Nữ cán bộ BHXH hơn 20 năm bám bản
Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất vùng cao cũng là khoảng thời gian chị Nguyễn Thị Oanh- chuyên viên BHXH huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) luôn trăn trở làm thế nào có thể lan tỏa chính sách BHXH, BHYT tới từng thôn bản, để giúp bà con nơi đây có chỗ dựa vươn lên thoát nghèo…
Tôi gặp chị Oanh trong một buổi chiều muộn tại trụ sở BHXH huyện Mù Cang Chải, thời điểm phòng chị là nơi sang đèn duy nhất. “Thời gian với chị là vàng em à, cứ phải tranh thủ thôi. Mai kia thứ Bảy, Chủ nhật, chị cũng ở luôn trụ sở để làm việc. Em rảnh thì lên đây chơi với chị…”- chị Oanh vừa tất bật sắp xếp chồng hồ sơ vừa hồ hởi bắt chuyện.
Theo chị Oanh, chị bén duyên với Ngành từ đầu năm 2004. Thời điểm đó, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, nên chị thường tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần xuống các thôn, bản để trực tiếp tuyên truyền cho bà con về chính sách BHXH, BHYT. Khi đó, đồng bào DTTS vẫn còn rất lạ lẫm với chính sách này, cũng như đời sống còn nhiều khó khăn, nên chị tâm niệm trước hết phải giúp bà con hiểu về chính sách, chứ chưa nghĩ đến chuyện vận động tham gia…
Nhớ lại những ngày đầu đi tuyên truyền, chị Oanh cho biết, trên miền sơn cước này, việc di chuyển rất khó khăn, đặc biệt vào thời điểm mưa bão, đường trơn trượt, một bên là vực, bên còn lại là vách núi cheo leo. “Trước kia không có xe máy, nên phương tiện duy nhất là cuốc bộ. Nhiều hôm cứ lang thang hết bản này đến bản kia, khi về tới nhà thì chân không còn cảm giác. Nhưng mỗi ngày có một vài gia đình hiểu về chính sách là mình vui rồi em à”- chị Oanh chia sẻ.
Sau những buổi tuyên truyền, chị Oanh lại bắt tay hoàn tất hồ sơ dang dở, tranh thủ giải quyết kịp thời các chế độ cho người thụ hưởng. Do đã trải qua nhiều vị trí công tác, nên chị Oanh học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, cách làm hay. Đơn cử, trong công tác tuyên truyền, bên cạnh lựa chọn những người có tiềm năng, chị kiên trì thuyết phục bà con theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Hay như, tìm hiểu đặc điểm văn hóa, học ngôn ngữ của từng dân tộc để có cách tiếp cận, tuyên truyền phù hợp.
Nhắc về gia đình, chị Oanh tỏ rõ sự chạnh lòng, không được ở gần để chăm sóc gia đình, con cái. “Nhiều khi nhớ con (gia đình chị Oanh ở TP.Yên Bái- PV), nhưng bận việc nên cả tháng không về. Lắm lúc con cái nhớ mẹ lại bắt bố đưa lên thăm. Thôi thì mình chấp nhận hy sinh cái nhỏ để hướng tới cái lớn hơn là giúp bà con có điểm tựa vươn lên thoát nghèo em à”- chị Oanh nói với tôi như tự động viên chính mình.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn- Giám đốc BHXH huyện Mù Cang Chải, do lực lượng mỏng, nên hầu hết CBVC của đơn vị đều phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Riêng với chị Oanh, dù có cơ hội được về thành phố làm việc để tiện chăm sóc gia đình, nhưng chị vẫn quyết tâm “bám bản” suốt 20 năm qua để đưa chính sách tới bà con. “Những cán bộ như chị Oanh đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về chính sách BHXH, BHYT. Nếu như 20 năm trước, số người tham gia BHXH, BHYT tại Mù Cang Chải chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì giờ đã có trên 600 người tham gia BHXH tự nguyện và trên 99% người dân tham gia BHYT”- ông Tuấn thông tin.
Thanh Hằng
- Công bố kết quả Cuộc thi sáng tác ca khúc về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp
- Sóc Trăng: Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp”
- Tây Ninh: Tổ chức Cuộc thi ảnh “NLĐ với chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” trên Facebook
- BHXH tỉnh Vĩnh Long nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
- Phòng Thanh tra-Kiểm tra (BHXH tỉnh Long An): Xứng danh người “gác cửa”