Những người theo đuổi giấc mơ chinh phục Himalaya
Himalaya là dãy núi cao nhất Trái Đất và là cũng là dãy núi có 14 đỉnh cao nhất thế giới (trên 8.000m), bao gồm đỉnh Everest. Trong nhiều thập kỷ qua, chỉ có khoảng 50 nhà leo núi đã chinh phục được tất cả các đỉnh cao trên 8.000m thuộc Himalaya.
Năm 2021, nền tảng Netflix thực hiện bộ phim tài liệu 14 đỉnh núi: Không có gì là không thể (14 Peaks: Nothing Is Impossible), nội dung xoay quanh nhà leo núi gan dạ người Nepal Nims Purja bắt đầu một nhiệm vụ dường như bất khả thi, đó là chinh phục tất cả 14 đỉnh núi cao 8.000m trên thế giới trong 7 tháng. Bộ phim này sau đó đã tạo cảm hứng cho rất nhiều nhà leo núi. Riêng trong tháng 10/2024, đã có khoảng 20 nhà leo núi có mặt tại Himalaya, hướng tới kỷ lục mà Nims Purja đạt được.
Hình ảnh các đỉnh núi dọc theo dãy Himalaya, được nhìn từ đỉnh Everest
Nhà leo núi người Ý Reinhold Messner phải mất 16 năm để trở thành người người đầu tiên trên thế giới chinh phục tất cả 14 đỉnh núi cao 8.000m vào năm 1986. Thế nhưng, hầu hết 20 người leo núi đang tập trung tại căn cứ núi Cao Tăng Tán Phong (Shisha Pangma, Tây Tạng, cao 8.027m) thuộc dãy Himalaya chỉ mới bắt đầu hành trình của họ trong vài năm trở lại đây, song họ đã chinh phục được 13 đỉnh núi cao nhất khác, nằm ở dãy Himalaya và Karakoram, trải dài qua Nepal, Pakistan, Tây Tạng và Ấn Độ.
Tuy nhiên, so với năm 2021, ngày nay những tiến bộ về công nghệ đã giúp việc thực hiện mục tiêu này có vẻ trở nên dễ dàng hơn. “Nhờ mạng xã hội, chúng tôi đang phát triển như một cộng đồng lớn, đại diện cho những người leo núi trên toàn thế giới”- nhà leo núi Shehroze Kashif (22 tuổi, Pakistan), cho biết- “Tôi nghĩ điều này thật tuyệt, mọi người đều nỗ lực hoàn thành ước mơ của mình, giống như tôi vậy”.
Ngoài ra, những tiến bộ trong kỹ thuật leo núi; dự báo thời tiết và hỗ trợ hậu cần đã giúp mục tiêu chinh phục 14 đỉnh núi cao 8.000m trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với người có đủ khả năng chi trả. Mingma Sherpa, đại diện Seven Summit Treks- Công ty Thám hiểm leo núi lớn nhất Nepal, cho biết: “Những người leo núi có thể phải trả tới 700.000 đô la Mỹ cho toàn bộ đội ngũ hỗ trợ. Nhưng mức giá cao không ngăn cản được ngày càng nhiều người theo đuổi mục tiêu này. Đầu tiên, họ chỉ định leo một hoặc hai ngọn núi nhưng chẳng mấy chốc họ quyết định leo tất cả. Các đội hỗ trợ, cùng trực thăng vận chuyển đồ đạc nhanh chóng giữa các căn cứ, cho phép người leo núi chinh phục nhiều ngọn núi trong một mùa”.
Eberhard Jurgalski- chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực thám hiểm- cho biết: "Rõ ràng, các nhà leo núi tiên phong thời trước đã thực hiện những hành trình khó khăn, nguy hiểm và đặc biệt hơn nhiều. Họ phải mất nhiều năm ròng rã, trong khi bây giờ có thể thực hiện trong vòng… 3 tháng. Trình độ của lựu lượng hậu cần hiện đã đạt đẳng cấp thế giới. Đó chính là lý do chính khiến nhà leo núi người Anh Nepal Nirmal Purja hoàn thành chinh phục 14 đỉnh núi cao 8.000m chỉ trong hơn 6 tháng vào năm 2019, phá vỡ kỷ lục trước đó là 7 năm”.
Cô Dawa Yangzum Sherpa, người đang đặt mục tiêu trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Nepal leo lên 14 đỉnh núi cao nhất thế giới, quay bánh xe cầu nguyện tại Bảo tháp Boudhanath ở Kathmandu
Tuy nhiên, xu hướng rút ngắn thời gian không phải lúc nào cũng được cộng đồng leo núi hoan nghênh. Nhiều nhà leo núi vẫn phản đối việc sử dụng trực thăng, lộ trình tuyến đường được chuẩn bị trước và các đội hỗ trợ. Cô Dawa Yangzum Sherpa, người đang đặt mục tiêu trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Nepal chinh phục tất cả 14 đỉnh núi cao trên 8.000m, bày tỏ quan điểm rằng, “bên cạnh thành tích, thì phong cách leo núi cũng quyết định mức độ nhà leo núi được người khác đánh giá cao, tự lực vẫn tốt hơn lạm dụng máy móc, công nghệ”.
Ngược lại, nhà leo núi Alina Pekova (Nga), người đang cố gắng chinh phục đỉnh Cao Tăng Tán Phong để hoàn thành hành trình leo 14 đỉnh núi cao 8.000m của mình, lại cho rằng: “Việc leo núi với tốc độ cao vẫn là một thử thách không phải ai cũng làm được về mặt sức bền. Vậy, nếu bạn có thể leo lên một cách nhanh chóng, tại sao không thử? Đó là một thử thách khác".
Tùng Anh (Theo AsiaOne)
- Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh
- Đài Loan: Nới lỏng quy định Chương trình INTENSE nhằm thu hút sinh viên Việt Nam, Indonesia, Philippines
- Thái Lan phát tiền cho người cao tuổi dịp Tết Nguyên đán
- UNICEF cảnh báo 3 yếu tố đe dọa tương lai trẻ em
- Các quốc gia OECD có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài