“Gánh nặng” mù lòa của Việt Nam

Thứ Sáu, 08 /11/2024 14:35

Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. “Gánh nặng” mù lòa ngày càng gia tăng đã trở thành vấn đề xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, dẫn tới nghèo đói.

Các nguyên nhân gây mù và thị lực là đục thủy tinh thể- đây vẫn là nguyên nhân chủ yếu với tỷ lệ 66,1%; bệnh lý đáy mắt (võng mạc đái tháo đường, võng mạc cao huyết áp, thoái hoá hoàng điểm, tắc tĩnh mạch võng mạc, bong võng…); bệnh glocom (nhóm bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt)… và tật khúc xạ.

Những năm gần đây, tật khúc xạ ở lứa tuổi thanh thiếu niên diễn biến phức tạp. Tỷ lệ mắc tật khúc xạ vào khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành phố. Riêng nhóm trẻ em từ 6-15 tuổi, có tới gần 15 triệu trẻ em mắc các tật khúc xạ; trong đó, có 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, 2/3 số đó bị cận thị. Tật khúc xạ gây khó khăn cho việc học tập, cũng như sinh hoạt đời thường của trẻ em, khiến kết quả học tập và sức khỏe giảm sút.

Điều đáng nói là theo nghiên cứu của Bộ Y tế công bố, trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được. Việc can thiệp phẫu thuật với chi phí không lớn có thể nhanh chóng mang lại ánh sáng cho người bệnh, song do nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tiếp cận cơ sở KCB nên phải chịu cảnh mù lòa. Với các các tật khúc xạ ở trẻ em, phụ huynh hạn chế cho con cái sử dụng thiết bị điện tử; học tập trong điều kiện ánh sáng tiêu chuẩn; tăng cường vui chơi ngoài trời. Cũng có thể nhắc nhở trẻ em tuân thủ Nguyên tắc 20-20-20: Sau 20 phút nhìn màn hình thiết bị điện tử, nghỉ ít nhất 20 giây và tập trung mắt vào một vật cách xa hơn 20 bộ (khoảng 6m).

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia Phòng, chống mù lòa giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030. Chiến lược đặt mục tiêu tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh mù lòa có thể phòng, chống được; phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân. Đặt mục tiêu năm 2030, Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4 người/1.000 dân (trong đó, giảm tỷ lệ mù lòa ở người trên 50 tuổi xuống dưới 12 người/1.000 dân); tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt trên 75%...

Thực tế cho thấy, khi mù lòa trở thành “gánh nặng”, sẽ gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bởi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dẫn tới nghèo đói, làm suy giảm sức khỏe tinh thần… của người mắc. Vì vậy, để Chiến lược Quốc gia Phòng, chống mù lòa giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030 thu lại hiệu quả, các cấp, ngành cần tăng cường quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức phòng, chống mù lòa; hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh mù lòa có thể phòng, chống được…

Tùng Anh