Kiến nghị người từ 70 tuổi đi khám, chữa bệnh không cần giấy chuyển tuyến
Cử tri Đồng Nai kiến nghị Chính phủ quan tâm, có chính sách cho phép người từ 70 tuổi trở lên được phép thông tuyến khi khám chữa bệnh BHYT, không cần giấy chuyển viện của cơ sở y tế tại địa phương…
Trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, cử tri tỉnh Đồng Nai đã gửi kiến nghị liên quan đến chính sách BHYT cho người từ 70 tuổi. Theo cử tri, hiện nay, đa số người dân từ 70 tuổi trở lên trên thường mắc nhiều bệnh mãn tính, trong khi các cơ sở y tế địa phương không đủ cơ sở vật chất để điều trị nên hầu hết người bệnh thường khám ở cơ sở y tế tuyến trên.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật BHYT, trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng thấp hơn so với khám chữa bệnh đúng tuyến. Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm, có chính sách cho phép người từ 70 tuổi trở lên được phép thông tuyến khi khám chữa bệnh BHYT, không cần giấy chuyển tuyến của cơ sở y tế tại địa phương, nhằm đảm bảo thuận tiện cho người dân.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, quy định khám chữa bệnh theo từng tuyến khác nhau (hiện nay là cấp khám chữa bệnh) nhằm bảo đảm khám và điều trị đúng theo tình trạng bệnh (không phụ thuộc vào tuổi tác), phù hợp với cấp chuyên môn kỹ thuật, giúp giảm quá tải ở tuyến trên (cấp chuyên môn kỹ thuật). Khi tình trạng bệnh nặng thì mới phải chuyển tuyến trên điều trị cho phù hợp. Kiến nghị của cử tri liên quan đến người dân trên 70 tuổi và mắc bệnh mãn tính đã được xem xét và quy định tại Thông tư số 01/2025/TT-BYT về hướng dẫn thực hiện BHYT. Theo đó, tại phụ lục I, phụ lục II đã quy định một số bệnh nặng, mãn tính mà người dân nếu mắc bệnh có thể lên thẳng cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn mà không cần thủ tục chuyển viện.
Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét nghiên cứu, mở rộng danh mục dịch vụ khám chữa bệnh được hưởng BHYT 100%; nâng mức chi trả của BHYT đối với các dịch vụ khám bệnh khác. Đồng thời, rà soát cập nhật, điều chỉnh, bổ sung danh mục thuốc chữa bệnh BHYT cho phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, hiện danh mục dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả cho người tham gia BHYT tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu điều trị cơ bản của người dân với hơn 9.000 dịch vụ kỹ thuật. Hầu hết các dịch vụ kỹ thuật đang triển khai thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT. Các danh mục này cũng được thường xuyên sửa đổi, bổ sung và cập nhật để đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT, phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh và quỹ BHYT.
Theo quy định của Luật BHYT, đối tượng có thể được quỹ BHYT chi trả 80%, 95% hoặc 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Việc điều chỉnh phạm vi quyền lợi, mức hưởng của người tham gia BHYT dựa trên mức đóng, khả năng chi trả của quỹ BHYT. Với chính sách ưu việt như vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng BHYT.
Về danh mục thuốc tân dược, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, có 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm, chia làm 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu. Trong đó, 76 hoạt chất/thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch. Bên cạnh đó, danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng và dạng bào chế và tên thương mại. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở khám chữa bệnh không bị giới hạn bởi chỉ định điều trị, chuyên khoa điều trị, các bệnh cấp tính hay mãn tính. “Thực tế số lượng các thuốc thương mại được quỹ BHYT chi trả sẽ lớn hơn nhiều so với danh mục nói trên”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Về danh mục thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, vị thuốc cổ truyền, gồm có 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu chi thành 11 nhóm tác dụng, và 349 vị thuốc cổ truyền chia thành 30 nhóm tác dụng theo y lý y học cổ truyền. Các danh mục thuốc này không phân theo hạng bệnh viện sử dụng. Do đó, tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở, bao gồm cả bệnh viện tuyến huyện đều được sử sụng toàn bộ danh mục, trừ một số ít thuốc có quy định điều kiện thanh toán ở Bệnh viện Y học cổ truyền, hoặc bệnh viện hạng II trở lên.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện rà soát, sửa đổi, cập nhật Thông tư ban hành danh mục thuốc, để bổ sung vào danh mục các thuốc mới, có hiệu quả điều trị cao, và đưa ra khỏi danh mục các thuốc không còn phù hợp. “Tuy nhiên, việc bổ sung danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế vào phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT cần được xem xét cẩn thận, để đảm bảo khả năng chi trả của quỹ BHYT”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Nguyệt Hà
- Kiến nghị sớm thực hiện chính sách miễn tiền viện phí
- Huy động được trên 17.800 tỷ đồng cho xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị
- Đảm bảo cơ sở, vật chất cho cơ quan, đơn vị của Nhà nước khi sắp xếp, tinh gọn
- Tăng tốc triển khai hệ điều hành tác nghiệp trong các cơ quan Đảng