Ethiopia: Tỷ lệ nghèo giảm đáng kể xuống 30% nhờ nông nghiệp bền vững
Habte Yiheyis vừa là một linh mục, vừa là một nông dân. Nhờ tham gia vào dự án của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) tại Ethiopia, ông nhận được cây giống mơ, mận, hạnh nhân và táo. Kể từ đó, ông bắt đầu thu hoạch được sản lượng nông sản lớn hơn, tạo ra 7.500 Birr (đơn vị tiền tệ của Ethiopia) mỗi tháng.
Ethiopia hiện vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất toàn cầu mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm đáng kể, từ 44% (năm 2000) xuống 30% (năm 2011). Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Ethiopia từng có những thời điểm có mức độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, vì vậy mục tiêu đạt được vị thế thu nhập trung bình thấp vào năm 2025 mà quốc gia này đề ra có thể khả thi.
Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo, để đạt được vị thế thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, Ethiopia phải vượt qua một số thách thức như tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị cao và tỷ lệ đói nghèo đói nói chung tăng.
Ngoài ra, còn cần lưu ý đến các cuộc khủng hoảng về môi trường và biến đổi khí hậu; chẳng hạn, như sự xâm lấn của châu chấu, cùng điều kiện thời tiết bất lợi, đã làm mất mùa và gây ra lạm phát giá lương thực, thực phẩm. Hay đợt hạn hán năm 2022- đợt hạn hán được đánh giá là tồi tệ nhất trong nửa thập kỷ trở lại đây, đã góp phần gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người tính đến năm 2023.
Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường lao động, tăng cơ hội thụ hưởng giáo dục- đào tạo và ngăn chặn tác động của xung đột trong nước cũng rất quan trọng đối với Ethiopia để duy trì sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế.
Một kế hoạch bền vững
Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ và người dân, trong những năm qua, sự hỗ trợ từ nước ngoài có “tầm quan trọng sống còn” đối với Ethiopia. Và một trong những Tổ chức hoạt động tích cực nhất ở quốc gia này là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO). Là một đơn vị trực thuộc FAO, CPF tại Ethiopia đã tiến hành một loạt các cuộc tham vấn với Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Bộ Chăn nuôi và Tài nguyên Thủy sản, cùng nhiều cơ quan khác. Kết quả, các Bộ, cơ quan chức năng cùng nhau đưa ra một Kế hoạch 4 năm, có hiệu lực từ năm 2022 đến năm 2025, với các lĩnh vực ưu tiên: Đổi mới để sản xuất nông nghiệp bền vững; Dinh dưỡng an toàn; Hệ thống quản lý tài nguyên thiên nhiên và sản xuất nông nghiệp; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng xã hội; Giải quyết hiệu quả các vấn đề liên ngành.
Cụ thể, CPF thúc đẩy các phương pháp nông nghiệp mới để sản xuất cây trồng bền vững và khuyến khích phát triển các phương pháp chăn nuôi, đánh bắt cá bền vững. Bằng cách này tạo ra các hệ thống thích ứng với khí hậu để củng cố, tăng cường an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng tổng thể. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu cách tận dụng các vùng đất khô hạn và đảm bảo khả năng phục hồi hạn hán tốt hơn. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng xã hội, CPF đặt mục tiêu hỗ trợ hộ gia đình phát triển các nguồn thu nhập thay thế từ du lịch sinh thái; hỗ trợ các DN vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sữa, da thuộc, đồ da và ngũ cốc.
Những thành công bước đầu
Một trong những thành tựu mà CPF và FAO đạt được tại Ethiopia là trong lĩnh vực nông nghiệp. Bằng việc đưa ra Sáng kiến Vườn ươm trái cây trên toàn quốc, họ đã giúp tăng số lượng nông dân ở các địa phương, trồng và phân phối cây giống trái cây đến nhiều vùng xa, vùng cao. Vườn ươm đã lai tạo được tổng cộng 20.844 gốc ghép và 24.160 cây giống ghép. Ngoài ra, tạo cơ hội học tập trong lĩnh vực nông nghiệp, với 437 nông dân được đào tạo về các phương pháp thực hành như tưới tiêu và phương pháp trồng trọt bền vững.
Habte Yiheyis vừa là một mục sư, vừa là một nông dân. Nhờ tham gia vào dự án của CPF và FAO, anh nhận được cây giống mơ, mận, hạnh nhân và táo. Kể từ đó, ông bắt đầu thu hoạch được sản lượng nông sản lớn hơn, tạo ra 7.500 Birr (đơn vị tiền tệ của Ethiopia) mỗi tháng. Nguồn thu nhập này giúp Habte Yiheyis có thể “trang trải mọi chi phí cần thiết như đồ dùng học tập, đồng phục cho con cái, chăm sóc sức khỏe và các nhu cầu khác của gia đình”. Không chỉ vậy, anh còn truyền lại kiến thức và đào tạo, hướng dẫn cho 35 nông dân khác, đem lại cảm hứng tích cực cho những người xung quanh anh, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Như vậy, quan hệ đối tác chiến lược của Ethiopia với FAO đã đem lại một số thành tựu trong nông nghiệp bền vững và đa dạng hóa kinh tế. Tương lai, việc tiếp tục trao quyền cho cộng đồng địa phương sẽ đặt nền tảng để hình thành nên một nền kinh tế “toàn diện, kiên cường”, mở ra cơ hội hoàn thành mục tiêu đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2025.
Tùng Anh (Theo FAO)
- Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh
- Đài Loan: Nới lỏng quy định Chương trình INTENSE nhằm thu hút sinh viên Việt Nam, Indonesia, Philippines
- Thái Lan phát tiền cho người cao tuổi dịp Tết Nguyên đán
- UNICEF cảnh báo 3 yếu tố đe dọa tương lai trẻ em
- Các quốc gia OECD có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài