Đổi mới chính sách BHXH, BHYT đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Từ năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế từng bước chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước; quan hệ lao động theo cơ chế mới cũng từng bước được hình thành, đòi hỏi phải có sự đổi mới về chính sách BHXH.
Trước những yêu cầu khách quan đó; đồng thời để cụ thể hóa định hướng tại Đại hội VII (năm 1991) và những quy định trong Hiến pháp 1992, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa IX đã thông qua Bộ luật Lao động (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1995), trong đó có 1 chương về BHXH. Bộ luật Lao động đã chính thức quy định việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH; hình thành quỹ BHXH độc lập với ngân sách nhà nước, từ sự đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước; thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý quỹ BHXH và thực hiện các chế độ BHXH...
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng chủ trương “Đổi mới chính sách BHXH"
Căn cứ các quy định của Bộ luật Lao động, ngày 26/1/1995, Điều lệ BHXH chính thức được ban hành kèm theo Nghị định 12/CP của Chính phủ, áp dụng đối với công chức, viên chức, người lao động trong khối hành chính sự nghiệp, các cơ quan Đảng, đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước; người lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cũng trong năm 1995, Chính phủ tiếp tục ban hành Điều lệ BHXH áp dụng đối với lực lượng vũ trang (kèm theo Nghị định 45/CP ngày 15/7/1995).
Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH tới tất cả người lao động làm công ăn lương trong các đơn vị, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế, một trong những đổi mới căn bản của chính sách BHXH từ thời điểm này là hình thành quỹ BHXH trên cơ sở đóng góp của 3 bên: người sử dụng lao động, người lao động với sự bảo hộ của Nhà nước, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, thay vì phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào ngân sách như trong giai đoạn trước. Điều 42 Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định 12/CP cũng quy định: Chính phủ thành lập hệ thống tổ chức BHXH thống nhất để quản lý quỹ và thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH theo quy định của pháp luật đối với người lao động. |
Sau một thời gian thực hiện, 2 Điều lệ BHXH đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung (năm 1998 và năm 2003) cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2001/QĐ-TTg ngày 21/3/2001 về việc nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động tham gia BHXH. So với quy định trước đó, chính sách BHXH trong thời gian này có một số thay đổi cơ bản, trong đó đối tượng tham gia BHXH được mở rộng đến doanh nghiệp sử dụng 1 lao động trở lên (áp dụng từ năm 2003); bổ sung chế độ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe đối với người lao động, bên cạnh 5 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất…
Cũng trong thời gian này, căn cứ Hiến pháp 1992 và Bộ luật Lao động 1994, tỉnh Nghệ An đã thành lập BHXH nông dân. Việc thực hiện BHXH cho nông dân tại Nghệ An từ năm 1998 là một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc ra đời BHXH tự nguyện trong thời gian sau này, nhằm tạo cơ hội cho người lao động khu vực phi chính thức, trong đó có nông dân, được tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Những định hướng lớn về hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) của Đảng đã nêu rõ định hướng: “Thực hiện và hoàn thiện chế độ BHXH, bảo đảm đời sống người nghỉ hưu được ổn định, từng bước cải thiện”. Đặc biệt là đã đề ra nhiệm vụ “Xây dựng Luật BHXH”. Cùng với đó, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 1996- 2000 được thông qua tại Đại hội VIII cũng xác định việc “Mở rộng chế độ BHXH đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế, áp dụng bắt buộc đối với các cơ quan, các doanh nghiệp. Tổ chức quản lý và sử dụng tốt các quỹ bảo hiểm; bảo đảm đời sống của người nghỉ hưu”. Đến năm 2001, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đề ra mục tiêu “Khẩn trương mở rộng hệ thống BHXH và an sinh xã hội. Sớm xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm đối với người lao động thất nghiệp”. Nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn 2001-2005 là “Cải cách cơ chế BHXH và bảo đảm xã hội, cải cách và tăng cường chất lượng hệ thống BHXH... Ban hành Luật BHXH”; còn trong giai đoạn 2001-2010 là “Từng bước mở rộng vững chắc hệ thống bảo hiểm và an sinh xã hội. Tiến tới áp dụng chế độ bảo hiểm cho mọi người lao động, mọi tầng lớp nhân dân”. |
Để đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn; đồng thời giải quyết những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách cũng như công tác quản lý, điều hành, ngày 13/8/1998, Chính phủ đã ban hành Điều lệ BHYT kèm theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP thay thế Điều lệ ban hành kèm theo Nghị định 299 ngày 15/8/1992 và Điều lệ sửa đổi ban hành theo Nghị định 47/CP ngày 6/6/1994. Điều lệ này có nhiều điểm mới, như: mở rộng một số nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc; bổ sung quy định về BHYT tự nguyện; quy định thực hiện phương thức cùng chi trả chi phí KCB BHYT theo tỷ lệ; mở rộng thêm quyền lợi cho người tham gia BHYT khi KCB…
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, Điều lệ BHYT ban hành kèm theo Nghị định 58/1998/NĐ-CP cũng bộc lộ một số bất cập, như: một số nhóm đối tượng thuộc diện phải tham gia BHYT bắt buộc chưa được quy định; đối tượng tham gia BHYT tự nguyện mới chỉ dừng lại ở học sinh, sinh viên mà chưa mở rộng sang những nhóm đối tượng khác; chưa quy định rõ phạm vi quyền lợi mà người tham gia BHYT được hưởng trong khi khoa học công nghệ trong y học phát triển rất nhanh; trách nhiệm cùng chi trả (20%) chỉ thực hiện được ở một số đối tượng là những người có mức đóng góp cao nhưng lại ít sử dụng dịch vụ y tế, không bình đẳng giữa các nhóm đối tượng...
Để giải quyết những bất cập trên, ngày 16/5/2005, Chính phủ đã ban hành Điều lệ BHYT kèm theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP thay thế Điều lệ BHYT ban hành kèm theo Nghị định 58/1998/NĐ-CP. Tại Điều lệ này, đối tượng tham gia đã được quy định rộng hơn, bao gồm mọi thành viên trong xã hội không phân biệt giới tính, tuổi tác, khu vực làm việc, hình thức phát sinh quan hệ lao động... Quyền lợi của người tham gia BHYT cũng được mở rộng như bỏ quy định đồng chi trả; thanh toán chi phí vận chuyển vượt tuyến đối với một số đối tượng cần hỗ trợ; tăng mức thanh toán với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo yêu cầu... Đặc biệt, đã chuyển hình thức hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho đối tượng người nghèo từ “thực thanh, thực chi” sang cấp thẻ BHYT. Quỹ BHYT là quỹ thành phần của quỹ BHXH, được quản lý tập trung, thống nhất, dân chủ và công khai theo quy chế quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam.
Một số quan điểm, chủ trương của Đảng về BHYT “Tăng đầu tư của Nhà nước kết hợp với tạo thêm nguồn kinh phí khác cho y tế như phát triển bảo hiểm, mở rộng hợp tác quốc tế”; “Đa dạng hoá các loại hình BHYT. Xoá bỏ sự phân biệt giữa khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm và theo chế độ thu phí dịch vụ”. (Trích văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng- năm 1996) “Thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe; đổi mới cơ chế và chính sách viện phí; có chính sách trợ cấp và BHYT cho người nghèo, tiến tới BHYT toàn dân”; Đổi mới cơ chế, chính sách viện phí; mở rộng y tế tự nguyện, tiến tới BHYT toàn dân”. (Trích văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng- năm 2001) “Phát triển BHYT toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo…”. (Trích Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới) |
- Những bước tiến ngoạn mục sau 30 năm thành lập
- BHXH tỉnh Hải Dương: 30 năm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
- Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
- Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
- Từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân