Thách thức trong giải quyết việc làm

Thứ Năm, 20 /07/2023 12:30

Mặc dù thị trường lao động vẫn trong tầm kiểm soát được nhưng với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các ngành chủ lực không được giải quyết triệt để thì nguy cơ thị trường lao động trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề…

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội gửi Ủy ban TVQH đã khẳng định, ngành LĐ-TB và XH đã triển khai xây dựng Dự án Tăng cường kết nối cung- cầu lao động thuộc Chương trình Phục hồi phát triển kinh tế- xã hội để làm cơ sở tăng cường kết nối cung- cầu lao động. Triển khai các hoạt động thu thập thông tin qua điều tra, khảo sát, báo cáo hành chính, tổng hợp của các tỉnh, thành phố. Từ hệ thống Trung tâm DVVL, tổ chức thu thập thông tin về thị trường lao động thông qua các phiếu đăng ký tư vấn, tìm việc làm của NLĐ và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Thông tin từ cơ sở dữ liệu cung- cầu lao động giúp cho việc quản lý lao động và doanh nghiệp tại địa phương là cơ sở tính toán, báo cáo định kỳ các chỉ tiêu về thị trường lao động.

Cùng với đó, Bộ LĐ-TB và XH, Bộ Công an phối họp từng bước kết nối, chia sẻ CSDL về lao động việc làm gắn với cơ sở dữ liệu dân cư. Đồng thời, đến nay đã triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển và nâng cao năng lực các hoạt động dịch vụ việc làm để tăng cường kết nối cung- cầu lao động; tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ kết nối việc làm thành công để nâng cao hiệu quả, chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm; hiện đại hoá hệ thống Trung tâm DVVL. Ngoài ra, đã tổ chức các hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động để cung cấp thông tin định hướng cho các chủ thể tham gia thị trường lao động, cho hoạt động đào tạo- giáo dục gắn với nhu cầu của thị trường lao động; xây dựng các sản phẩm báo cáo, dự báo thị trường lao động.

Đáng chú ý, trong hoạt động tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, triển khai các hoạt động về phân tích, dự báo thị trường lao động như xây dựng mô hình, phương pháp dự báo, xây dựng cáo báo cáo phân tích chuyên sâu về các khía cạnh của thị trường LĐ làm cơ sở điều tiết, quản trị thị trường lao động.

Tuy nhiên, chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho “cầu lao động” của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Đến nay, đang có khoảng 38,1 triệu NLĐ chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên; cả nước chỉ có 26,4% người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ. Cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững. Điều này thể hiện qua các số liệu như tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 51,1 triệu người, trong đó 13,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 27,1%); gần 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức (chiếm 64,6%). Đặc biệt, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung- cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung- cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu.

Báo cáo của Chính phủ nhìn nhận, mặc dù thị trường lao động vẫn trong tầm kiểm soát được nhưng với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các ngành chủ lực không được giải quyết triệt để, thì nguy cơ thị trường lao động trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề… Trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát kéo dài, xung đột Nga- Ukraina, đồng thời sản xuất, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn gây ra nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn sẽ diễn ra ở nhiều DN, tạo ra thách thức lớn trong giải quyết việc làm, đảm bảo ASXH.

Nguyệt Hà