Kiến nghị sớm thực hiện chính sách miễn tiền viện phí
Đây là một trong những nội dung được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình gửi trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Bộ Y tế cũng đã có văn bản trả lời cụ thể.
Theo Công văn số 602/UBDNGS15 ngày 21/5/2025 của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Ninh Bình đã có một số kiến nghị liên quan đến lĩnh vực y tế.
Theo đó, cử tri cho rằng: Chi phí khám chữa bệnh mà người dân phải chi trả vẫn còn ở mức cao. Gánh nặng về chi phí y tế vẫn đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nghèo đói hoặc tái nghèo ở nhiều hộ gia đình; là rào cản lớn khiến không ít người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn phải trì hoãn hoặc từ chối tiếp cận dịch vụ y tế. Trong khi đó, hệ thống BHYT chưa thực sự bao phủ đầy đủ và hiệu quả.
Cử tri kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm thực hiện chính sách miễn tiền viện phí cho toàn dân để “không ai bị bỏ lại phía sau” theo đúng chủ trương mà Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần nhấn mạnh.
Liên quan đến nội dung này, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời cụ thể.
Bộ Y tế khẳng định: BHYT là chính sách an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức, nhằm chia sẻ rủi ro tài chính giữa những người tham gia, hỗ trợ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) khi người dân gặp vấn đề sức khỏe. Khi tham gia BHYT, chi phí KCB được Quỹ BHYT chi trả một phần hoặc toàn bộ, tùy thuộc vào đối tượng tham gia, với tỷ lệ đồng chi trả khác nhau.
Phạm vi quyền lợi BHYT bao gồm danh mục thuốc, thiết bị y tế và dịch vụ kỹ thuật đáp ứng đầy đủ nhu cầu KCB của nhân dân. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro tài chính khi ốm đau, bệnh tật và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ KCB chất lượng, người dân cần tham gia BHYT đầy đủ.
Đối với các đối tượng được Ủy ban nhân dân tỉnh xác định là người nghèo, cận nghèo hoặc một số đối tượng chính sách xã hội, ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT hoặc chi trả 100% chi phí KCB cho một số trường hợp.
Về kiến nghị miễn viện phí, Bộ Y tế đang nghiên cứu các giải pháp khả thi, hiệu quả để trình Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Để đảm bảo nguồn lực, chính sách sẽ được triển khai theo lộ trình thông qua BHYT, với phạm vi quyền lợi BHYT mở rộng dần theo lộ trình cho các đối tượng phù hợp. Bộ Y tế mong nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân vào BHYT để thực hiện hiệu quả chính sách này.
Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu mởrộng phạm vi chi trả cho các đối tượng tham gia BHYT như: mở rộng danh mục thuốc BHYT; cải tiến, đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ số trong việc liên thông các tuyến phục vụ công tác chuyển viện, khai thác thông tin y tế liên quan đến người bệnh trên môi trường mạng.
Về nội dung này, Bộ Y tế cho biết, ngày 16/11/2024, đã ban hành Thông tư số 37/2024/TT-BYT quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Căn cứ vào quy định tại Thông tư số 37/2024/TT-BYT, Bộ Y tế đang khẩn trương thực hiện rà soát, sửa đổi, cập nhật Thông tư ban hành danh mục thuốc để bổ sung vào danh mục các thuốc mới, có hiệu quả điều trị cao và đưa ra khỏi danh mục các thuốc không còn phù hợp.
Tuy nhiên, việc bổ sung danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế vào phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT cần được xem xét cẩn thận để đảm bảo khả năng chi trả của Quỹ BHYT.
Về việc cải tiến, đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ số trong việc liên thông các tuyến phục vụ công tác chuyển viện, khai thác thông tin y tế liên quan đến người bệnh trên môi trường mạng, Bộ Y tế cũng đã có thông tin cụ thể.
Theo đó, Bộ Y tế đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm cải tiến cơ chế quản lý, liên thông các tuyến y tế và khai thác thông tin y tế phục vụ công tác giải quyết chế độ, chính sách cho người tham gia BHYT.
Trong khuôn khổ Đề án 06/CP của Chính phủ, từ năm 2023, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và BHXH Việt Nam triển khai tiếp đón người bệnh khám, chữa bệnh (KCB) BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID, VssID, thay thế thẻ BHYT giấy và các giấy tờ tùy thân liên quan, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian tiếp đón.
Trong năm 2024, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thí điểm sử dụng giấy chuyển tuyến BHYT điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID, thay thế các giấy tờ bản giấy, tạo thuận lợi cho người bệnh trong thủ tục chuyển tuyến và hẹn khám lại.
Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT. Cùng với đó, Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật BHYT, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, sẽ là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh các hoạt động như cấp thẻ BHYT điện tử, ký hợp đồng KCB BHYT trên môi trường điện tử, thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT điện tử và thực hiện giám định BHYT điện tử, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân.
Minh Đức
- Kiến nghị người từ 70 tuổi đi khám, chữa bệnh không cần giấy chuyển tuyến
- Huy động được trên 17.800 tỷ đồng cho xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị
- Đảm bảo cơ sở, vật chất cho cơ quan, đơn vị của Nhà nước khi sắp xếp, tinh gọn
- Tăng tốc triển khai hệ điều hành tác nghiệp trong các cơ quan Đảng