Hiệu quả những năm đầu đổi mới tổ chức thực hiện BHXH, BHYT
-
Cùng với việc ổn định tổ chức bộ máy, ngay từ khi thành lập, BHXH Việt Nam đã chú trọng xây dựng, kiện toàn tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể của đơn vị nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan và toàn Ngành.
-
Đảng ủy cơ quan đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo các tổ chức đảng, đảng viên và công chức, viên chức, người lao động quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là các chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT trong từng giai đoạn. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; thực hiện công tác tổ chức, cán bộ cũng như công tác kiểm tra, giám sát… đảm bảo cơ quan và toàn Ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
-
Thủ tướng Phan Văn Khải trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho BHXH Việt Nam (ảnh tử liệu)
-
Bên cạnh đó, Ngành cũng đã chủ động, tích cực phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT...
-
Ngày 26/5/1997, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH. Bên cạnh việc khẳng định “BHXH là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước góp phần đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc”, Bộ Chính trị đã yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, các ban, đảng đoàn, ban cán sự đảng và đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong việc thực hiện các chế độ BHXH đối với người lao động…
-
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, ngay từ khi thành lập và nhất là từ khi BHYT Việt Nam được chuyển sang BHXH Việt Nam, hệ thống BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực triển khai các giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, đã chú trọng, tập trung ban hành hệ thống quy trình quản lý và quy trình nghiệp vụ liên quan; triển khai các giải pháp thông tin, tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia; thu; kiểm tra, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng chậm đóng, trốn đóng... Ngoài việc khai thác nhóm lao động trong khu vực Nhà nước, công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong thời gian này còn tập trung vào nhóm người lao động làm việc tại các đơn vị ngoài quốc doanh. Về BHYT, ngoài những đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, toàn Ngành cũng chú trọng phát triển BHYT tự nguyện học sinh, sinh viên...
-
Xác định việc giải quyết chế độ chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thụ hưởng quyền lợi của người tham gia BHXH; đồng thời phản ánh rõ chất lượng phục vụ của Ngành, BHXH Việt Nam đã sớm quan tâm xây dựng các quy trình, thủ tục giải quyết chế độ chính sách hợp lý; yêu cầu hồ sơ từng trường hợp phải đảm bảo đúng quy định, mức hưởng phải tính đúng, đủ... Đặc biệt, từ năm 1996, toàn Ngành đã tập trung thực hiện cấp sổ cho gần 3 triệu người tham gia BHXH, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý đối tượng, giải quyết chế độ chính sách trong những năm sau này…
Những giải pháp đó đã giúp Ngành vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả tích cực trong tất cả các mặt công tác. Cụ thể, về phát triển người tham gia, nếu như năm 1995 toàn Ngành mới quản lý 2,27 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc thuộc hơn 18.500 đơn vị sử dụng lao động được bàn giao từ ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang, thì đến cuối năm 2005 số người tham gia BHXH trong cả nước đã tăng hơn 2,7 lần (trên 6,17 triệu người); số đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH tăng hơn 5 lần (trên 111.400 đơn vị).
Về BHYT, nếu như năm 2002- năm đầu tiên BHXH Việt Nam nhận chuyển giao tổ chức, nhiệm vụ của BHYT Việt Nam- cả nước mới có hơn 13 triệu người tham gia, tương đương với 16,5% dân số, thì đến cuối năm 2005 đã có trên 23,2 triệu người tham gia, tương đương với 28% dân số.
-
Song song với việc mở rộng đối tượng tham gia và việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng theo quy định, số thu vào quỹ BHXH và quỹ BHYT ngày càng tăng. Nếu như trong 5 năm đầu thành lập, tổng số thu của toàn Ngành đạt 20.000 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2000 thu trên 5.000 tỷ đồng, thì đến năm 2005 số thu BHXH, BHYT đã lên tới 17.368 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2000.
Trên cơ sở công tác quản lý đối tượng hưởng và quản lý, lưu trữ hồ sơ, quy trình nghiệp vụ đảm bảo khoa học, chặt chẽ, việc giải quyết hàng triệu hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH mỗi năm đã được ngành BHXH Việt Nam đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động cũng như đơn vị sử dụng lao động. Tính chung từ năm 1995 đến 2005, toàn Ngành đã giải quyết chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng cho trên 646.000 người; hơn 1,55 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH một lần và hơn 16,13 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn với tổng số tiền thanh toán trên 94.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chỉ trong 3 năm (từ 2003 đến hết năm 2005), cả nước đã có khoảng 90 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí được quỹ BHYT thanh toán gần 5.900 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngành còn thực hiện công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đảm bảo “đúng kỳ, đủ số, an toàn, thuận tiện” cho khoảng 2,5 triệu người sống ở hầu hết các thôn, bản, xã, phường trên toàn quốc, với số tiền chi trả mỗi năm lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
-
Chủ động, tích cực hợp tác, hội nhập quốc tế
Nhằm huy động nguồn lực, trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách BHXH, từ những ngày mới thành lập, BHXH Việt Nam đã quan tâm đến công tác hội nhập và hợp tác quốc tế với các cơ quan, tổ chức, đối tác an sinh xã hội trong khu vực và trên thế giới; đồng thời đã được nhiều bạn bè quốc tế quan tâm, ủng hộ. Theo đó, BHXH Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều đối tác như Quỹ BHXH Liên bang Nga, Bộ dịch vụ gia đình và cộng đồng Australia, các đối tác Pháp, Mỹ…; nhận được sự phối hợp và hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Đức (InWEnt), Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (Aus-AID), Cơ quan Phát triển thương mại Hoa Kỳ (USTDA)... Nhiều dự án được tài trợ từ các tổ chức trên đã hỗ trợ BHXH Việt Nam đào tạo, nâng cao năng lực hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật, tối ưu hóa các hoạt động nghiệp vụ về dự báo, cân đối quỹ...
Dấu ấn hợp tác quốc tế trong giai đoạn này là BHXH Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) vào năm 1999. Cũng trong năm này, BHXH Việt Nam tổ chức thành công Kỳ họp Ban Chấp hành ASSA lần thứ 3 tại Hà Nội. BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2002-2003, trong đó có việc tổ chức thành công Kỳ họp Ban Chấp hành ASSA lần thứ 10 vào tháng 8/2002 tại TP.Hồ Chí Minh. Tháng 4/2005 tại Đà Nẵng, BHXH Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Kỳ họp Ban Chấp hành ASSA lần thứ 15.
Thông qua các hoạt động tích cực và chủ động, vị thế của BHXH Việt Nam trong ASSA không ngừng được nâng cao; đồng thời xây dựng được mối quan hệ hợp tác hữu nghị, thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của ngành BHXH Việt Nam.
Chỉ sau hơn 2 năm kể từ khi BHXH Việt Nam được thành lập, tại Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 26/5/1997 về tăng cường lãnh đạo thực hiện các chế độ BHXH, Bộ Chính trị đã nhận định: “... được sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, hệ thống BHXH Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng tổ chức, bộ máy, thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người tham gia và hưởng BHXH; tổ chức thu đạt kết quả khá cao, chi trả kịp thời cho các đối tượng hưởng BHXH và bước đầu đã hình thành được quỹ BHXH tập trung độc lập với ngân sách nhà nước”.
Thực tế cho thấy, những kết quả Ngành đạt được trong thập kỷ đầu xây dựng và phát triển là khá toàn diện và tích cực.
Việc đổi mới mô hình bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ phân tán thành một hệ thống BHXH tập trung, thống nhất đã phát huy hiệu quả, mở rộng hàng trăm ngàn lao động tham gia BHXH, hàng triệu người tham gia BHYT mỗi năm, góp phần vào việc đảm bảo sự bình đẳng giữa người lao động làm việc trong các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế trong việc tham gia và thụ hưởng BHXH; tạo thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia và được chăm sóc sức khỏe qua chính sách BHYT...
Với sự hình thành và lớn mạnh của quỹ BHXH, ngành BHXH Việt Nam đã đảm bảo đủ nguồn lực để chi trả chế độ cho đối tượng và Quỹ đã có tích lũy, giải quyết được tình trạng chậm chi trả như trong giai đoạn Quỹ còn phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Trong khi nguồn chi trả từ Quỹ không ngừng tăng lên thì nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho lương hưu và trợ cấp BHXH từng bước giảm dần, giúp Nhà nước có điều kiện tập trung ngân sách đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế- xã hội khác. Một phần nguồn Quỹ chưa sử dụng đã được dùng để đầu tư tăng trưởng theo quy định, phục vụ cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Bên cạnh đó, quỹ BHYT cũng đã trở thành nguồn tài chính quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng nguồn chi cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Những kết quả này đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân, người lao động, đơn vị sử dụng lao động ghi nhận, đánh giá cao. Thực tiễn thực hiện chính sách cũng như những kết quả đạt được trong giai đoạn này đã được BHXH Việt Nam thường xuyên tổng kết, báo cáo kịp thời để Đảng và Nhà nước tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời đưa ra những định hướng phù hợp trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách và thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đặc biệt là việc xây dựng Luật BHXH, Luật BHYT trong giai đoạn tiếp theo.
Tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập BHXH Việt Nam tổ chức ngày 4/3/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng: “Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả rất quan trọng, khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới chính sách BHXH và BHYT là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta đã từng bước mở rộng BHXH đến mọi người lao động trong các thành phần kinh tế và BHYT tới toàn dân. Việc đổi mới chính sách BHXH, BHYT dựa trên nguyên tắc có đóng- có hưởng, đánh dấu sự chuyển đổi hoạt động BHXH, BHYT của nước ta từ cơ chế bao cấp sang tự hạch toán thu, chi và có sự bảo trợ của Nhà nước, phù hợp với quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quỹ BHXH, BHYT từ chỗ chỉ tồn tại trên danh nghĩa, nay đã có đủ để chi trả các chế độ cho người tham gia, đồng thời nguồn Quỹ tồn tích, tăng trưởng còn góp phần tạo nguồn lực tham gia, đầu tư phát triển kinh tế xã hội”. |
- Những bước tiến ngoạn mục sau 30 năm thành lập
- BHXH tỉnh Hải Dương: 30 năm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
- Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
- Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
- Từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân