Rác vũ trụ tăng nhanh và khó kiểm soát
Rác vũ trụ là những vật thể nhân tạo, nguồn gốc từ vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa… do con người phóng lên không gian mỗi năm. Theo Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (National Aeronautics and Space Administration, NASA), “rác vũ trụ có thể bé như mảnh nhựa, cho đến lớn như động cơ đẩy của tên lửa”.
Tuy nhiên, dù có kích thước như thế nào, rác vũ trụ vẫn được xem là mối đe dọa đến hoạt động ngoài không gian của con người, cũng như các tàu vũ trụ hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất.
Hiện nay, có một lượng lớn rác hoặc mảnh vỡ không gian trên quỹ đạo. Theo số liệu của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) hồi tháng trước, gần 37.000 vật thể có kích thước hơn 10cm đang được các mạng lưới giám sát không gian theo dõi. Ông Nick Shave, CEO Astroscale UK, một công ty dịch vụ trên quỹ đạo có trụ sở chính tại Nhật Bản, cho biết: "Kể từ khi kỷ nguyên vũ trụ bắt đầu, con người đã có một nền văn hóa “vứt bỏ”- tình trạng này giống như rác thải nhựa ở đại dương vậy. Trước đây, việc đưa một vệ tinh vào quỹ đạo quanh Trái Đất là một vấn đề lớn. Tới năm năm 1957, từ khi phóng thành công vệ tinh đầu tiên Sputnik, việc đưa vệ tinh vào không gian trở nên dễ dàng và bớt tốn kém hơn. Kết quả là số lượng vệ tinh đã tăng vọt. Năm 2022, có khoảng 6.000 vệ tinh và ước tính đến năm 2030, sẽ có gần 60.000 vệ tinh trên quỹ đạo quanh hành tinh”.
Mối lo ngại về rác vũ trụ không chỉ dừng lại ở việc có khả năng làm hỏng một vệ tinh hoặc tàu vũ trụ. Có một hiệu ứng được gọi là Kessler, cho thấy lý thuyết về việc “khi số lượng vệ tinh tăng lên, khả năng va chạm tăng theo, dẫn đến ngày càng có nhiều mảnh vỡ được tạo ra, nguy cơ xảy ra va chạm lớn nhiều hơn, từ một vụ va chạm có thể gây ra một loạt vụ va chạm, ảnh hưởng đến toàn bộ quỹ đạo”. Xa hơn, việc này làm hoạt động liên quan đến công nghệ không gian bị ngưng trệ, chúng ta sẽ khó khăn trong định vị, dự báo thời tiết, đo lường khí hậu và thậm chí cả băng thông rộng vệ tinh…
Vậy giải pháp là gì? Theo dõi và điều khiển vệ tinh để tránh va chạm là một cách để quản lý rủi ro. Chẳng hạn, SpaceX của Elon Musk quản lý vệ tinh Starlink và đưa các vệ tinh được coi là "có nguy cơ cao trở nên không thể điều khiển được" ra khỏi quỹ đạo. Bên cạnh đó, việc hợp tác toàn cầu cũng rất quan trọng, các Chính phủ, cơ quan chức năng, tổ chức phi chính phủ.. chung tay xử lý rác vũ trụ, việc chia sẻ và chuẩn hóa các hệ thống trên khắp không gian sẽ giúp cải thiện tình hình hiệu quả hơn và bền vững hơn. Cũng có thể tập trung đầu tư các công nghệ đột phá khác như mạng điện thoại di động, Internet. “Rác vũ trụ trên quỹ đạo hiện nay giống như việc có nhiều ô tô trên đường phố vào đầu thế kỷ 20- ông Nobu Okada, CEO Astroscale, nhận định- “Không thể cấm hoạt động, thay vào đó hãy quản lý tốt hơn”.
Astroscale vừa giành được hợp đồng trị giá 2,5 triệu USD với Cơ quan Vũ trụ Liên hiệp Anh (United Kingdom Space Agency, UKSA) vào tháng trước, với Dự án Tàu vũ trụ Innovative Capture (Cosmic), nhằm loại bỏ các vệ tinh không hoạt động của Vương quốc Anh trên quỹ đạo bằng cánh tay robot. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Astroscale hy vọng sẽ phóng Cosmic vào năm 2027-2028, thí điểm loại bỏ rác vũ trụ dạng mảnh vỡ nhỏ hơn những loại họ đang “dọn dẹp” ở thì hiện tại.
Tùng Anh (Theo NASA)
- Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh
- Đài Loan: Nới lỏng quy định Chương trình INTENSE nhằm thu hút sinh viên Việt Nam, Indonesia, Philippines
- Thái Lan phát tiền cho người cao tuổi dịp Tết Nguyên đán
- UNICEF cảnh báo 3 yếu tố đe dọa tương lai trẻ em
- Các quốc gia OECD có nhu cầu lớn về lao động nước ngoài