Bi kịch tuổi già ở Nhật Bản

Thứ Tư, 19 /02/2025 20:33

Từ các phòng, những người cao tuổi lưng còng da nhăn nheo bước chậm rãi ra hành lang. Một số người thậm chí phải dùng xe vịn để di chuyển. Nhân viên giúp họ tắm rửa, ăn uống, đi lại và uống thuốc.

Đó không phải là cảnh tượng ở một nhà dưỡng lão mà là ở một nhà tù lớn nhất dành cho phụ nữ tại Nhật Bản. Những gì đang diễn ra nơi đây phần nào phản ánh xã hội đang già hóa bên ngoài và tình trạng sống cô đơn đang rất phổ biến. Và vấn đề đang trở nên nghiêm trọng đến mức nhiều tù nhân nữ cho biết họ muốn ở lại trại giam đến hết đời.

"Thậm chí có những người nói rằng họ sẽ trả 20.000 hoặc 30.000 yen (130-190 USD) mỗi tháng (nếu có thể) để sống ở đây mãi mãi", Takayoshi Shiranaga- một sĩ quan tại Nhà tù dành cho Phụ nữ Tochigi ở phía Bắc Tokyo, cho biết. Khi được hỏi, một tù nhân 81 tuổi tên Akiyo chia sẻ rằng có "rất nhiều người tốt" ở nơi này và "có lẽ đây là cuộc sống ổn định nhất" đối với bà.

Những người sống sau song sắt phải làm việc trong các nhà máy của trại giam nhưng đối với nhiều tù nhân, điều đó lại rất ổn. Họ được ăn uống điều độ, được chăm sóc sức khỏe và chăm sóc tuổi già miễn phí, và có được sự đồng hành mà bên ngoài họ thiếu vắng.

Một tù nhân khác là Yoko, 51 tuổi, phải ngồi tù vì 5 lần phạm các tội liên quan đến ma túy trong 25 năm qua. Mỗi lần trở lại phòng giam, bà lại thấy các tù nhân đang già đi. "(Một số người) cố tình làm điều xấu để bị bắt và được vào tù lần nữa, nếu họ không còn tiền nữa", Yoko phản ánh.

Cụ Akiyo hiểu quá rõ gánh nặng của cô đơn và nghèo khổ. Đây là lần thứ 2 cụ vào trại giam, sau lần đầu phải ngồi tù ở tuổi 60 vì trộm thức ăn. "Nếu tôi ổn định về tài chính và có cuộc sống thoải mái thì chắc chắn tôi không làm như thế", cụ tâm sự.

Trộm cắp là tội phổ biến nhất mà các tù nhân lớn tuổi ở Nhật Bản phạm phải, đặc biệt là phụ nữ. Theo số liệu của chính phủ, năm 2022, hơn 80% tù nhân nữ lớn tuổi trên toàn nước này bị tống giam vì ăn trộm. Một số làm vậy để sống qua ngày- 20% số người trên 65 tuổi ở Nhật Bản sống trong cảnh nghèo, theo OECD, so với mức trung bình 14,2% ở 38 quốc gia thành viên của tổ chức này. Những người khác làm vậy vì họ chẳng còn gì để mất ở bên ngoài. Một số bị bệnh có thể được điều trị y tế miễn phí trong thời gian ở tù, nhưng sau khi ra tù, họ phải tự trả tiền nên không ít người muốn ở tù lâu nhất có thể.

Trên toàn Nhật Bản, số tù nhân từ 65 tuổi trở lên đã tăng gần 4 lần từ năm 2003 đến 2022 và điều này đã làm thay đổi bản chất của việc giam giữ. Một phần vấn đề đối với các cựu tù nhân là thiếu sự hỗ trợ khi họ tái hòa nhập với xã hội. "Ngay cả sau khi được thả và trở lại với cuộc sống, họ vẫn không có ai chăm sóc. Cũng có những người bị gia đình bỏ rơi sau nhiều lần phạm tội, và họ không còn nơi nào để về", Megumi - một nhân viên quản tù tại Tochigi cho biết. 

Bộ Phúc lợi cho biết hồi năm 2021 rằng các tù nhân cao tuổi nhận được sự hỗ trợ sau khi mãn hạn tù ít có khả năng tái phạm so với những người không nhận được hỗ trợ. Bộ này cho biết đã tăng cường các nỗ lực can thiệp sớm và mở thêm các trung tâm hỗ trợ cộng đồng để trợ giúp tốt hơn cho người cao tuổi. Bộ Tư pháp cũng triển khai các chương trình cho tù nhân nữ, cung cấp hướng dẫn về cuộc sống tự lập, phục hồi sau khi nghiện ma túy, và cách điều hướng các mối quan hệ gia đình. Chính phủ Nhật Bản đang xem xét một số đề xuất để giúp người cao tuổi có thể tiếp cận các chế độ trợ cấp về nhà ở.

Tuy nhiên, không rõ như vậy có đủ để giải quyết vấn đề ở một quốc gia hiện đang nằm trong những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Hoàng Dương