Những tháng đầu năm 2024, 35.933 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc

Thứ Tư, 17 /04/2024 11:17

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Quý I năm 2024 có 35.933 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc; trong đó, riêng tháng 3/2024 là 12.738 lao động.

Trong nhiều năm qua, xuất khẩu lao động là một kênh giải quyết việc làm hiệu quả và rất có ý nghĩa đối với Việt Nam. Bởi hoạt động này mỗi năm vừa đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, vừa góp phần đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho một bộ phận người lao động, chủ yếu ở nông thôn và người nghèo.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó tập trung vào một số thị trường trọng điểm, truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Nhu cầu về lao động nước ngoài của các thị trường này bên cạnh sự ổn định, còn có nhiều yếu tố thuận lợi, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện các chương trình trong những năm tới. Không chỉ vậy, đa số lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước có kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, ý thức kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp tốt- rất có lợi cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tính đến hết Quý I năm 2024, theo thống kê, đã có 35.933 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc; trong đó, riêng tháng 3/2024 là 12.738 lao động. Bên cạnh Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, lao động Việt Nam đã sang làm việc tại Đức, Trung Quốc, Singapore, Rumani, Thái Lan, Macau (Trung Quốc), Arab Saudi, Hungary… và một số thị trường lao động khác.

Để giữ ổn định các thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới, Việt Nam đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là khắc phục tình trạng lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại các quốc gia, vùng lãnh thổ. Nâng cao chất lượng lao động, cấp đủ chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc xác nhận hoàn thành khóa học nghề bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, giáo dục định hướng trước khi gửi sang các thị trường lao động. Định hướng đưa lao động đi làm việc ở một số thị trường tiềm năng theo những ngành nghề an toàn, phù hợp với trình độ, kỹ năng và có thu nhập cao; đồng thời, ưu tiên hỗ trợ lao động ở vùng khó khăn, người DTTS, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và thân nhân người có công với cách mạng.

Năm ngoái, Việt Nam đưa hơn 159.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 33,3% kế hoạch năm- đây cũng là số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Tùng Anh