Thị trường việc làm của người cao tuổi Việt Nam vẫn ở mức độ “tiềm năng”

Thứ Năm, 31 /10/2024 15:38

Thị trường việc làm của người cao tuổi Việt Nam vẫn ở mức độ “tiềm năng”. Vì vậy, dù còn sức khỏe; chuyên môn, kỹ năng cao; dạn dày kinh nghiệm… thì việc tìm được công việc phù hợp đối với người cao tuổi không hề dễ dàng.

Theo thống kê, dân số Việt Nam có quy mô khoảng 100,3 triệu người, trong đó có hơn 16 triệu người cao tuổi (số liệu năm 2023). Dự báo, năm 2028, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, điều đó có nghĩa là chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”- lúc này, người cao tuổi sẽ vào khoảng hơn 21 triệu người, chiếm gần 20% tổng dân số, hay cứ 5 người thì có một người trên 60 tuổi. Với gần 20% tổng dân số là người cao tuổi, thị trường việc làm được cho là gặp nhiều thách thức, nếu như không có định hướng chuyển đổi phù hợp, thì việc tìm việc làm đối với NLĐ cao tuổi sẽ tương đối bất khả thi. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, là tình trạng thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của quá trình già hóa dân số.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã lường trước khó khăn, có nhiều giải pháp đối phó với già hóa dân số. Một trong những giải pháp hiệu quả là “tận dụng” người cao tuổi xem như một lực lượng lao động đặc biệt. Điều này làm cho thị trường việc làm không bị động trong nguồn cung lao động, đồng thời, giúp NLĐ cao tuổi “sống vui, sống khỏe”, tự chủ về tài chính và nâng cao tinh thần. Ví dụ, Nhật Bản ngay từ thập niên 80 của thế kỷ trước đã ban hành các văn bản Luật định về việc làm của người cao tuổi, tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi kéo dài thời gian làm việc; kết quả, năm 2021, quốc gia này vẫn có hơn 70% người cao tuổi trên 60 tuổi tham gia thị trường việc làm. Tại Mỹ, năm 2024, 13 triệu người người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên vẫn đang làm việc, tăng 55% trong 10 năm trở lại đây (2014-2024). Hay ở Singapore, người cao tuổi từ trên 60 tuổi (33% tổng dân số) chưa nghỉ hưu.

Còn tại Việt Nam, theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2021, “tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035”. Tăng tuổi hưu được coi là giải pháp cần thiết, để đáp ứng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, tận dụng hết khả năng của NLĐ, ứng phó thách thức từ già hóa dân số, bảo đảm tính bền vững của quỹ BHXH, thúc đẩy bình đẳng giới (thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu 2 giới…). Bên cạnh đó, cá nhân NLĐ cao tuổi cũng có cơ hội và thời gian tìm được công việc phù hợp, mang lại nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình- Điều này được cho là “phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, xu hướng phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Một khảo sát với hơn 3.500 người tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia, trong đó có Việt Nam, cho thấy: Khác với những năm trước đây, ngày càng có nhiều NLĐ có ý định nghỉ hưu muộn hơn, tích lũy nhiều hơn, mong muốn đạt “an toàn tài chính” sau khi nghỉ hưu, bởi ảnh hưởng từ chia sẻ và lời khuyên của người thân thuộc thế hệ trước. Cụ thể, phần lớn lựa chọn nghỉ hưu ở độ tuổi trung bình là 64, các lý do giải thích cho lựa chọn này là: Do yêu thích công việc hiện tại (46%); do có nhu cầu tích lũy nhiều hơn (61%); do có mong muốn duy trì hoạt động thể chất và tinh thần cho cá nhân (49%)...

Tùng Anh