Sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT
Trong giai đoạn 2006-2015, Đảng, Nhà nước có sự quan tâm đặc biệt đối với chính sách BHXH, BHYT cũng như việc tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả các chính sách này. Điều đó thể hiện rõ qua các văn kiện Đại hội X (năm 2006) và Đại hội XI (năm 2011) cũng như các Kết luận, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng như:
- Kết luận số 43-KL/TW ngày 1/4/2008 của Bộ Chính trị về 3 năm thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và 5 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 22/1/2002 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”;
- Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”;
- Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về “Một số vấn đề về tiền lương, BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020";
- Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020";
- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020”.
Những văn kiện này thể hiện rất rõ sự phát triển trong tầm nhìn chiến lược của Đảng về vị trí, vai trò của chính sách BHXH, BHYT và BHTN trong hệ thống chính sách an sinh xã hội nói riêng và tiến trình phát triển của đất nước nói chung. Đặc biệt, Nghị quyết số 21-NQ/TW (năm 2012) của Bộ Chính trị đã khẳng định: “BHXH, BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội và phát triển kinh tế- xã hội” và “Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân”.
Bên cạnh đó, Đảng đã xác định nhiệm vụ “Đổi mới hệ thống BHXH theo hướng đa dạng hoá hình thức và phù hợp với kinh tế thị trường; xây dựng chế độ BHTN”; “Phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm như BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm”; “Phát triển và nâng cao chất lượng BHYT; xây dựng và thực hiện tốt lộ trình tiến tới BHYT toàn dân”; “Đổi mới và hoàn thiện đồng bộ các chính sách BHYT, khám, chữa bệnh và viện phí phù hợp; có lộ trình thực hiện BHYT toàn dân” (Văn kiện Đại hội X).
Cụ thể hóa những tầm nhìn này, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra những mục tiêu cụ thể cho việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đó là phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia BHTN và trên 80% dân số tham gia BHYT.
Có thể nói, sự quan tâm đặc biệt của Đảng trong giai đoạn 2006-2015 chính là những tiền đề, nền tảng, định hướng rất quan trọng giúp hệ thống chính sách BHXH, BHTN, BHYT ngày càng hoàn thiện; việc tổ chức thực hiện chính sách ngày càng hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân.
- Những bước tiến ngoạn mục sau 30 năm thành lập
- BHXH tỉnh Hải Dương: 30 năm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội
- Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin
- Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
- Từng bước hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân