Nghiêm cấm sa thải thực tập sinh mang thai
Công ty phái cử không được cưỡng ép thực tập sinh đang mang thai về nước. Trường hợp bị đình chỉ công việc về nước sinh con, lao động vẫn có thể xin tái nhập cảnh Nhật Bản để tiếp tục làm việc sau đó.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa gửi công văn tới DN về việc phối hợp thông tin các nội dung liên quan đến thực tập sinh DN dịch vụ đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian vừa qua Tổ chức thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản (OTIT) đã phát hiện một số thực tập sinh được DN yêu cầu ký bản cam kết hoặc tư vấn với nội dung “Thực tập sinh sẽ bị về nước nếu mang thai, sinh con trong thời gian thực tập tại Nhật Bản”. Việc này không phù hợp quy định pháp luật của 2 nước về chương trình thực tập kỹ năng. Do vậy, để tránh phát sinh sự việc OTIT phản ánh nêu trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu DN quán triệt các nhân viên của doanh nghiệp trong quá trình tư vấn, tuyển chọn, giáo dục định hướng, ký kết hợp đồng. Tuyệt đối không yêu cầu NLĐ ký cam kết hoặc tư vấn với nội dung thực tập sinh sẽ bị về nước nếu mang thai, sinh con trong thời gian thực tập tại Nhật Bản.
Theo quy định về việc thực tập sinh mang thai, sinh con và biện pháp bảo vệ quyền lợi bản thân khi mang thai, sinh con trong thời gian làm việc tại Nhật Bản, NLĐ vẫn có thể tiếp tục thực tập kỹ năng ở Nhật Bản bởi luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm việc sa thải công nhân với lý do là đang mang thai. Do đó, công ty phái cử và nghiệp đoàn quản lý không được phép cưỡng ép thực tập sinh về nước với lý do vì đang có thai. Khi biết mình đã có thai, thực tập sinh có thể liên lạc và báo cho quầy tư vấn của nghiệp đoàn quản lý, người quản lý của công ty thực tập sinh đang thực tập hoặc nhờ đến cơ quan quản lý thực tập sinh người nước ngoài và quầy tư vấn khu vực thực tập sinh đang sinh sống để được tư vấn. Khi nhận ra mình đã có thai, thực tập sinh cố gắng đăng ký sớm tại cơ quan hành chính địa phương nơi mình đang sinh sống để nhận được sổ sức khỏe bà mẹ và trẻ em cùng với phiếu khám thai. Nếu thực tập sinh cảm thấy có thể sắp bị sa thải, hoặc bị bảo cho về nước thì hãy liên lạc đến cơ quan quản lý thực tập sinh người nước ngoài để được tư vấn. Sau khi sinh con, lao động không được phép đi làm trong vòng 8 tuần đầu. Khoảng thời gian sau đó, lao động có thể quay lại tiếp tục công việc thực tập kỹ năng.
Trường hợp lao động bị đình chỉ công việc thực tập kỹ năng để trở về nước sinh con, vẫn có thể xin tái nhập cảnh Nhật Bản để tiếp tục công việc thực tập. Để tiếp tục công việc thực tập, thực tập sinh cần phải làm thủ tục giấy tờ ở cơ quan quản lý thực tập sinh người nước ngoài. Về vấn đề muốn tái tiếp tục thực tập kỹ năng và thời điểm tái tiếp tục thì thực tập sinh nên liên lạc, báo cho nghiệp đoàn quản lý và công ty đang thực tập biết nguyện vọng của mình.
Ngoài tư vấn bằng tiếng Việt qua điện thoại và email, thực tập sinh Việt Nam có thể liên hệ với dịch vụ hỗ trợ tư vấn bằng cuộc gọi trực tuyến (ứng dụng zoom). Ngay cả khi lao động không có số điện thoại vẫn có thể nhận tư vấn cách sử dụng đường truyền internet trong môi trường wifi.
Nguyệt Hà
- 1.286 chỉ tiêu tại Phiên Giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật
- Mang nhiều cơ hội việc làm cho người lao động khuyết tật
- 35% NLĐ thoải mái sống dựa vào tiền lương hằng tháng
- Tích cực hỗ trợ việc làm với lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước
- Nhu cầu nhân lực có kỹ năng tiếp tục tăng cao trong nhiều ngành nghề