Thái Lan: Cấm đồ nhựa dùng một lần ở vườn, công viên quốc gia

Thứ Năm, 07 /04/2022 10:21

Ngày 6/4/2022, Thái Lan ban hành lệnh cấm sử dụng hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần tại các vườn, công viên quốc gia để chống lại thảm họa rác thải đe dọa động vật hoang dã.

Cục Bảo tồn Động thực vật và Công viên Quốc gia Thái Lan cho biết, lệnh cấm của Chính phủ là rất cần thiết để bảo vệ hệ sinh thái. Người vi phạm có thể bị phạt tới 100.000 baht nếu đi vào vườn, công viên quốc gia mà mang theo hộp xốp hoặc đồ nhựa dùng một lần (cụ thể, túi nilon/plastic có kích thước nhỏ hơn 36 micron, hộp đựng thực phẩm bằng xốp/nhựa, cốc, ống hút, dao nhựa…). Lệnh cấm có hiệu lực từ thời điểm ban hành (6/4/2022) và được đăng trên Công báo Hoàng gia một ngày trước đó.

Các BS thú y kiểm tra thấy rác thải nhựa và các loại rác thải khác trong xác 1 con hươu ở Vườn Quốc gia Sathan (Nan, Thái Lan)

Theo Tổ chức Hòa bình xanh Thái Lan, rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng là mối đe dọa đối với động vật hoang dã, bởi làm tắc ruột và gây rối loạn hệ tiêu hóa của động vật nếu chúng không may ăn phải. Thậm chí còn gây hại cả đến quần thể voi, mặc dù loài vật này có thân hình to lớn. Bằng chứng là trong phân của những con voi ở Vườn Quốc gia Khao Yai, cách Bangkok 3 giờ lái xe về phía Đông Bắc, đã tìm thấy bao bì và túi nilon.

Bên cạnh đó, ngoài khơi biển Thái Lan cũng đang trong tình trạng ô nhiễm, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã kéo theo sự gia tăng chất thải nhựa khi nhu cầu về thực phẩm mang đi ngày càng tăng. Ô nhiễm nhựa trên đất liền cũng có thể làm ô nhiễm các nguồn nước, đe dọa hệ sinh thái sông và sinh vật biển.

Trước đó, Thái Lan đã cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại các siêu thị, cửa hàng bách hóa từ năm 2020. Tuy nhiên, đồ nhựa dùng một lần vẫn khá phổ biến ở hàng rong, quán cafe, chợ truyền thống và các nhà bán lẻ nhỏ. Thái Lan đặt mục tiêu 100% rác thải nhựa tái chế được đưa vào sử dụng vào năm 2027.

Rác thải nhựa là những vật dụng làm bằng nhựa, chủ yếu là nhựa PE bị thải ra môi trường sau quá trình sử dụng, như túi nilon/plastic, ống hút, vỏ chai nước, các chất dẻo tổng hợp… Rác thải nhựa sẽ bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời, tuy nhiên, thời gian để phân hủy lên tới hàng trăm, ngàn năm. Theo LHQ, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nilon/plastic; 40% nhựa được sản xuất ra không được sử dụng đến; rác thải bị bỏ ra môi trường và xử lý bằng đốt, chôn lấp đều gây ra rất nhiều nguy hại cho cuộc sống, sức khỏe con người.

Tùng Anh (Theo Bangkok News)