Hàng trăm triệu người trên khắp châu Á ăn mừng Tết Nguyên đán
Từ nghi lễ cầu nguyện tại các ngôi chùa ở Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan); đến việc dâng hương và múa lân sôi động ở Bắc Kinh (Trung Quốc)- hàng trăm triệu người trên khắp châu Á đón Tết Nguyên đán, mở ra năm Tỵ.
Tại Đài Loan, sáng mùng Một Tết, người dân ở mọi lứa tuổi đổ về các ngôi chùa để dâng lễ, bao gồm trái cây, bánh kẹo, mứt và các loại hạt. “Truyền thống của người Đài Loan vào đầu năm là đi chùa và cầu nguyện để năm mới gặp nhiều điều may mắn hơn. Năm nay tôi không cầu xin điều gì cụ thể, chỉ cần có một năm suôn sẻ, bình an, an toàn và khỏe mạnh. Tóm lại, cầu mong mọi việc đều tốt đẹp”- Cô Trần Tĩnh Nguyên, 36 tuổi, cho biết. Cô Trần cho biết thêm, cô cùng mẹ cô chọn xuất hành đến Long Sơn Tự ở Quận Vạn Hoa (Đài Bắc, Đài Loan) vào ngày đầu tiên của năm mới.
Biểu diễn múa lân tại một khách sạn vào Tết Nguyên đán ở Đài Bắc (Đài Loan)
Không chỉ muốn đến chốn tâm linh để cầu nguyện, một số người còn cho biết, họ mong được đến nơi mình dự định đã lâu mà chưa đi được. Một số người khác nói họ dậy rất sớm để trở thành người đầu tiên thắp hương cầu nguyện, tin tưởng việc này sẽ đạt thành mọi nguyện vọng. “Tôi không muốn khi về già phải hối tiếc, nên tôi quyết định thực hiện chuyến đi đến Phúc Hưng Cung (một địa danh tại Tây Loa Trấn, huyện Vân Lâm, Đài Loan-ND) vào dịp năm mới”- ông Cao Minh Thuận chia sẻ.
Ở Trung Quốc, dịp Tết Nguyên đán 2025, người dân được nghỉ lễ liên tiếp 08 ngày- đây là cơ hội để cùng nhau ăn uống, tham dự các buổi trình diễn nghệ thuật truyền thống và xem bắn pháo hoa. Trước đó, các sân bay và nhà ga xe lửa trên khắp cả nước chật cứng trong nhiều tuần, khi hàng triệu người trở về quê để đón kỳ nghỉ lễ cùng người thân trong cuộc di cư thường niên (Xuân Vận) được dự đoán sẽ đạt kỷ lục về số lượt di chuyển. Các ngôi chùa và công viên ở Bắc Kinh dịp đầu năm chật kín người, bất chấp thời tiết giá lạnh, mọi người đổ về để tạm biệt Năm Rồng bằng lời cầu nguyện và những vũ điệu dân tộc.
Màn biểu diễn múa lân tại Đông Nhạc Miếu (Bắc Kinh, Trung Quốc)
Các con phố chính, trung tâm mua sắm, văn phòng và nhà ở được trang hoàng bằng cờ, băng rôn đỏ rực rỡ trên khắp nhiều nơi ở Đông Á và Đông Nam Á, bao gồm các quốc gia Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam và Thái Lan.
Tại Bangkok (Thái Lan), người dân và du khách đổ về Wat Mangkon Kamalawat, ngôi chùa Phật Giáo được coi là linh thiêng nhất Thủ đô. Được xây dựng vào năm 1871 bởi những người nhập cư từ miền Nam Trung Quốc, ngôi chùa đã 154 năm tuổi, đến nay vẫn là địa điểm thờ cúng quan trọng của cộng đồng người Thái gốc Hoa.
Mọi người thắp hương vào dịp Tết Nguyên đán tại một ngôi chùa Phật Giáo ở Bangkok (Thái Lan)
Bà Sasakorn Udomrat, 56 tuổi, đã đến Wat Mangkon Kamalawat trong 8 năm liên tiếp trở lại đây: “Tôi có nhiều người bạn, họ hàng nói rằng ngôi chùa này rất linh thiêng. Tôi không cầu xin điều gì cụ thể, chỉ cầu xin sức khỏe tốt”.
Một người vãn chùa khác là Nawarat Yaowanin, 42 tuổi, cho biết: "Theo phong thủy, 2025 là năm có nhiều thay đổi đối với tôi; vì vậy, tôi đến đây để tỏ lòng thành kính và hy vọng xua đuổi vận rủi”.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)
- Trung Quốc: Nghệ thuật múa lân- sư- rồng truyền thống đã chào đón nghệ sĩ biểu diễn nữ
- Khủng hoảng bụi mịn: Thái Lan trang bị phòng đặc biệt cho các nhà hàng
- Đài Loan: Giúp đỡ người lao động nước ngoài thích nghi với phong tục Tết Nguyên đán ở địa phương
- Trung Quốc nới lỏng chính sách miễn thị thực
- Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động khẩn cứu các sông băng