Lương tháng thứ 13 được xếp đầu trong nhóm phúc lợi của NLĐ trong năm 2022
Tập đoàn Navigos Group vừa công bố Báo cáo Khảo sát lương 2022: Thực trạng thu nhập và kỳ vọng của NLĐ.
Khảo sát được phân tích dựa trên ý kiến của hơn 6.800 ứng viên đang làm việc chủ yếu trong 27 ngành nghề khác nhau. Báo cáo đưa ra một cái nhìn tổng quan về mức lương của các ngành nghề trong năm 2021 cũng như những kỳ vọng của NLĐ về mức thưởng và phúc lợi trong năm 2022. Theo đó, về chế độ lương, thưởng và phúc lợi của NLĐ năm 2021 cho thấy lương tháng thứ 13 là phúc lợi lớn nhất, nhưng tiền lương không nằm trong 3 yếu tố quan trọng nhất để giữ chân nhân tài.
Khi được hỏi về chế độ phúc lợi NLĐ nhận ngoài lương, Báo cáo chỉ ra danh sách 10 phúc lợi hàng đầu mà NLĐ nhận được đến thời điểm khảo sát lương 2022, xếp theo thứ tự giảm dần như sau: Lương tháng 13; phúc lợi về sức khỏe, y tế; chương trình chăm sóc sức khỏe; thời gian làm việc linh hoạt; phụ cấp đi lại; làm việc tại nước ngoài; được ứng trước lương; chế độ làm việc linh hoạt; ngày nghỉ/ngày nghỉ dịp sinh nhật; hỗ trợ phí cho học tập. Năm 2021, số tiền thưởng trung bình cao nhất mà NLĐ nhận được là 1 tháng lương chiếm 40,53%, theo sau chiếm 22,2% người tham gia cho biết được nhận thưởng 2 tháng lương. Nhưng cũng có đến 12,85% NLĐ nhận thưởng dưới 1 tháng lương. Đặc biệt, gần 33% người tham gia khảo sát khá hài lòng và hoàn toàn hài lòng về chế độ phúc lợi của công ty hiện tại. Có 46,2% NLĐ cảm thấy ổn với chế độ phúc lợi của công ty. Và có gần 21% không hài lòng và hoàn toàn không hài lòng về chế độ phúc lợi của công ty hiện tại.
Về các yếu tố giữ chân NLĐ với công ty hiện tại, đa số người tham gia khảo sát lựa chọn Môi trường làm việc/Đồng nghiệp và Công việc ổn định là 2 yếu tố hàng đầu giữ chân NLĐ với tỷ lệ xấp xỉ 13% cho mỗi yếu tố. Địa điểm làm việc xếp thứ 3, chiếm gần 12%. Tiền lương xếp vị trí thứ 4 với tỷ lệ 11%. Như vậy, tiền lương không nằm trong 3 yếu tố quan trọng nhất để giữ chân nhân tài. Ngoài ra, những yếu tố khác như: Thương hiệu công ty; cơ hội học tập và phát triển ở công ty hiện tại; người quản lý trực tiếp… cũng là lý do mà NLĐ gắn bó với công ty họ đang làm việc. Mặc dù tiền lương không nằm trong 3 yếu tố hàng đầu để giữ chân NLĐ nhưng đây là yếu tố quan trọng nhất khi họ quyết định lựa chọn công việc mới với 17% NLĐ lựa chọn yếu tố này. Theo sau là hai yếu tố về Môi trường làm việc/Đồng nghiệp và Các cơ hội học tập, phát triển với tỷ lệ tương ứng là 12% và 11%.
Đáng chú ý, qua khảo sát cũng có gần 39% người tham gia cho biết chịu tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lên doanh nghiệp họ làm việc. Các tác động này bao gồm từ việc bị giảm lương từ dưới 10% đến hơn 50% và bị sa thải, chậm lương và cắt giảm nhân viên. Bên cạnh đó, vẫn có 61,11% người tham gia khảo sát cho biết lương của họ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo số liệu từ bảng khảo sát, trong năm 2021 có đến 57,59% người tham gia cho biết họ đã không đề xuất tăng lương do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến tình hình kinh doanh và cho rằng đây là thời điểm chưa phù hợp để đề xuất tăng lương. Trong khi đó, có 11,59% người tham gia cho biết đã đề xuất tăng lương nhưng không thành công. Tuy nhiên, cũng có gần 28% người tham gia khảo sát cho biết đã thành công trong việc đề xuất tăng lương. Các mức lương được tăng nằm trong khoảng từ 3% đến trên 20%.
Về chính sách thăng tiến của công ty trong năm 2022, gần 50% không có câu trả lời về chính sách thăng tiến của công ty trong năm 2022. Cụ thể, khi được hỏi về sự kỳ vọng đối với chính sách thăng tiến của công ty trong năm 2022 có 42,21% người tham gia khảo sát chưa thể đưa được ra câu trả lời. Theo họ, nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như sự phục hồi của các doanh nghiệp nói riêng sẽ phụ thuộc vào các chuyển biến của tình hình dịch bệnh Covid-19. NLĐ chưa thể biết tình hình dịch bệnh tốt hơn hay xấu đi nên họ không chắc chắn khi đưa ra câu trả lời về vấn đề này. Nhưng cũng có gần 38% người tham gia khảo sát có cái nhìn lạc quan và rất lạc quan về chính sách thăng tiến của công ty trong năm nay. Điều này cho thấy NLĐ đang rất kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế và kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2022. Cũng có 42,45% NLĐ cho biết sẽ chuyển sang công việc mới nếu tìm được cơ hội việc làm tốt hơn. Bên cạnh đó, 15,32% người tham gia khảo sát vẫn đang tìm kiếm một công việc mới. Thêm vào đó, 2,16% người tham gia khảo sát cho biết đã tìm được một công việc mới. Có gần 14% có ý định chuyển việc từ 3 đến 12 tháng tới và gần 23% người tham gia khảo sát không có ý định chuyển việc trong thời gian sắp tới.
Cùng với kết quả khảo sát kể trên, Navigos Group cũng đưa ra mức lương theo thời gian thực trên thị trường của các ngành nghề, cập nhật đến mức lương tối thiểu/tối đa của các vị trí việc làm cụ thể tại các doanh nghiệp trong nước và mức tương ứng ở các doanh nghiệp FDI cùng lĩnh vực. “Qua báo cáo này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp khách hàng xây dựng các chiến lược tuyển dụng và giữ chân nhân tài, điều này sẽ góp phần vào hoạt động phục hồi kinh doanh và tăng trưởng trong thời gian tới. Đồng thời, chúng tôi cũng hỗ trợ các ứng viên và người tìm việc nắm bắt xu hướng tuyển dụng để có sự chuẩn bị tốt nhất trên con đường sự nghiệp của mình”- ông Gaku Echizenya (CEO Navigos Group) cho biết.
V.Thu
- Cả nước có 161.992 lao động nước ngoài đang làm việc
- Người làm việc tại bộ phận “một cửa” của Hà Nội được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng
- Cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội "việc làm xanh" của phụ nữ
- Nhu cầu tuyển dụng công nhân sản xuất tăng cao
- Đào tạo công dân thế hệ số để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài