 24.576 tỷ đồng, chiếm 5,6% số phải thu (tăng 4,6% so với cùng kỳ 2021). Trong đó, có 133.431 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền 13.729 tỷ đồng, ảnh hưởng quyền lợi của hơn 800.000 NLĐ. Đáng chú ý, 70% số nợ BHXH thuộc các DN ngoài quốc doanh, tập trung chủ yếu ở các địa phương có nhiều KCN như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thanh Hóa và khoảng 10% trong số này thuộc các DN FDI. Ngoài ra, trong tổng số nợ BHXH, BHYT còn có hơn 3.500 tỷ đồng của các DN đã bị phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài đã trốn khỏi Việt Nam… không có khả năng trả nợ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 200.000 NLĐ.

Tại Hà Nội, dù BHXH Thành phố thường xuyên đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, nhưng đến cuối tháng 7/2022, trên địa bàn thành phố vẫn còn gần 76.000 đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT với số tiền hơn 4.905 tỷ đồng, bằng 8,68% so với số phải thu, tăng hơn 142 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, số tiền nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, thuộc diện không thể thu hồi lên tới gần 1.367 tỷ đồng (chiếm 27,9% tổng số nợ); số tiền nợ kéo dài từ 12 tháng trở lên gần 1.873 tỷ đồng (chiếm 38,18% tổng số nợ)…

Vin đủ lý do...

Việc các DN nợ đọng BHXH kéo dài đã ảnh hưởng đến chính sự phát triển cũng như thương hiệu của DN. Bởi, khi DN không thực hiện nghiêm chính sách BHXH, BHYT, sẽ dẫn đến tình trạng NLĐ rời bỏ DN để tìm đến những đơn vị tốt hơn, dẫn đến việc DN lâm cảnh thiếu hụt lao động, phải tuyển lao động mới. Đơn cử, đầu tháng 5/2022, hơn 1.000 NLĐ tại Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) đã ngừng việc tập thể để phản đối DN chậm chi trả các chế độ phúc lợi. Việc để xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể đã trực tiếp gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của DN, trong khi đó nhiều NLĐ cũng đã lựa chọn giải pháp nghỉ việc và chuyển sang đơn vị mới.

Trước đó, hơn 200 NLĐ tại Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội (trước đây là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ cao Minh Quân) bị nợ lượng, nợ BHXH giai đoạn 2019- 2020 cũng đã ngừng việc đòi quyền lợi hợp pháp của mình. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, vụ việc đã được giải quyết, nhưng việc nợ đọng BHXH gây ảnh hưởng quyền lợi của NLĐ và nhiều NLĐ đã nghỉ việc, chuyển đơn vị khác khiến DN thiếu hụt nhân sự trầm trọng…

Là một trong những địa phương có đông NLĐ, hiện nay, tổng số nợ BHXH trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang có dấu hiệu gia tăng. '=

Đáng chú ý, có tới 155 đơn vị dừng hoạt động, giải thể, có chủ bỏ trốn với số nợ BHXH, BHYT 54,1 tỷ đồng... Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ này, bà Nguyễn Thị Thu Huyền- Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang cho rằng, nguyên nhân nợ BHXH tăng cao là do nhiều DN chưa phục hồi sản xuất như trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát; một số chủ DN chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, cố tình chây ỳ, lợi dụng nguồn vốn để dùng cho mục đích khác.

Ngoài ra, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh; việc khởi kiện đơn vị nợ BHXH còn nhiều thủ tục, trình tự phức tạp…

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nghe báo cáo tình trạng nợ BHXH trên địa bàn tỉnh

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nghe báo cáo tình trạng nợ BHXH trên địa bàn tỉnh

Trong khi đó, địa phương kế bên là Bắc Ninh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, tình trạng nợ BHXH vẫn diễn ra và có chiều hướng tăng. Nhiều đơn vị nợ với số tiền lớn, trong thời gian dài, cá biệt có đơn vị nợ 140 tháng. Thực trạng này đang khiến cho BHXH tỉnh Bắc Ninh phải chật vật tìm biện pháp hóa giải.

Từ thực tế trên cho thấy, việc các DN chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ. Đặc biệt, bên cạnh việc không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau, hưu trí, tử tuất… theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, NLĐ còn không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP, hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg… Trong khi đó, các DN đều vin đủ lý do để biện minh cho hành vi trốn, nợ BHXH của đơn vị như: Do tác động của suy thoái kinh tế, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Không thể phủ nhận đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến một số DN gặp khó khăn nên phải nợ BHXH, nhưng cũng không ít DN dù không bị tác động hoặc đã phục hồi sản xuất cũng mượn cớ này để chây ỳ đóng BHXH, BHYT. Không những vậy, nhiều DN còn cố tình lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách BHXH, chế tài xử lý việc nợ, chậm đóng BHXH còn nhẹ và chưa nghiêm để trốn đóng hoặc chiếm dụng BHXH của NLĐ.

3. Cần "phương thuốc" đặc trị

Vẫn vướng mắc về pháp lý

Thực tế cho thấy, việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các DN nợ BHXH còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Nhiều DN không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra, công tác khởi kiện chỉ mới lác đác một số vụ. Trong khi đó, việc lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự DN trốn, nợ BHXH chưa được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã tích cực huy động, phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để tuyên truyền, phổ biến, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT.

Ông Lê Đình Hùng- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội đề nghị gỡ vướng trong khởi kiện DN nợ BHXH

Ông Lê Đình Hùng- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội đề nghị gỡ vướng trong khởi kiện DN nợ BHXH

Đặc biệt, các cấp Công đoàn đã chủ động vào cuộc trong việc khởi kiện DN nợ BHXH, tuy nhiên công tác này còn gặp nhiều vướng mắc.

Đơn cử, đến thời điểm này, tổ chức Công đoàn của Hà Nội đã nhận được 592 hồ sơ DN nợ BHXH với số tiền nợ 475,6 tỷ đồng, trong đó có 175 hồ sơ khởi kiện được chuyển tới TAND cùng cấp để thụ lý.

Qua thủ tục thông báo khởi kiện của Công đoàn, đã có 114 đơn vị, DN truy nộp số tiền trên 108 tỷ, nhưng số hồ sơ được thụ lý và khởi kiện không đáng kể, phần còn lại chưa thực hiện được bởi những vướng mắc về mặt pháp lý.

Theo ông Lê Đình Hùng- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội, việc khởi kiện DN nợ BHXH hiện chịu sự chi phối của 4 luật hiện hành, gồm: Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất, nên Tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý.

“Có luật thì quy định Công đoàn cơ sở được khởi kiện, có luật quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng NLĐ. Trong khi đó, có những DN có tới hàng vạn NLĐ. Do đó, khi Công đoàn tiến hành khởi kiện, nộp hồ sơ, nhưng nhiều cơ quan Tòa án từ chối thụ lý vụ án…”- ông Hùng lý giải.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, Lê Đình Hùng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực BHXH đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất. Đồng thời, cần có quy định thống nhất về quy trình tổ chức Công đoàn được phép khởi kiện DN vi phạm pháp luật BHXH thay vì phải có chữ ký ủy quyền của từng NLĐ. Bên cạnh đó, cần bổ sung chế tài và thực hiện nghiêm các chế tài đã có đối với các hành vi vi phạm; nghiên cứu, đề xuất tăng mức phạt tiền và mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính về BHXH phù hợp với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là đối với một số hành vi thường xuyên diễn ra hiện nay như: Trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Dẫn chứng thực trạng nợ trên địa bàn Đà Nẵng, ông Nguyễn Hùng Anh- Phó Giám đốc BHXH TP.Đà Nẵng cho biết: BHXH Thành phố còn gặp nhiều vướng mắc liên quan việc xử lý những đơn vị đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn, mất tích. Đặc biệt, trong khởi kiện đơn vị nợ BHXH có một số bất cập như DN và NLĐ phải trải qua quá trình hòa giải, phải có ủy quyền của toàn bộ NLĐ- đây là những quy định rất khó áp dụng trên thực tế.

Đáng chú ý, theo Bộ Công an, tính đến tháng 5/2022, chưa có vụ việc nào được cơ quan Công an đưa ra truy tố, xét xử về tội “trốn đóng BHXH, BHYT”- mặc dù cơ quan BHXH các cấp đã có 353 kiến nghị khởi tố về tội danh này. Cụ thể, cơ quan CSĐT các cấp đã ra quyết định không khởi tố hình sự 173 vụ, không thụ lý giải quyết 56 vụ, đang trong thời gian giải quyết 122 vụ và tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị 2 vụ. Vì vậy, tình trạng DN “nhờn” với luật vẫn tiếp diễn và có biểu hiện ngày càng phức tạp hơn.

Kiến nghị tăng mức xử phạt

Những năm qua, BHXH tỉnh Bắc Ninh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế phát sinh nợ mới và từng bước thu hồi số nợ tồn đọng. Theo đó, chủ động phân loại số nợ theo từng loại hình DN; nắm bắt tình hình hoạt động của DN; chia sẻ và động viên DN khắc phục khó khăn, cân đối nguồn lực để truy đóng BHXH. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ chuyên quản thu bám sát địa bàn để đôn đốc thu; tăng cường phối hợp với cơ quan Công an xử lý nghiêm những đơn vị, DN nợ với số tiền lớn và thời gian kéo dài.

Còn theo ông Phạm Ngọc Sơn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình, để thu hồi nợ BHXH, ngoài việc gửi thông báo đôn đốc thu, BHXH tỉnh còn chủ động thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đối với những đơn vị, DN nợ từ 3 tháng trở lên và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Riêng đối với những đơn vị, DN đã phá sản, có chủ DN bỏ trốn, hiện chúng tôi đã khoanh vùng lại để chờ chỉ đạo hướng xử lý từ các cấp có thẩm quyền”- ông Sơn cho biết.

Đánh giá về thực trạng này, ông Nguyễn Duy Cường- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các DN giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn là vấn đề rất phức tạp, do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này dẫn đến việc chưa có cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm và bảo đảm quyền lợi cho NLĐ; đồng thời có thể tạo tiền lệ xấu cho các DN lợi dụng để trốn đóng, chậm đóng, không tuân thủ nghiêm pháp luật BHXH…

Vì vậy, theo ông Cường, trước mắt, cơ quan BHXH cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ; đồng thời tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho các đơn vị, DN. Bên cạnh đó, cũng cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng như: Công an, Tòa án, Thanh tra, LĐ-TB&XH, LĐLĐ…

Cũng đề cập thực trạng này, Luật sư Hoàng Văn Sản- Giám đốc Công ty Luật TNHH Tùng Sơn lưu ý, theo Điều 17 Luật BHXH, hành vi trốn đóng BHXH bị nghiêm cấm, tùy tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Còn theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, tội danh này có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù đến 7 năm.

Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm. Do đó, các cơ quan chức năng cần bám sát quy định này để xử lý tình trạng trốn, nợ BHXH.

Xử lý hình sự đối với DN trốn, nợ BHXH được coi là giải pháp hữu hiệu nhất

Xử lý hình sự đối với DN trốn, nợ BHXH được coi là giải pháp hữu hiệu nhất

Thực hiện: Vũ Thu - Thanh Hằng
Trình bày: Hà Hùng

This is a Shorthand story for reviewPublished stories don't show this section.

GIVE FEEDBACK TO THE STORY OWNER

This feature is not available in landscape. Please rotate your device.

GIVE FEEDBACK TO THE STORY OWNER

More than 4 characters is required
Name must contain only letters, hyphens, apostrophes, full-stops and spaces
Wait, that does not look like a valid email address!
Your feedback was sent to the story owner.
There is been an issue with submitting your feedback.

TEST ON ANOTHER DEVICE

This feature is not available in landscape. Please rotate your device.

TEST ON ANOTHER DEVICE