Những dấu mốc hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT
Xây dựng, hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội
Thực hiện định hướng của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, ngay từ năm 2001, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để khởi động việc xây dựng Dự thảo Luật BHXH. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được từ khi BHXH Việt Nam được thành lập và những yêu cầu mới phát sinh từ thực tiễn thực hiện Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định 12/CP (năm 1995), Điều lệ BHXH áp dụng đối với lực lượng vũ trang ban hành kèm theo Nghị định 45/CP (năm 1995) và các điều lệ sửa đổi, bổ sung; căn cứ các quy định mới về BHXH tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động được Quốc hội khóa X thông qua năm 2002, việc xây dựng Dự thảo Luật BHXH đã được tiến hành khẩn trương, cẩn trọng. Nhiều kiến nghị, đề xuất của BHXH Việt Nam với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách đã được ban soạn thảo tiếp thu, đưa vào Dự thảo; cơ quan thẩm tra có cơ sở tham khảo, điều chỉnh cho phù hợp...
Ngày 29/6/2006, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI, Luật BHXH đã được thông qua (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007). Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tạo lập cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả thực thi chế độ, chính sách BHXH, pháp điển hóa các quy định hiện hành và bổ sung các chính sách BHXH phù hợp với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế, đáp ứng nguyện vọng đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế…
Theo quy định của Luật BHXH, đối tượng tham gia BHXH tiếp tục được mở rộng đến người lao động làm việc trong các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã. Năm 2008, bên cạnh BHXH bắt buộc, chính sách BHXH tự nguyện bắt đầu được triển khai, hướng đến mọi công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, với 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.
Bắt đầu thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp Luật BHXH lần đầu tiên có các quy định về BHTN. Theo đó, ngày 1/1/2009, chính sách BHTN bắt đầu được thực hiện nhằm bảo vệ người lao động trong trường hợp bị mất việc làm thông qua các chế độ: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ tìm việc làm và BHYT. Không chỉ là chính sách nhằm bảo vệ, ổn định cuộc sống người lao động trong trường hợp bị mất việc làm, BHTN còn được xem là công cụ quản trị, điều tiết thị trường lao động nhằm nhanh chóng đưa người lao động bị thất nghiệp trở lại thị trường lao động, rút ngắn thời gian tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp… Ngày 16/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm. Theo đó, từ ngày 1/1/2015, chế độ BHTN được tách từ Luật BHXH và thực hiện theo quy định của Luật Việc làm (bổ sung thêm chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động). Tuy nhiên, tổ chức BHXH vẫn thực hiện thu, chi, quản lý và sử dụng quỹ BHTN. |
Xác định Luật BHXH là đạo luật có tác động mạnh mẽ đến đại bộ phận người lao động, đặc biệt là để thực hiện chủ trương BHXH cho mọi người lao động, sau 5 năm thực hiện Luật BHXH năm 2006, trước những yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, Quốc hội đã đưa nội dung sửa đổi Luật BHXH vào chương trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đã được xây dựng trên cơ sở bám sát các quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012, hướng đến 2 mục tiêu chính là mở rộng diện bao phủ BHXH tới đông đảo người lao động; đồng thời tăng cường tính bền vững của quỹ BHXH nói riêng, hệ thống an sinh xã hội nói chung...
Ngày 20/11/2014, Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ tám, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Luật đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; từ ngày 1/1/2018 bổ sung thêm đối tượng là người lao động có hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. BHXH tự nguyện mở rộng đến tất cả công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Luật cũng bổ sung các phương thức đóng BHXH tự nguyện theo hướng linh hoạt và bổ sung chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện (thực hiện từ năm 2018); quy định lộ trình thay đổi cách tính lương hưu, cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tăng tỷ lệ giảm trừ đối với người nghỉ hưu sớm phù hợp trong tình hình mới, từng bước đảm bảo công bằng hơn trong tham gia và thụ hưởng chính sách giữa các nhóm đối tượng. Đặc biệt, Luật đã lần đầu tiên giao thẩm quyền thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT cho cơ quan BHXH.
Ngày 25/6/2015, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn vệ sinh lao động, trong đó quy định từ ngày 1/7/2016, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo Luật An toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp vẫn là quỹ thành phần của quỹ BHXH; việc đóng, hưởng, quản lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của Luật này và Luật BHXH. |
Xây dựng, hoàn thiện Luật BHYT
Sau 15 năm thực hiện Điều lệ BHYT 1992 với 1 lần sửa đổi (năm 1994) và 2 lần thay thế (năm 1998 và năm 2005), từ thực tiễn thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã xác định rõ những bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BHYT như tính pháp lý chưa cao; còn trùng lặp, chồng chéo, chưa đồng bộ, thống nhất và chưa sát với thực tiễn; cơ chế phân công, phối hợp tổ chức thực hiện BHYT chưa rõ ràng, cụ thể; chưa có chế tài đủ mạnh để bảo đảm việc tuân thủ, thi hành, sử dụng và áp dụng pháp luật về BHYT... Điều đó đã đặt ra yêu cầu cần thiết ban hành Luật BHYT. Với trách nhiệm của mình, ngành BHXH Việt Nam cũng đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo Luật BHYT.
Ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1/7/2009), mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử hình thành và phát triển chính sách BHYT; đồng thời đánh dấu bước tiến quan trọng của quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT ở nước ta.
Nếu Điều lệ BHYT ban hành kèm theo Nghị định 63/2005/NĐ-CP quy định 2 nhóm là đối tượng thực hiện BHYT bắt buộc và đối tượng thực hiện BHYT tự nguyện thì Luật BHYT đã quy định 25 nhóm đối tượng “có trách nhiệm tham gia” BHYT. Luật cũng quy định lộ trình tham gia theo định hướng BHYT toàn dân, với việc mở rộng thêm từng nhóm như: trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ cận nghèo (từ 1/7/2009); học sinh, sinh viên (từ 1/1/2010); các nhóm đối tượng còn lại (hộ gia đình nông-lâm-ngư-diêm nghiệp; hộ kinh doanh cá thể, thân nhân người lao động) tiếp tục tham gia từ năm 2012 và 2014. Quy định mở rộng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số nhóm đối tượng cận nghèo, học sinh, sinh viên và nông dân có mức sống trung bình. Phương thức đồng chi trả được áp dụng với các tỷ lệ linh hoạt theo các nhóm đối tượng khác nhau. Mở rộng quyền lợi cho một số nhóm đối tượng...
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật BHYT; khuyến khích, vận động nhân dân tích cực tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; động viên và nâng cao trách nhiệm của những người làm công tác BHYT và cán bộ nhân viên ngành Y tế, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 1/7 hàng năm là Ngày BHYT Việt Nam. |
Sau hơn 4 năm thực hiện, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT, hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả cơ bản đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Đây là yêu cầu thực tiễn để ngày 13/6/2014, Quốc hội Khóa XIII thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015). Luật BHYT 2014 đã bám sát những quan điểm, tư tưởng của Hiến pháp 2013, Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị và có nhiều nội dung có tính đột phá, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, như:
- Quy định BHYT là hình thức “bảo hiểm bắt buộc”; hình thức tham gia theo hộ gia đình thay cho BHYT tự nguyện, giảm dần mức đóng cho các thành viên trong hộ gia đình để khuyến khích tham gia và bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.
- Quy định ngân sách nhà nước mua/hỗ trợ mua thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng yếu thế; bổ sung đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an phải tham gia BHYT.
- Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả là những dịch vụ y tế thiết yếu cho cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.
- Mở rộng phạm vi thanh toán BHYT đối với một số trường hợp; nâng mức hưởng của một số đối tượng chính sách; tăng quyền lợi cho người tham gia đủ 5 năm liên tục trở lên.
- “Thông tuyến” khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở y tế tuyến huyện trong toàn quốc từ đầu năm 2016 và điều trị nội trú tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh từ đầu năm 2021...
-
- Ngày 29/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 538/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 với những mục tiêu: Đến năm 2015 đạt trên 70% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT; Từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT…
- Ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 68/2013/QH13, giao Chính phủ thực hiện chỉ tiêu “Đảm bảo đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT”.
- Những bước tiến ngoạn mục sau 30 năm thành lập
- BHXH tỉnh Hải Dương: 30 năm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
- Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
- Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
- Từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân