Nền tảng chính sách BHXH ở nước ta
Trước Cách mạng tháng Tám, dù nước nhà chưa được độc lập, chính sách BHXH chưa được thực hiện trong thực tế, nhưng những quan điểm về việc xây dựng hệ thống chính sách BHXH đã được Đảng ta đặt ra.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, dù đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn dành sự quan tâm rất lớn đối với chính sách BHXH. Đây cũng là những cơ sở quan trọng cho sự phát triển sự nghiệp BHXH trong những năm sau này.
Cụ thể, ngày 3/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ký sắc lệnh số 54-SL ấn định các điều kiện cho công chức về hưu.
Tháng 11/1946, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước dân chủ nhân dân, trong đó quy định “Công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ”.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, các chế độ, chính sách về BHXH không ngừng được bổ sung và từng bước hoàn thiện. Việc ban hành và thực hiện các sắc lệnh số: 105-SL ngày 14/6/1946; 29/SL ngày 12/3/1947; 188-SL ngày 29/5/1948; 76/SL ngày 20/5/1950; 77/SL ngày 22/5/1950 cũng như các Nghị định: 980-TTg ngày 27/7/1956; 250-TTg ngày 12/6/1957; 523-TTg ngày 6/12/1958... đã từng bước cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách BHXH cho các đối tượng cán bộ công chức và lực lượng vũ trang; đồng thời quy định chi tiết hơn một số chế độ đối với các trường hợp như mất sức lao động, thai sản đối với lao động nữ…
Đến tháng 12/1959, Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1946. Điều 32 Hiến pháp 1959 khẳng định: “Người lao động có quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động. Nhà nước mở rộng dần các tổ chức BHXH, cứu tế và y tế để đảm bảo cho người lao động được hưởng điều đó”.
Ngày 27/12/1961, trên cơ sở các quy định tại Hiến pháp năm 1959, Chính phủ đã ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân viên chức nhà nước (kèm theo Nghị định số 218/CP). Điều lệ quy định 6 chế độ BHXH cho nhóm đối tượng này, gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động, hưu trí và tử tuất; quỹ BHXH nằm trong ngân sách nhà nước do các cơ quan đơn vị đóng góp. Đây có thể coi là văn bản gốc về BHXH.
Ba năm sau, ngày 30/10/1964, Hội đồng Chính phủ tiếp tục ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết; nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ; quân nhân dự bị và dân quân tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự (kèm theo Nghị định số 161-CP).
Việc thực hiện 2 Điều lệ đầu tiên về BHXH đối với 2 nhóm đối tượng quan trọng nhất của chính sách BHXH cùng các chính sách có liên quan trong những năm trước đó đã thực sự là nguồn cổ vũ, động viên đội ngũ cán bộ công nhân viên chức và lực lượng vũ trang cùng toàn dân yên tâm, phấn khởi tham gia lao động sản xuất, dũng cảm chiến đấu, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, đưa non sông về một mối…
Nếu như trong những năm đầu thành lập nước, việc quản lý quỹ hưu bổng được giao cho Nha hưu bổng (thuộc Chính phủ) thực hiện, thì 5 năm sau đó được giao cho Bộ Tài chính đảm nhiệm. Tiếp đó, trách nhiệm quản lý quỹ BHXH và sự nghiệp BHXH của công nhân viên chức nhà nước được giao cho Tổng Công đoàn Việt Nam; công tác thu- chi do Tổng Công đoàn Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước phụ trách. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ được giao trách nhiệm quản lý việc thi hành các chế độ đối với các nhóm quân nhân khác nhau; Tổng Công đoàn Việt Nam phụ trách việc trả trợ cấp BHXH thay tiền lương đối với công nhân, viên chức nhà nước khi làm nhiệm vụ quân sự mà bị ốm đau hoặc bị tai nạn. Có thể nói, trong 30 năm kể từ khi nước nhà giành độc lập, việc quản lý quỹ hưu trí và tổ chức thực hiện chính sách BHXH trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng có đặc điểm chung là chưa ổn định và phân tán. |
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới- giai đoạn cả nước thống nhất, cùng chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra trong giai đoạn này, việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách BHXH tiếp tục được chú trọng thực hiện, như mở rộng áp dụng các chế độ mất sức lao động, hưu trí, tử tuất đối với công nhân viên chức và quân nhân ở miền Nam vào năm 1976 (chính sách BHXH được thực hiện thống nhất trong cả nước); sửa đổi một số chế độ đối với công nhân viên chức nhà nước và quân nhân vào năm 1978…
Ngày 18/12/1980, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 59 Hiến pháp 1980 đã quy định: “…Công nhân, viên chức khi về hưu, già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động được hưởng quyền lợi BHXH. Nhà nước mở rộng dần sự nghiệp BHXH theo trình độ phát triển của nền kinh tế quốc dân và bảo đảm cho người lao động được hưởng quyền lợi đó. Nhà nước hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện từng bước chế độ BHXH đối với xã viên”.
Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Nền kinh tế từng bước chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước. Trong bối cảnh đó, quan hệ lao động theo cơ chế mới cũng từng bước được hình thành. Đó là yêu cầu khách quan đòi hỏi phải có những cải cách về chính sách xã hội, trong đó có chính sách BHXH.
Từ chỗ chỉ áp dụng đối với cán bộ công nhân viên chức làm việc trong khu vực Nhà nước và lực lượng vũ trang, trong những năm 1980, chính sách BHXH bắt đầu được mở rộng tới xã viên hợp tác xã, người lao động trong một số ngành kinh tế tập thể, từ việc áp dụng 6 chế độ BHXH đối với xã viên hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp (năm 1982), hợp tác xã nông nghiệp (năm 1983), đến người lao động trong các hợp tác xã thủy sản (thí điểm thực hiện năm 1985) và hợp tác xã mua bán (năm 1986).
Thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-TW ngày 15/7/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, tháng 8/1988, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng đã giao Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng Công đoàn Việt Nam, Liên hiệp xã Trung ương xây dựng đề án về tổ chức dịch vụ BHXH đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh trình Ban Bí thư; nghiên cứu chính sách BHXH và tổ chức quản lý việc BHXH đối với người lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cuối năm 1989, Thường trực Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định tổ chức thực hiện thí điểm BHXH ngoài quốc doanh ở 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh, Thái Bình, Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai và Yên Bái).
Sau 5 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã chủ trương: “Đổi mới chính sách BHXH theo hướng: mọi người lao động và đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều đóng góp vào quỹ BHXH. Từng bước tách quỹ BHXH đối với công nhân viên chức nhà nước khỏi ngân sách và hình thành quỹ BHXH chung cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội thông qua cũng xác định: “Cải cách chế độ bảo hiểm… Thiết lập một hệ thống đồng bộ và đa dạng về bảo hiểm và trợ cấp xã hội”.
Ngày 15/4/1992, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp năm 1992, trong đó nêu rõ: “Nhà nước quy định thời gian lao động, chế độ tiền lương, chế độ nghỉ ngơi và chế độ BHXH đối với viên chức Nhà nước và những người làm công ăn lương; khuyến khích phát triển các hình thức BHXH khác đối với người lao động”.
Trên cơ sở định hướng tại Đại hội VII của Đảng và Hiến pháp 1992 cũng như những kết quả thu được trong giai đoạn thí điểm, ngày 22/6/1993 Chính phủ ban hành Nghị định số 43-CP quy định tạm thời chế độ BHXH, trong đó quy định rõ việc thực hiện BHXH bắt buộc đối với công nhân viên chức thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức Đảng, đoàn thể cũng như người lao động ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Trong giai đoạn này, việc tổ chức thực hiện BHXH cho cán bộ công nhân viên chức và lực lượng vũ trang vẫn thực hiện phân tán. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thu BHXH của cán bộ công chức và lực lượng vũ trang; cơ quan Thuế tổ chức thu BHXH của người lao động trong các cơ sở kinh tế quốc doanh; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý 2 chế độ hưu trí và tử tuất; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp… Tiếp đó, các công ty BHXH được thành lập tại 5 địa phương thực hiện thí điểm BHXH ngoài quốc doanh. Năm 1993, 5 tỉnh thực hiện thí điểm mô hình BHXH ngoài quốc doanh đã tiến hành hợp nhất các Công ty BHXH với bộ phận BHXH của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động thành tổ chức BHXH. Đây là cơ sở thực tiễn hết sức quan trọng hình thành tổ chức BHXH Việt Nam thống nhất trong cả nước sau này. |
- Những bước tiến ngoạn mục sau 30 năm thành lập
- BHXH tỉnh Hải Dương: 30 năm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
- Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
- Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
- Từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân