Cần giải pháp đột phá tại từng địa phương để mở rộng người tham gia BHXH, BHYT
Ngày 27/8/2024, tại Nghệ An, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị đôn đốc, hướng dẫn triển khai giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT các tháng cuối năm 2024. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam (Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ, Trung tâm Công nghệ thông tin, Thanh tra BHXH Việt Nam); Lãnh đạo BHXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện của 6 địa phương (Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam); đại diện một số Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT... Sự kiện nằm trong chuỗi Hội nghị được BHXH Việt Nam tổ chức với BHXH các địa phương trên toàn quốc trong tháng 8/2024, nhằm chủ động nắm bắt tình hình, đôn đốc triển khai thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia và hướng dẫn nghiệp vụ các địa phương; tìm giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã đặt ra trong năm 2024.
Theo ước tính của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2024, toàn quốc ước đạt được số người tham gia BHXH là 18,742 triệu người, tăng 8,79% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó, BHXH bắt buộc là 16,889 triệu người, tăng 6,83% so với cùng kỳ năm 2023; BHXH tự nguyện là 1,852 triệu người, tăng 30,65% so với cùng kỳ năm 2023). Số người tham gia BH thất nghiệp ước đạt 15,175 triệu người, tăng 7,61% so với cùng kỳ năm 2023; và số người tham gia BHYT ước đạt 92,972 triệu người, tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2023. Tương ứng, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của toàn Ngành ước thực hiện đến hết tháng 8/2024 đạt 333.029 tỷ đồng, tăng 36.468 tỷ đồng (tương đương 12,3%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kết quả thực hiện tháng 8/2024 là 44.909 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2024, dù đang có yếu tố phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của DN và đời sống người dân, nếu không có giải pháp tích cực, BHXH các địa phương sẽ khó đạt được mục tiêu tăng độ bao phủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mà BHXH Việt Nam đã đặt ra. Năm 2024, BHXH Việt Nam đặt ra mục tiêu tỷ lệ LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 42,7%. Tỷ lệ LLLĐ trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp khoảng 34,18%. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 94,11%...
Nhấn mạnh “nhiệm vụ của những tháng còn lại là hết sức nặng nề và cần phải có những giải pháp đột phá”, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị BHXH các địa phương chia sẻ kết quả đạt được, đi sâu vào kinh nghiệm, giải pháp triển khai hiệu quả trên địa bàn. Các vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội nghị sẽ giúp BHXH Việt Nam nắm bắt được tình hình, từ đó chỉ ra hạn chế, vướng mắc và giải pháp phù hợp với thực tế tại từng địa phương hướng tới hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ chính trị được giao năm 2024.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo BHXH các địa phương báo cáo kết quả đạt được trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong các tháng đầu năm và giải pháp cụ thể những tháng cuối năm 2024 sẽ được triển khai tại địa phương. Theo đó, các chỉ tiêu về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT các tháng đầu năm 2024 của các tỉnh cơ bản tăng so với cùng kỳ năm 2023 với nhiều giải pháp đã được BHXH các địa phương triển khai hiệu quả. Cơ quan BHXH đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu BHXH, BHYT vào Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội hằng năm; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ cấp tỉnh đến cấp xã; tham mưu chính quyền địa phương ban hành chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình từ các nguồn lực của địa phương...
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một số khó khăn khiến nhiều địa phương chưa đạt được hiệu quả cao nhất từ nhóm đối tượng tiềm năm. Cụ thể như BHXH tỉnh Nghệ An cho biết, hiện việc rà soát lao động để triển khai các giải pháp phát triển người tham gia BHXH bắt buộc qua tổ chức hội nghị và làm việc trực tiếp tại địa phương này gặp nhiều khó khăn, như dữ liệu thuế không đầy đủ thông tin, nhiều trường hợp dữ liệu kê khai thuế ban đầu không chính xác thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh…; danh sách NLĐ do cơ quan thuế cung cấp chủ yếu là lao động thời vụ, có thỏa thuận bằng miệng, một số trường hợp NLĐ đã nghỉ hưu, nghỉ việc; đã đóng BHXH ở nơi khác; hoặc đã tham gia BHXH tại đơn vị nhưng đã nghỉ việc trước đó…; các đơn vị chưa tham gia BHXH chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, ít lao động, chỉ đăng ký thuế mà không có văn phòng đại diện. Một số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao nhưng chưa đạt tỷ lệ bao phủ BHYT theo quy định tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ...
Ghi nhận những nỗ lực mà BHXH các địa phương đã đạt được thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu Ban Thu-Quản lý Sổ, thẻ tổng hợp kết quả tổ chức phát triển đối tượng theo nghị quyết của Đảng, UBND, HĐND các cấp, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong 9 tháng đầu năm. Yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong đó bao gồm các chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia và phấn đấu giảm số tiền chậm đóng BHXH trên cơ sở. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt nhấn mạnh việc ngăn ngừa các rủi ro, bảo đảm quyền lợi NLĐ, Phó Tổng Giám đốc lưu ý BHXH các địa phương tuân thủ quy trình phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc được BHXH Việt Nam hướng dẫn tại Công văn 2236/BHXH- TST ngày 16/8/2022 và Công văn 3165/BHXH-TST ngày 2/10/2023. Kiểm soát chặt chẽ việc xác nhận tiền đóng, triển khai biên lai điện tử đối với Tổ chức dịch vụ thu theo đúng quy định; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn nhân viên thu, cán bộ làm công tác bảo hiểm tại đơn vị SDLĐ, đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng thực hiện nghiệp vụ thu BHXH, BHYT; phối hợp với tổ chức dịch vụ triển khai thực hiện cấp mã xác nhận cho người tham gia. Đối với công tác thu hồi số tiền chậm đóng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; thanh tra, kiểm tra đột xuất; linh hoạt về phương pháp triển khai...
Thái An
- HSSV tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm được NSNN hỗ trợ
- Lấy cảm hứng từ sự ưu việt của Đề án 06 để triển khai quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi số
- Khai mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phân cấp, phân quyền đi đôi với việc phân bổ nguồn lực
- Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực y tế