“Bám làng, bám dân” để lan tỏa chính sách
Sự sáng tạo, linh hoạt nhiều phương thức “bám làng, bám dân” để thu hút người dân tham gia chính sách an sinh xã hội đã giúp BHXH huyện Yên Thành (Nghệ An) liên tục tạo đột phá. Hai lần tổ chức hội nghị trực tuyến mới đây đều thành công rực rỡ, thu hút lần lượt gần 450 và 300 người tham gia BHXH tự nguyện ngay tại hội nghị.
Sáng kiến thời COVID-19
Không khí phần giải đáp chính sách lập tức “nóng” lên sau khi 3 quyết định hưởng chế độ hưu trí BHXH tự nguyện được trao tại điểm cầu xã Nam Thành. Đây là một trong 39 điểm cầu của Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của huyện Yên Thành, vừa diễn ra ngày 15/7.
Hội nghị tuyên truyền trực tuyến về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình do UBND huyện Yên Thành chủ trì
Một loạt thắc mắc được người dân các xã Phúc Thành, Đô Thành, Nam Thành… hướng đến cơ quan BHXH: Tôi đã 52 tuổi, có thể đóng BHXH tự nguyện theo cách nào để hưởng lương hưu? Nếu chẳng may mới hưởng lương hưu 1-2 năm đã mất thì có phải thiệt thòi quá không? Nếu vì điều kiện kinh tế không thể tiếp tục tham gia thì có mất hết số tiền đã đóng?... Lời giải đáp cũng nhanh chóng đến từ Giám đốc BHXH huyện Yên Thành- chị Hoàng Thị Chín, khiến ai nấy đều hài lòng.
Niềm vui cũng đến ngay khi kết thúc hội nghị, với 294 người dân đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, cùng hơn 200 người cho biết sẽ tham gia sau đó... Vậy nhưng, đây vẫn chưa phải là kỷ lục của BHXH huyện Yên Thành, bởi tại hội nghị tương tự diễn ra cách nay tròn một năm, đơn vị này đã thu hút tới 446 người tham gia BHXH tự nguyện ngay tại hội nghị. Đó cũng là lần đầu tiên BHXH huyện tham mưu cho UBND huyện chủ trì tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tuyến với sự tham dự của 932 người dân.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoàng Thị Chín cho biết: “Yếu tố quan trọng nhất để thành công là sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với cơ quan BHXH trong triển khai chính sách. Điều đó cũng giúp nâng cao uy tín của ngành BHXH, tăng niềm tin của người dân về chính sách an sinh xã hội…”. Từ đề nghị của BHXH huyện, hội nghị trực tuyến ngày 15/7/2021 đã được UBND huyện đứng ra chủ trì. Tại điểm cầu 39 xã, ngoài đại diện chính quyền, còn có các đơn vị, đoàn thể, nhân viên đại lý thu và 732 người dân được mời tham dự...
Một đại lý thu ở Yên Thành rà soát lại sổ BHXH tự nguyện trước khi trao cho người dân
Có thể thấy, sự lan tỏa thông tin không dừng ở hội nghị trực tuyến này, bởi niềm tin của người dân đã nhân lên khi không chỉ được tiếp cận thông tin từ ngành BHXH Việt Nam mà còn được trực tiếp đối thoại với đại diện chính quyền và các ban, ngành liên quan. Ngay tại hội nghị, ông Hoàng Danh Truyền- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã nhấn mạnh: “Các chỉ tiêu nâng cao độ bao phủ BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện là một trong những tiêu chí quan trọng tiến tới đạt huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Đặc biệt, nhân tố quan trọng tạo nên những thành tựu thực hiện chính sách thời gian qua là sự tích cực của BHXH huyện trong tham mưu và sáng tạo trong công tác tuyên truyền…”.
“Bám làng, bám dân” để mở rộng BHXH tự nguyện
Tính đến cuối tháng 6, huyện Yên Thành có 16.383 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 1.999 người tăng mới, dẫn đầu Nghệ An cả về số người tham gia cũng như số tăng mới trong 6 tháng qua. Theo dự kiến, cuối năm 2021, Yên Thành sẽ cán đích 20.000 người tham gia BHXH tự nguyện, vượt mức kế hoạch được giao. Đây không phải chỉ tiêu quá cao, bởi trước đó, địa phương này đã làm “dậy sóng” phong trào tham gia BHXH tự nguyện, khi năm 2018 có 3.051 người tham gia mới, năm 2019 tăng thêm 5.361 người và năm 2020 tăng thêm 5.859 người. Trong khi đó, năm 2016 chỉ có chưa đầy 200 người và năm 2017 chỉ có 561 người tham gia.
“Phải bám làng, bám dân để tuyên truyền thì mới phát triển được BHXH tự nguyện”- Giám đốc Hoàng Thị Chín chia sẻ. “Dấu ấn lịch sử” của chủ trương này bắt đầu từ sự kiện nhỏ hồi tháng 7/2017, khi chị Chín nhận lời về Chi hội Phụ nữ xóm Văn Yên (xã Văn Thành) thuyết phục 7 người dân đang chần chừ đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Tối hôm đó, cuộc trò chuyện được tổ chức tại Nhà Văn hóa xóm đã mang lại hiệu quả bất ngờ: Gần 20 người đăng ký tham gia ngay sau khi “nghe O Chín nói chuyện”. Trong đó, một phụ nữ thuộc diện cận nghèo quyết định tham gia để sau này “con không nặng gánh”; một người đàn ông mong muốn “tự mình lo được tiền hòm, con cái không phải vất vả khi lo chuyện trăm tuổi cho cha”... Những câu chuyện rất đời, rất gần gũi ấy sau đó tiếp tục được chia sẻ tại xã Phúc Thành...
Chị Hoàng Thị Chín tư vấn, vận động bà con nông dân tham gia
Quyết định nhân rộng cách tiếp cận này, chị Chín mạnh dạn triển khai thành chiến lược tuyên truyền của BHXH huyện. Theo đó, các hội nghị truyên truyền không chỉ thực hiện tại trụ sở UBND xã mà ngay tại Nhà Văn hóa thôn, xóm; không chỉ vào ban ngày mà bất kỳ thời gian nào phù hợp. Từ năm 2017 đến nay, đã có hàng trăm cuộc tuyên truyền, đối thoại được thực hiện tại cơ sở, do BHXH huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện. Có những địa điểm ở xa phải đi đường rừng hàng chục km như xóm Động Cầu (xã Lăng Thành), đến hơn 23h đội tuyên truyền của BHXH huyện mới trở về nhà; những hội nghị tổ chức trong giai đoạn dịch COVID-19 giới hạn 15-20 người tham gia và ngồi giãn cách ngoài sân Nhà Văn hóa cũng đủ thắp lên nhiệt huyết của những tuyên truyền viên BHXH...
Yên Thành cũng mở rộng lực lượng cộng tác viên đại lý thu đến tận các xóm trưởng, khối trưởng, chi hội trưởng nông dân và chi hội trưởng phụ nữ với gần 2.000 người. “Đây là lực lượng gần dân, hiểu dân nhất và thực hiện được phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà…”- chị Hoàng Thị Chín lý giải. Theo chị Chín, càng về với dân, những người làm chính sách càng có thêm nhiều câu chuyện sinh động cùng những sáng kiến nâng cao tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện một cách bền vững.
Vì vậy, từ năm 2017, đối tượng ưu tiên đầu tiên trong các hội nghị tuyên truyền tại Yên Thành chính là thân nhân của cán bộ xã, thị trấn, cộng tác viên của các đại lý thu- qua đó củng cố thêm niềm tin của người dân. Năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, BHXH huyện Yên Thành đã khảo sát tại một số trường học, từ đó phối hợp tuyên truyền, vận động các thầy cô giáo tham gia BHXH tự nguyện cho thân nhân của mình...
Chị Chín bảo: “Nhiều bà con khen O Chín nói hay quá, mình lý giải là vì chính sách BHXH tự nguyện rất hay, rất thiết thực với người dân. Tiếc rằng, ở nhiều nơi người dân còn thiếu thông tin, có những người không thiếu tiền nhưng họ không nắm bắt được những chủ trương về BHXH tự nguyện. Đối với BHXH huyện Yên Thành, tuyên truyền đến người dân không chỉ hướng đến mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ, mà còn là mong muốn vì người dân, vì một chính sách hay cần được lan tỏa…”.
Lương Minh