Khủng hoảng bụi mịn: Thái Lan trang bị phòng đặc biệt cho các nhà hàng
Bộ Y tế Thái Lan đã lên kế hoạch tăng số lượng nhà hàng có phòng chống bụi trên toàn quốc trong vòng 3 tháng tới, giữa bối cảnh đất nước Đông Nam Á này phải chiến đấu với khủng hoảng bụi mịn PM2.5.
Hiện nay Thái Lan có tổng cộng 234 nhà hàng ở 9 tỉnh đã được trang bị phòng chống bụi. Bộ Y tế Thái Lan đặt mục tiêu tăng số lượng nhà hàng thuộc diện này nhằm đem đến nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng có vấn đề về sức khỏe. Sau đó, chương trình sẽ tập trung vào đào tạo cho các nhà quản lý nhà hàng ở Phuket và Chiang Mai.
Việc tạo phòng chống bụi trong các nhà hàng là một phần của sáng kiến rộng lớn hơn mà Bộ Y tế Thái Lan triển khai nhằm thiết lập không gian chống bụi ở nơi công cộng trước tình trạng ô nhiễm PM2.5 nghiêm trọng trong thời gian gần đây ở một số tỉnh. Bộ này cũng yêu cầu tất cả các bệnh viện tỉnh và bệnh viện đa khoa đều cung cấp cơ sở chống bụi cho bệnh nhân, đồng thời vận động các trường mẫu giáo, trường học cung cấp cơ sở vật chất chống bụi cho học sinh.
Phòng chống bụi tại Thái Lan phải đạt được 4 tiêu chí chính: Ngăn bụi từ bên ngoài xâm nhập vào phòng; ngăn bụi bám trên tường, vật liệu, thiết bị và bề mặt; loại bỏ các hạt bụi từ bên trong phòng; tránh các hoạt động tạo ra bụi mịn trong phòng, chẳng hạn như đốt hương hoặc hút thuốc.
Theo dữ liệu từ IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ, Bangkok nằm trong top những thành phố có chất lượng không khí tệ nhất thế giới, với khói mù độc hại tiếp tục ảnh hưởng đến Bangkok cùng nhiều tỉnh thành khác.
Cách đây ít ngày, chính quyền đô thị Bangkok đã tuyên bố 48/50 quận thủ đô là "vùng đỏ" (nguy hiểm cho sức khỏe), với mức độ bụi mịn PM2.5 trung bình là 88,4 µg/m³. Chính quyền cũng nhắc lại khuyến cáo tất cả người dân hãy làm việc tại nhà nếu có thể và tránh các hoạt động ngoài trời vào thời điểm này vì chúng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt khẳng định vấn đề ô nhiễm PM2.5 ở thủ đô chủ yếu là do khí thải, kết hợp với khói từ việc đốt rác thải ở các tỉnh lân cận và lưu thông không khí kém ở thủ đô.
Để khắc phục tình hình, Ủy ban quốc gia phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai Thái Lan đã ra lệnh cấm đốt trên toàn quốc, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương thực thi nghiêm ngặt và báo cáo tiến độ thường xuyên. Bộ Y tế Thái Lan cũng được yêu cầu sẵn sàng triển khai các đội y tế khẩn cấp để hỗ trợ nhóm có nguy cơ cao, bao gồm trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ mang thai, bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp và tim mạch.
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chính phủ Thái Lan đã khuyến nghị người dân hạn chế đốt vàng mã, thắp nhang và thay thế bằng các phương thức như hương điện hoặc đốt vàng mã trực tuyến.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy ô nhiễm không khí khiến Thái Lan thiệt hại hàng nghìn tỷ baht mỗi năm, riêng tại thủ đô Bangkok con số này lên tới gần 450 tỷ baht (hơn 13,3 tỷ USD). Theo UNICEF, tình trạng ô nhiễm không khí PM2.5 ngày càng gia tăng đang đe dọa sức khỏe của khoảng 13,6 triệu trẻ em trên khắp quốc gia Đông Nam Á này.
Hoàng Dương
- Trung Quốc: Nghệ thuật múa lân- sư- rồng truyền thống đã chào đón nghệ sĩ biểu diễn nữ
- Hàng trăm triệu người trên khắp châu Á ăn mừng Tết Nguyên đán
- Đài Loan: Giúp đỡ người lao động nước ngoài thích nghi với phong tục Tết Nguyên đán ở địa phương
- Trung Quốc nới lỏng chính sách miễn thị thực
- Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động khẩn cứu các sông băng