Dấu mốc quan trọng trong xây dựng tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT
Thay đổi mô hình phân tán sang tập trung thống nhất
Sau 50 năm tổ chức thực hiện chính sách BHXH theo mô hình phân tán, căn cứ Bộ luật Lao động năm 1994, ngày 16/2/1995, Chính phủ ban hành Nghị định 19-CP về việc thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý quỹ BHXH và thực hiện các chế độ, chính sách BHXH theo pháp luật của Nhà nước.
Nghị định này cũng quy định việc thành lập Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam. Các thành viên của Hội đồng quản lý gồm: đại diện có thẩm quyền của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Châu (đứng) trong một buổi làm việc cùng lãnh đạo BHXH một số tỉnh, thành phố (ảnh tư liệu)
Thực hiện Nghị định 19/CP, sau thời gian chuẩn bị khẩn trương, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng tiếp nhận bàn giao nhiệm vụ, tổ chức nhân sự BHXH của hệ thống Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ổn định bộ máy tổ chức và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ngày 26/9/1995, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 606/TTg ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của BHXH Việt Nam. Theo Quyết định này, BHXH Việt Nam được tổ chức thành hệ thống 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Tại cơ quan BHXH Việt Nam có 8 tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc, gồm: Ban Quản lý chế độ chính sách BHXH; Ban Quản lý thu BHXH; Ban Quản lý chi BHXH; Ban Kiểm tra- Pháp chế; Ban Kế hoạch- Tài chính; Ban Tổ chức Cán bộ; Văn phòng và Trung tâm Thông tin- Khoa học.
Trong giai đoạn đầu thành lập, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận 4.037 cán bộ, công chức, viên chức từ ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động và một số ngành khác chuyển sang. Năm 1995, bộ máy của BHXH Việt Nam đã được hình thành theo hệ thống 3 cấp: Cấp Trung ương là BHXH Việt Nam; 53 đơn vị BHXH cấp tỉnh; 514 BHXH cấp huyện. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đã bổ nhiệm 53 Giám đốc và 64 Phó Giám đốc BHXH cấp tỉnh; 514 Giám đốc và 156 Phó Giám đốc BHXH cấp huyện. |
Hệ thống BHYT Việt Nam
Từ cuối năm 1998, theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP, BHYT Việt Nam chính thức được tổ chức và quản lý theo hệ thống tập trung, thống nhất theo 3 cấp: Ở Trung ương, BHYT Việt Nam trực thuộc Bộ Y tế; ở cấp tỉnh là BHYT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và BHYT ngành trực thuộc BHYT Việt Nam; ở cấp huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh tổ chức thành chi nhánh BHYT trực thuộc BHYT cấp tỉnh. Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống; hạch toán độc lập với ngân sách nhà nước và được Nhà nước bảo hộ.
Hội đồng quản lý BHYT Việt Nam là cơ quan quản lý, giám sát hoạt động của BHYT Việt Nam, bao gồm các thành viên là đại diện có thẩm quyền của các Bộ: Y tế, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHYT Việt Nam.
Sau gần 10 năm hoạt động, đến hết năm 2001, hệ thống BHYT Việt Nam có gần 3.000 cán bộ, công chức, viên chức.
Hợp nhất bộ máy tổ chức Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khoá VIII và Chương trình Tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ giai đoạn 2001- 2010, ngày 24/1/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển giao tổ chức bộ máy và nhiệm vụ thực hiện chính sách BHYT từ BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Đây là quyết định mang tính bước ngoặt, thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo dựng hệ thống BHXH và BHYT tập trung, thống nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu và bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế.
Ngày 6/12/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT và quản lý quỹ BHXH, quỹ BHYT theo quy định của pháp luật. So với trước, các nhiệm vụ của BHXH Việt Nam được quy định cụ thể hơn, với 19 nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu. Ngoài việc đảm bảo các chế độ BHXH cho người lao động, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận thêm tổ chức, nhiệm vụ thực hiện chế độ BHYT cho các đối tượng tham gia BHYT; quản lý thu- chi quỹ BHYT. Hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam vẫn gồm 3 cấp, tuy nhiên cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam ở Trung ương được tăng từ 8 tổ chức giúp việc lên 17 đơn vị, gồm: Ban Chế độ, chính sách BHXH; Ban Kế hoạch- Tài chính; Ban Thu BHXH; Ban Chi BHXH; Ban BHXH tự nguyện; Ban Giám định y tế; Ban Tuyên truyền BHXH; Ban Hợp tác quốc tế; Ban Tổ chức cán bộ; Ban Kiểm tra; Văn phòng; Trung tâm nghiên cứu khoa học BHXH; Trung tâm Công nghệ thông tin; Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ BHXH; Trung tâm Lưu trữ; Báo BHXH và Tạp chí BHXH. Bộ máy giúp việc Giám đốc BHXH cấp tỉnh có 8 phòng nghiệp vụ. Riêng BHXH TP.Hà Nội và BHXH TP.Hồ Chí Minh có số người tham gia BHXH, BHYT lớn nên có 10 phòng chuyên môn nghiệp vụ trực thuộc.
Cũng theo Nghị định số 100/2002/NĐ-CP, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam gồm đại diện lãnh đạo của Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Thành viên Hội đồng quản lý đại diện cho cơ quan mình tham gia vào công tác của Hội đồng quản lý, thảo luận, biểu quyết về các công việc của Hội đồng quản lý.
Đến năm 2002, toàn Ngành có 61 đơn vị BHXH cấp tỉnh và 612 đơn vị BHXH cấp huyện. Tính đến cuối năm 2004, sau khi một số tỉnh được chia tách theo Nghị quyết số 22 ngày 26/11/2003 của Quốc hội, toàn Ngành có 64 đơn vị BHXH cấp tỉnh và 656 đơn vị BHXH cấp huyện, với gần 12.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 0,5% có trình độ trên đại học; 70% có trình độ đại học và cao đẳng; 19% có trình độ trung cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. |
- Những bước tiến ngoạn mục sau 30 năm thành lập
- BHXH tỉnh Hải Dương: 30 năm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
- Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
- Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
- Từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân